TS Tuyết: "Nước mắt học sinh trong vắt vẻ đẹp của lòng yêu nước"

Thiên Di |

(Soha.vn) - "Tôi thực sự xúc động vì các em... lớp người tưởng chỉ quan tâm tới K-pop, thời trang hay Flappy Bird" - TS Trịnh Thu Tuyết chia sẻ sau đề văn về giàn khoan Trung Quốc.

Ngày 12/5, câu hỏi mở trong đề ôn luyện môn Ngữ văn lớp 12D1 Trường THPT Chu Văn An xuất hiện sự kiện Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam. Tác giả của đề thi này là Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cô Trịnh Thu Tuyết xung quanh đề thi đang gây xôn xao trong dư luận này.

  • - Thưa TS Trịnh Thu Tuyết, vì sao cô lại chọn đưa sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vào đề thi môn Ngữ Văn 12?

TS Trịnh Thu Tuyết: Văn học là nhân học, lại có câu: "Tất cả những gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi". Như vậy, văn học đích thực luôn quan tâm đến tất cả những gì thuộc về con người, văn học như một hàn thử biểu của tâm hồn, tình cảm con người.

Sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, đưa 80 tàu có vũ trang vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam làm rúng động trái tim hàng triệu người dân Việt, đương nhiên sẽ là sự kiện mà không một học trò Việt nào có thể thờ ơ.

Ban đầu, đề đọc hiểu số 5 là một ngữ liệu liên quan tới tình yêu, nhưng sự kiện 1/5 khiến tôi thay đổi ý định. Ít nhất, thời gian này, các em sẽ xúc động hơn với những vấn đề liên quan tới một tình yêu lớn lao hơn, thiêng liêng hơn, đó là tình yêu Tổ Quốc. Và đó cũng là tình cảm tôi muốn khơi gợi ở các em trong những ngày tháng nóng bỏng này của quê hương đất nước. 

 

Là giáo viên dạy văn nhưng TS Trịnh Thu Tuyết rất chú trọng đưa học sinh đến các không gian lịch sử.

Trong ảnh: (Trái) Các học sinh được tham quan trống đồng tại Đền Hùng; (Phải) Cô Tuyết chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh tại Đền Hùng.
Là giáo viên dạy văn nhưng TS Trịnh Thu Tuyết rất chú trọng đưa học sinh đến các không gian lịch sử. Trong ảnh: (Trái) Các học sinh được tham quan trống đồng tại Đền Hùng; (Phải) Cô Tuyết chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh tại Đền Hùng.

- Trong vòng 90 phút làm bài, cô đánh giá như thế nào về thái độ và tinh thần của các em học sinh đối với đề thi?

TS Trịnh Thu Tuyết: Tôi đã không nhầm khi thay đổi ngữ liệu đọc hiểu trong đề ôn luyện lần này. Đề bài hình như đã chạm vào những xúc cảm trong sáng nhất của các em. Trong hai tiết, các em đã say sưa làm bài, quên cả thời gian, quên cả sự khắc nghiệt của cái nắng đầu hè oi bức.

Khi chấm bài, tôi nhận thấy các em khá hứng thú với bài luận, hứng thú với ngữ liệu đọc hiểu đầy xúc động trong bài thơ của Nguyễn Việt Chiến. Nội dung của khổ thơ, nội dung nghị luận của bài luận cùng hứng thú đặc biệt của các em đã cho tôi một niềm tin vào sự cao quý trong tâm hồn Việt.

- Việc thay đổi đề vào phút chót như vậy có làm khó các em học sinh không? Và qua các bài viết của các em, cô có đánh giá như thế nào về sự hiểu biết, quan tâm của học trò về sự kiện Trung Quốc đặt hạ giàn khoan trái phép?

TS Trịnh Thu Tuyết: Đề bài tôi mới thay đổi đêm 11/5, sáng 12/5 cho các em làm bài, và tôi nhận thấy các em có sự cập nhật đáng ngạc nhiên những thông tin về sự kiện 1/5, về Hội nghị Asean, về những cuộc mít tinh, tuần hành của người dân Việt ở cả ba miền đất nước, cũng như của Việt kiều ở nước ngoài.

Trừ vài bài viết còn chung chung, sơ lược, còn lại tôi đánh giá tương đối tốt bài làm của các em lần này, sự phẫn nộ trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, ý thức sâu sắc về chủ quyền dân tộc, khát vọng hoà bình... đó là những điểm chung nhất được các em thể hiện trong bài luyện đề.

Tôi thực sự xúc động vì tình cảm chân thành của các em. Ngoài ra, trên các mạng xã hội, hình đại diện của các em đỏ màu cờ Tổ Quốc, hầu như không em nào không có ít nhất một “status” về biển đảo cùng những vấn đề liên quan. Đó là biểu hiện đáng mừng với thế hệ trẻ, lớp người tưởng chỉ quan tâm tới K-pop, thời trang hay Flappy Bird!

- Đề thi mở của cô gợi liên tưởng đến một sự kiện gây chấn động trước đây là sự kiện thư học sinh lớp 4 gửi ông Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Từ những đề văn như thế, cô có đóng góp ý kiến gì trong việc giáo dục, làm sống dậy tình yêu biển đảo, yêu Tổ Quốc trong việc dạy Ngữ văn ở các nhà trường?

TS Trịnh Thu Tuyết: Trong các bộ môn, Ngữ văn là môn học đặc biệt có ưu thế trong việc giáo dục ý thức chủ quyền và khơi gợi lòng yêu nước cho học sinh.

Lòng yêu nước nhiều khi là đối tượng cảm hứng trực tiếp của rất nhiều tác phẩm văn học; từ ý thức cảnh giác trước mưu đồ xâm lược của kẻ thù ngàn đời qua truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thuỷ đến sự khẳng định chủ quyền trong những âm vang hào hùng đanh thép của Nam Quốc sơn hà; từ nỗi đau mất nước, lòng căm thù quân giặc dữ đến niềm tự hào về những trang sử oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc... trong Hịch tướng sĩ, Cáo bình Ngô, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc...; từ niềm cảm phục thương mến với những người chiến sĩ anh hùng "quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh" trong Tây Tiến, Đồng chí... đến những suy ngẫm sâu xa về Đất Nước trong những bài thơ cùng tên của Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm...

Cô Trịnh Thu Tuyết đưa học trò đến Ngã ba đồng lộc.

Cô Trịnh Thu Tuyết trong một lần khác đưa học sinh đi tham quan, tìm hiểu tại các địa điểm ghi dấu án lịch sử. Trong ảnh là Ngã ba Đồng Lộc. 

Hay tìm hiểu lịch sử tại Thành cổ Quảng Trị.

Thầy trò cô Trịnh Thu Tuyết tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: NVCC

Khi dạy những tác phẩm này, tôi hướng học sinh đến những xúc cảm khác nhau của lòng yêu nước không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tâm huyết, là nỗi lòng mỗi giáo viên dành cho đất nước, đó là điều chưa bao giờ tôi bỏ qua.

Bên cạnh những tác phẩm văn chương, các bài nghị luận xã hội cũng là phương tiện hữu hiệu để tôi hướng học trò tới những xúc cảm, suy nghĩ có trách nhiệm và thực sự chân thành về đất nước. Những bài luận về lòng yêu nước của con người thời hiện đại, về những vấn đề của đất nước, nhân dân, như lòng dân trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay trực tiếp vấn đề biển đảo... sẽ giúp các em quan tâm hơn tới đất nước, được khơi dậy những tình cảm cao quý nhất hướng về đất nước.

Ngoài các bài học, tôi còn muốn khơi gợi, bồi dưỡng lòng yêu nước của các em bằng một con đường luôn có khả năng gây những ấn tượng mạnh mẽ nhất, đó là việc tổ chức cho các em những chuyến về nguồn, như đưa các em đi thăm Nghĩa trang Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, khu địa đạo Vịnh Mốc, tới tượng đài Mẹ Suốt... Tôi nhận thấy học trò tôi trưởng thành rất nhiều từ những chuyến đi ấy, những giọt nước mắt của các em trong vắt vẻ đẹp của lòng yêu nước.

Giáo dục cho học sinh về vấn đề thiêng liêng ấy là nhiệm vụ và trách nhiệm của giáo viên nói chung, giáo viên các môn xã hội nói riêng, việc giáo dục ấy cần thiết cho bất kì độ tuổi nào. 

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của cô! 

* Cùng sự kiện: 

> Vụ giàn khoan TQ: Bài văn dồn nén cảm xúc của nữ sinh 18 tuổi
Đề văn lớp 12 trường Chu Văn An Hà Nội sôi sục vì biển đảo

*** Mời độc giả theo dõi clip 1000 người cùng thu âm bài hát về Trường Sa

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại