Kỳ tích khó tin của chàng thủ khoa 'tay trái' ở Thái Nguyên

12 năm đi học là 12 năm viết bằng tay trái, song chàng trai bị tật ở tay phải ấy đã lập được một kỳ tích là đỗ thủ khoa đại học khối C.

Sáng mò chai, tối bắt ếch vẫn đỗ thủ khoa đại học

Chia sẻ với chúng tôi về em Quân, ông Dương Quốc Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết, nhà ông ở cùng xóm với Quân nhưng chính ông cũng không ngờ cậu học trò nhỏ thó, cánh tay phải oặt ẹo như dải khoai nước, sáng đi mò chai tối bắt ếch ấy lại đỗ thủ khoa đại học. Đó là một điều rất đáng tự hào cho cả xã Thượng Đình cũng như huyện Phú Bình. Và đích thân ông Phó chủ tịch xã đã đưa chúng tôi xuống nhà của cậu thủ khoa đặc biệt này.

Kỳ tích khó tin của chàng thủ khoa “tay trái” ở xứ chè Thái Nguyên
Băm bèo - một trong những công việc thường ngày của chàng thủ khoa.

Gia đình Quân sống trong một căn nhà cấp 4 đã rất cũ, ọp ẹp ngay bên bờ suối của xóm. Bà Dương Thị Hiền - mẹ của em cho biết, Quân là đứa con út của gia đình, trên em còn 3 chị gái nữa; 2 chị đã lấy chồng và 1 chị đang học đại học.

Nói về hoàn cảnh của con trai mình, người mẹ gầy gò, quen dãi nắng dầm mưa, rưng rưng nước mắt. Người mẹ nào sinh con cũng đều muốn con mình được khỏe mạnh, được chăm lo đầy đủ. Thế nhưng, cậu con trai út tội nghiệp của bà sinh ra đã bị tật bẩm sinh ở tay phải. Lớn lên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Quân không được nuông chiều về vật chất như nhiều bạn đồng trang lứa khác.

Ngoài việc học, Quân vẫn thường xuyên phải làm việc nhà như nấu cơm, giặt quần áo cho đến việc đi mò cua, bắt ốc kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Đường từ nhà đến trường chừng 7 cây số, riêng quãng đường đất đã dài 2 km, ngày nắng thì bụi bặm còn ngày mưa thì đường vữa ra như cháo, đến trường phải mất cả tiếng đồng hồ. Vậy mà, suốt 12 năm học, Quân chỉ có một chiếc xe đạp cà tàng duy nhất làm phương tiện. Nhiều hôm học cả ngày, vì tiếc tiền em cũng không dám ở lại trường mà đạp xe về nhà nghỉ ngơi, ăn uống.

Khó khăn là thế, nhưng tất cả những gì chúng tôi thấy được ở cậu học sinh tật nguyền này là một ý chí, nghị lực phi thường. Hoàng Đình Quân tâm sự: Do gia đình nghèo, nên khi đi học về em dành phần lớn thời gian làm việc nhà và kiếm thêm phụ giúp cha mẹ.

Thời gian học của em là quãng thời gian thừa ra, khi không còn việc nhà hoặc không thể làm việc gì khác, thường em chỉ học từ 22h đêm đến 1h sáng. Quân cũng cho biết thêm, em chỉ theo học các lớp chính khóa, rất ít khi đi học thêm. Chia sẻ về kinh nghiệm đạt điểm cao trong kỳ thi đại học, Quân cho biết phải học thật tập trung trong lớp và tự tạo cho mình cảm hứng mỗi khi tự học ở nhà. Cũng không cần phải học quá nhiều mà chỉ cần sắp xếp thời gian và có cách học một cách hợp lý.

Một tay sẽ tiếp tục chắp cánh ước mơ cho trẻ vùng cao

Hoàng Đình Quân chia sẻ, em chọn khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên do em có một người chị gái hiện cũng đang học tại đây. Chính người chị gái Hoàng Thị Thùy đã truyền cho em cảm hứng văn chương để học và chọn thi.

Khi hỏi em về ước mơ sau khi tốt nghiệp đại học, tôi ngạc nhiên khi biết em muốn trở thành thầy giáo dạy văn vùng cao. Để thử cậu tân sinh viên này, tôi “dọa”: “Công tác vùng dân tộc miền núi rất khó khăn, em phải trèo đèo lội suối, thậm chí phải đi bộ vài chục cây số để “cắm bản”, hay phải qua suối bằng túi nylon như một số cô giáo ở huyện Nậm Pồ (Điện Biên) em có dám làm không?”.

Hồn nhiên nhưng rất dõng dạc, Quân khẳng định với tôi một lần nữa rằng, em vẫn muốn được đến những vùng sâu, vùng xa để thực hiện mơ ước của mình. Em bảo, bản thân em cũng đã chịu nhiều thiệt thòi và quen với cuộc sống khó khăn, vì thế khi được đọc những bài báo về việc dạy và học ở những vùng đất này em thấy rất đồng cảm và muốn được chia sẻ với những hoàn cảnh ấy.

Trao đổi với chúng tôi về tương lai sắp tới của con, bố mẹ của tân sinh viên Hoàng Đình Quân không giấu được những băn khoăn, lo lắng nhất định. Bố của Quân cho biết: Khi biết con đỗ thủ khoa đại học, gia đình vô cùng sung sướng, tự hào. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra lo lắng, vì nhà quá nghèo mà nuôi 2 con đại học, không biết có kham nổi không? Mặc dù vậy, hai vợ chồng ông vẫn quyết tâm sẽ nuôi 2 con học hành đầy đủ đến cùng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại