Nhiều năm nay, những người dân ở xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng, Nam Định) đã quen với hình ảnh một người phụ nữ tâm thần, tay xách, nách mang hàng chục thứ đồ lỉnh kỉnh trên người đi xin ăn nuôi con. Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Dinh, và câu chuyện về tình mẫu tử cảm động khiến không ít người phải xót xa.
Ăn xin nuôi con thần kinh
Tìm đến chợ Đông Bình (Nghĩa Hưng, Nam Định) hỏi thăm người phụ nữ thần kinh tuổi ngoài 30 thường đi xin ăn, mọi người chỉ ngay phía cuối chợ, nơi có một chị đang nhảy múa bên cửa hàng bán quần áo.
Phía góc chợ, đầu đội mũ bảo hiểm, tay xách những túi đồ nhiều món thức ăn lẫn lộn, chị nhảy tưng bừng theo tiếng nhạc.
Nhiều người kể lại, khi mới sinh ra, chị Nguyễn Thị Dinh (sinh năm 1983) lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng 7 tháng sau đó, trận ốm thập tử nhất sinh đã để lại biến chứng, khiến chị mắc bệnh tâm thần.
Hơn chục năm trước, khi đó 20 tuổi, chị Dinh vẫn ngây thơ như một đứa trẻ. Chị bị lừa nên mang thai. Cậu con trai năm nay cũng đã lên 10 tuổi. Đau đớn thay, cậu bé cũng mắc căn bệnh giống mẹ mình. Bé Vượng – con trai chị năm nay đã học lớp 3, nhưng không nhận thức được, ngay cả tên mình, Vượng cũng không nhớ nổi.
Ngày trước, hai mẹ con chị Dinh được bà ngoại nuôi, nhưng mỗi ngày bà một già yếu, không nuôi sống hai mẹ con chị được mãi, ba người chỉ bữa đói bữa no. Thương đứa con khóc ngằn ngặt vì thiếu ăn, chị Dinh liền đi ăn xin ở các chợ, các gia đình. Hàng ngày cứ 6, 7 giờ sáng, chị xách túi, đầu đội mũ bảo hiểm đi đến chợ. Kể cả những ngày mưa lạnh, chị Dinh cũng dầm mình trong mưa đi tới các chợ. Cứ thế, chị xin ăn từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều tối.
Những chiếc túi lẫn lộn món đồ ăn được mọi người cho, chị Dinh mang về cho con ăn
Tới các chợ, chị Dinh chìa mũ xin ăn. Những người bán hàng ở chợ đã biết hoàn cảnh của chị Dinh, lại thương đứa trẻ thiếu ăn nên có thừa thứ gì, đều cho chị thứ ấy. “Trông nó to xác thế thôi, chứ ngô nghê lắm, còn chẳng bằng đứa trẻ 5 tuổi. Ra chợ, lúc đói thấy thứ gì nó cũng nhặt lên ăn”, một người bán hàng cho biết.
Hơn chục năm nay, chị Dinh coi đó như “công việc” để nuôi sống cả gia đình. Nói với chúng tôi, chị cười tít mắt bảo: “Ngày nào cũng có đồ ăn ngon, thích lắm!”. Câu nói của người mẹ mắc bệnh tâm thần khiến không ít người nhói lòng.
Cảm động tình mẫu tử
Về nhà theo chị Dinh, chúng tôi vừa bước vào ngõ bé Vượng đã chạy ra reo ầm lên: “A, con ngố đã về”. Sau thằng bé, mẹ chị Dinh bước ra, bà đã ngoài 60 tuổi nhưng hàng ngày vẫn làm ruộng, nuôi gà để kiếm thêm thu nhập.
Khó có thể diễn tả được nét mặt vui vẻ của bé Vượng khi mẹ về, bởi mỗi lần mẹ về, Vượng đều có đồ ăn ngon. Trong suốt buổi gặp gỡ với gia đình chị Dinh, chưa lúc nào cậu bé gọi một tiếng mẹ, chỉ bởi vì người trong làng, ngoài xã đều gọi Dinh là con ngố, nên cậu bé cũng chỉ gọi mẹ bằng cái tên con ngố mà thôi.
Bà Tặng – mẹ chị Dinh chia sẻ: “Mặc dù đầu óc nó ngu ngơ không bằng đứa trẻ, nhưng nó thương con lắm. Ra chợ, ai cho đồng bạc lẻ nào, nó đều tích góp lại để mua quần áo đẹp cho con. Nhiều lần thấy nó cứ dầm mưa ra chợ, tôi không cho đi nữa, nó còn chửi mắng cả tôi. Nó sợ con mình đói, không có gì ăn nữa”.
Nhiều lần, nhìn hai mẹ con tâm thần chăm sóc nhau, vui đùa với nhau, bà Tặng lại rơi nước mắt: “Nhớ có lần, những đứa trẻ học cùng lớp với thằng Vượng trêu mẹ nó là ngố, là điên, nó khóc òa lên rồi về mách bà, mách mẹ. Tôi chỉ thở dài. Nó nhìn thằng bé khóc cũng liền khóc theo. Tôi đành dỗ dành cả hai đứa trẻ”.
Nỗi đau đớn lớn nhất với người mẹ ngoài 60 tuổi này chính là việc một mai bà mất đi, không biết ai sẽ thay bà chăm sóc, nuôi dưỡng hai mẹ con tâm thần. “Nhiều lúc cả hai mẹ con nó quậy phá, tôi không chịu nổi, hoặc nhiều khi nói mãi hai mẹ con nó chẳng chịu nghe, tôi buồn lắm nhưng đành chịu. Số phận đã định thế rồi, còn hy vọng gì nữa. Chỉ mong, hai mẹ con nó sẽ khỏe mạnh mà thôi”.
Nói rồi bà Tăng ứa nước mắt, nhớ lại chuyện cũ, trong tâm tư sâu thẳm của bà lúc nào cũng đau đớn. Thấy mẹ khóc, chị Dinh liền chạy tới lau nước mắt, mang cho bà cái bánh mới xin được rồi dỗ dành.
Rời căn nhà lụp xụp, nơi có hai mẹ con tâm thần sống với người mẹ già, chúng tôi không khỏi xót xa. Tương lai tới đây, không biết họ sẽ sống thế nào, mất đi người mẹ già, họ sẽ nương tựa vào đâu?