Gặp gỡ thầy giáo trẻ điển trai "lấn sân" showbiz

Thiên Di |

(Soha.vn) - Được gọi là “mọt sách”, “cổ vật”, thầy giáo 8X Lại Tiến Minh được hàng ngàn học sinh yêu quý với ngôn ngữ gần gũi, phong cách dạy thân thiện, không tạo áp lực.

Thầy giáo Lại Tiến Minh (sinh năm 1984) không còn là cái tên xa lạ đối với học sinh ở Hà Nội. Hiện nay, thầy đang là giáo viên dạy Toán ĐH Kiến trúc và THPT Lương Thế Vinh. Là một giáo viên trẻ đã có 7 năm công tác trong nghề nhưng chưa lần nào thầy Minh có suy nghĩ sẽ bỏ nghề.

Thầy giáo trẻ Lại Tiến Minh chia sẻ về nghề.

Thầy giáo trẻ Lại Tiến Minh được rất nhiều học sinh yêu quý bởi sự trẻ trung, gần gũi.

Thầy giáo “mọt sách”, “cổ vật”

Là một giáo viên trẻ lại sở hữu hình thức khá đẹp trai, thầy có nghĩ đó là lợi thế của mình trong việc giảng dạy hay không?

Thầy giáo Lại Tiến Minh: Cũng có nhiều chứ. Trong cuộc sống ai cũng thích cái đẹp, thực tế một người khi đi xin việc hình thức cũng góp phần quan trọng trong việc tạo ấn tượng tốt với người phỏng vấn và trong ngành giáo dục cũng không ngoại lệ.

Một người thầy sở hữu ngoại hình khá ổn sẽ thu hút học sinh hơn, tuy nhiên điều quan trọng vẫn là người thầy đó như thế nào, dạy ra sao, ngoại hình cũng chỉ là bên ngoài.

Không chỉ có điều thuận lợi đâu nhé, giáo viên trẻ có nhiều thiệt thòi lắm! Nhiều người nhìn tôi trẻ quá nên không tin vào khả năng chuyên môn so với những thầy cô có tuổi trong nghề. Thậm chí, thời gian mới ra trường, phụ huynh còn không tin tưởng gửi con đến học.

Còn đối với các bạn sinh viên, ban đầu nghĩ thầy trẻ dạy “vớ vẩn”. Nhưng sau một thời gian, tôi khẳng định khả năng bằng chính phương pháp dạy, uy tín của người thầy.

Thầy có bí quyết giảng dạy đặc biệt khiến sinh viên, học sinh vừa gần gũi lại vừa nể phục, tôn trọng như vậy?

Thầy giáo Lại Tiến Minh: Đứng trên bục giảng, tôi được nhận xét là người thầy rất nghiêm khắc. Nhưng ra ngoài, các em học sinh, sinh viên gọi tôi bằng “anh”. Đối với học sinh, tôi có quan điểm vừa dạy vừa dỗ, nhưng phải phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh, quan trọng là luôn cố gắng tạo mối quan hệ gần gũi, thoải mái, không tạo áp lực học tập cho học sinh.

Còn đối với sinh viên, tôi khá nghiêm khắc nhưng luôn tạo điều kiện, cơ hội cho các em chứ không “dồn đến chân tường” bởi trong suy nghĩ của tôi, lý thuyết chỉ là một phần nào đó, điều quan trọng là các em học, hiểu được điều gì.

Thầy luôn được nhiều học sinh yêu quý.

Quan điểm dạy của thầy là luôn tạo sự thoải mái, gần gũi với học sinh.

Gắn chặt đời mình với nghề giáo

Thời gian gần đây, thầy có tham gia vào các hoạt động ca nhạc, làm MC, người mẫu…Việc lấn sân sang showbiz này có khiến thầy ảnh hưởng đến việc giảng dạy không?

Thầy giáo Lại Tiến Minh: Tôi nghĩ, sau những lần tham gia chương trình như thế, tôi cảm thấy tự tin, bản lĩnh hơn rất nhiều khi trải nghiệm ở một lĩnh vực khác.Tôi thường nói với học trò của mình rằng, nếu có khả năng, sức trẻ và cơ hội thì hãy tự tin trải nghiệm, thực hiện đam mê, ước mơ đó.

Qua đó, tôi muốn thay đổi hình ảnh người thầy cũ thành hiện đại để phù hợp với một xã hội năng động, phát triển công nghệ thông tin như hiện nay. Việc tham gia như vậy không ảnh hưởng đến việc giảng dạy cũng như quyết định gắn chặt đời mình với nghề giáo!

Thầy có chia sẻ cơ duyên đến với nghề giáo viên? Kỷ niệm nào mà thầy nhớ nhất khi lần đầu tiên đứng trên bục giảng?

Thầy giáo Lại Tiến Minh: Ngày đó, tôi định thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự. Khi ấy, mẹ tôi làm kế toán trong trường học (Bắc Giang) có mong muốn tôi thi ĐH Sư phạm để sau có công việc ổn định. Hơn nữa, Trường ĐH Sư phạm thời điểm đó là một trong những trường đỉnh vì vậy tôi quyết định thử sức mình và sau một thời gian học trong trường, tôi thực sự thấy yêu thích công việc đã chọn lựa.

Mỗi lần nghĩ lại kỷ niệm lần đầu tiên đứng lớp, tôi lại thấy vui vui và coi đó là động lực để vượt qua khó khăn. Lúc đó, tôi mới ra trường, còn rất trẻ và được phân công dạy một lớp nghịch nhất trường. Khi biết tôi chuẩn bị vào lớp, tất cả học sinh lớp đó kéo rèm cửa, bật điện nhấp nháy.

Mặc dù biết trước các em lớp này rất nghịch nhưng tôi cũng hơi choáng, phải dừng lại lấy bình tĩnh mấy phút trước khi bước vào lớp. Đến khi bước vào, học sinh reo hò ầm ĩ khiến tôi hơi hồi hộp. Sau này, các em rất yêu quý tôi và trở thành một trong những lớp dẫn đầu trường.

Thầy Minh (giữa) chụp ảnh kỷ niệm với học sinh.
Thầy Minh (giữa) chụp ảnh kỷ niệm với học sinh.

Gắn bó với nghề giáo 7 năm nay, theo quan điểm của thầy như thế nào là một giáo viên thời đại mới?

Thầy giáo Lại Tiến Minh: Một giáo viên thời đại mới là một người gần gũi với học sinh. Ngày xưa, thầy bảo gì nghe nấy nhưng nay người thầy có thể học nhiều điều từ học sinh. Tôi nghĩ, mối quan hệ giữa thầy và trò là luôn luôn trao đổi với nhau.

Hơn nữa, giáo viên thời đại mới phải năng động, dám nghĩ dám làm, luôn trải nghiệm, không quá bình lặng mà sáng tạo trong giảng dạy và luôn cập nhật kiến thức chuyên môn, xã hội…

20/11 sắp đến, câu chuyện “phong bì” thầy cô được nhắc đến nhiều trên mặt báo, trong cuộc sống hàng ngày. Là một người thầy trẻ tuổi, thầy có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Thầy giáo Lại Tiến Minh: Ngày xưa, mẹ tôi thường nhận được cân gạo, cân giò, con gà trong ngày Tết. Xã hội phát triển, ảnh hưởng nền kinh tế thị trường vì vậy mà món quà tri ân thầy cô xưa và nay đã khác nhau nhiều, kém ý nghĩa hơn, họ tặng nhau những món quà thực tế, nhanh gọn. Trong suy nghĩ, tâm lý của phụ huynh, việc “tri ân” thầy cô giáo bằng chiếc phong bì là thuận tiện hơn. Tuy nhiên, việc này ở mặt nào đó sẽ khiến mối quan hệ giữa thầy với phụ huynh thay đổi.

Cảm ơn thầy về những chia sẻ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại