Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, ở thôn Me, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) được tạm ngừng thi hành án đang được dư luận quan tâm. Ông Chấn ngồi tù 10 năm, sau đó được hủy 2 bản án chung thân đã tuyên với ông. Hung thủ thực sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.
Cách đây 10 năm, tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 26 - 27/7/2004, ngoài luật sư Nguyễn Đức Biền (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang) còn có luật sư Bùi Văn Thấm, (Văn phòng luật sư Thủy Nguyên, Đoàn luật sư Hà Nội) đã cùng tham gia bào chữa cho ông Chấn.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Bùi Văn Thấm cho biết, tại phiên tòa phúc thẩm vào ngày 26, 27/7/2004, ông đã bào chữa cho ông Chấn theo hướng không đủ cơ sở kết tội bị cáo Chấn.
Cụ thể, trong bài bào chữa của Luật sư Bùi Văn Thấm (Đoàn luật sư Hà Nội) tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26 – 27/7/2004 mà gia đình cung cấp cho chúng tôi đã chỉ rõ các quan điểm.
Về căn cứ mà án sơ thẩm kết tội cho bị cáo Nguyễn Thanh Chấn bao gồm:
Một là: Thời gian Chấn đi lấy nước khoảng 15 phút, chậm nhất là 19h15 tối Chấn đã phải về tới nhà nhưng theo nhân chứng khai thì 19h30 Chấn vẫn múc nước ở nhà chị Viễn. Vậy khoảng thời gian 20 phút từ 19h đến 19h25 Chấn đi đâu, làm gì, với ai thì Chấn không chứng minh được. Cũng trong khoảng thời gian này thì chị Hoan bị giết.
Hai là: Nguyễn Thanh Chấn có đơn tự thú ngày 28/9/2003 là đã giết chị Hoan tối ngày 15/8/2003.
Ba là: Lời khai nhận tội của bị cáo trước cơ quan điều tra phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm pháp y và tang vật của vụ án cũng như những tài liệu chứng cứ kháng trong hồ sơ vụ án.
Bốn là: Bị cáo không đưa ra được những chứng cứ để chứng minh cho hành vi không phạm tội của mình, lời nại của bị cáo tại phiên tòa chỉ nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Trên cơ sở hồ sơ, kết quả thẩm vấn tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm chúng tôi thấy những căn cứ mà án sơ thẩm đã kết tội bị cáo cần được xem xét đánh giá như sau:
a.Theo án sơ thẩm thì thời gian chị Hoan bị giết và việc sử dụng thời gian của bị cáo từ 19h25 ngày 15/8/2003 là có sự trùng hợp.
Song ở phiên tòa sơ thẩm, chị Viễn xác định Chấn múc nước ở nhà chị lúc 7h30 (tối), anh Trọng chồng chị Viễn lại khẳng định Chấn đến múc nước là 20h kém (8h kém). Ở phiên tòa sơ thẩm chị Viễn lại khai là đồng hồ treo tường nhà chị hôm đó hết pin. Như vậy, thời gian Chấn múc nước ở nhà chị Viễn mà anh Trọng, chị Viễn nêu lên chỉ là ước lượng, chưa chính xác.
Bà Phạm Thị Nhâm 60 tuổi ở thôn Me có giấy xác nhận 7h20 tối hôm đó, bà ra quán anh Chấn mua kẹo thì gặp anh Thực vào gọi điện thoại ở quán anh Chấn, anh Chấn là người bấm máy cho anh Thực gọi, lúc đó có ông Quyền mua mắm cũng biết.
Anh Nguyễn Văn Thực xác nhận ngày 15/8/2003 anh gọi điện tại quán nhà anh Chấn khoảng 7h30, anh Chấn bấm cho anh gọi số máy 566095.
Bản kê điện tử tự động thanh toán tiền điện thoại của bưu điện gọi từ số máy của nhà Chấn thuê bao có cuộc gọi của ông Thực nên trên là máy gọi đi 566095, ngày 15/8/2003, gọi từ 19h19’51” đến 19h20’31”.
Với những tình tiết nêu trên cho thấy thời gian chị Hoan bị giết nếu là từ 19h5 đến 19h25 thì tại thời điểm này bị cáo Chấn đã ở tại quán bán hàng của gia đình chứ không ở khu vực xin nước và ở nhà chị Hoan.
b.Bản án sơ thẩm nêu: Vụ án được phát hiện ra tội phạm là do bị cáo tự thú, tự khai ra hành vi phạm tội của mình, trước tòa y còn khai nhận thức được tội giết người là phải chịu mức án cao nhất. Vấn đề này chúng tôi thấy:
Theo tài liệu trong hồ sơ thì vụ án xảy ra tối 15/8/2003 sau đó Chấn đã bị cơ quan công an gọi đến làm việc và có các biện bản ngày 30/8, 24/9 và 27/9. Trong ngày 27/9/2003, Chấn có một bản tường trình viết tay, không hề nêu việc liên quan đến vụ án.
Mãi đến ngày 28/9/2003, Chấn mới có lời tự thú. Sau đó, Chấn bị tạm giữ và tạm giam. Khi được lấy lời khai tại cơ quan điều tra thì Chấn đều nhận tội nhưng tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo đều kêu oan không nhận tội đã giết chị Hoan.
Về pháp lý: Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
c.Về hiện trường: Án sơ thẩm nhận định bị cáo không vào nhà chị Hoan nhưng qua lời khai nhận thì bị cáo đã biết rõ, mô tả chi tiết từ cổng hậu sau nhà ra vào đến tủ đụng quần áo, công tắc điện đã tắt, nồi cơm điện còn đèn báo đỏ. Sau khi giết bị cáo còn lấy chiếc gối đậy lên mặt chị Hoan. Hiện trường phù hợp với lời khai bị cáo.
Thực tế thì nhà Chấn và nhà chị Hoan chỉ cách nhau 100 m, cùng xóm, cùng bán hàng, Chấn thừa nhận có sang nhà chị Hoan vài lần. Do vậy, việc Chấn mô tả các đồ dùng, vật chứng trong nhà chị Hoan chắc hẳn sẽ không có gì khó khăn.
Theo biên bản khám nghiệm hiện trường vụ án thì có rất nhiều dấu vết như nhiều dấu vết chân dưới sàn nhà, dấu vân tay có vết máu trên cửa và sẽ có vân tay trên chiếc gối đậy mặt chị Hoan, vân tay trên cánh cửa, thanh sắt cài cửa hậu, dấu vết trên bàn công tắc điện. Nhưng vân tay, vết chân trên hiện trường với vân tay, vết chân của bị cáo không được đánh giá và kết luận.
d. Về giám định pháp y: Án sơ thẩm nêu thương tích trên người nạn nhân cơ bản phù hợp với lời khai bị cáo là: Sau khi quật ngã chị Hoan, Chấn rút dao bấm trong túi quần ra đâm nhiều nhát vào mặt, vào người chị Hoan, sau khi dao gãy, Chấn đút chuôi dao vào túi quần. Khi nhận diện lưỡi dao là tang vật, bị cáo xác nhận là đúng. Chuôi dao Chấn đã rửa sạch máu và cất vào tủ. Đến ngày 31/8/2003 Chấn lên nhà anh Phương, chị Thúy chơi rồi vứt chuôi dao vào đống sắt vụn, sắt vụn đã bán hết nên không thu được chuôi dao.
Chúng tôi thấy con dao thu ở hiện trường bị cáo nhận dạng là hung khí gây án. Nhưng dấu vết trên dao đâm nạn nhân không được xác định là của ai? mà chỉ có lời khai nhận của Chấn sau hơn 2 tháng kể từ ngày xảy ra vụ án. Ở phiên tòa bị cáo lại không nhận như đã khai trước đó. Chuôi dao như vứt ở đống sắt vụn nhà anh Phương, chị Thúy nhưng cũng không ai biết cụ thể việc Chấn vứt chuôi dao, chuôi dao lại không thu được.
Những tang vật và đồ dùng thu được trong nhà Chấn có liên quan đến vụ án như xe đạp, thùng nhựa đựng nước, dép nhựa thì lại để ở ngoài nhà chị Hoan. Quần áo của Chấn thì đã được giặt sạch, thu ở nhà Chấn do chị Chiến vợ Chấn nộp. Do đó, những đồ vật trên không có ý nghĩa quan trọng về pháp lý để buộc tội Chấn.
e.Về thực nghiệm điều tra: Án sơ thẩm nêu bị cáo đã thực hành tự giác một cách thuần thục với những hành vi đã làm của mình. Vẽ lại chính xác sơ đồ hiện trường nhà chị Hoan cũng như con dao bấm (hung khí gây án). Bị cáo nhận thức được giết người thì phải chịu hình phạt cao nhất.
Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm bị cáo khai việc thực nghiệm các hành vi giết chị Hoan là do cán bộ điều tra hướng dẫn và bố trí. Vấn đề này chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét và đánh giá một cách khác quan và toàn diện.
Song chúng tôi thấy rằng vụ án xảy ra ngày 15/8/2003, việc khám nghiệm hiện trường và giám định pháp y được tiến hành ngày 16/8/2003. Cơ quan công an đã lấy lời khai của Chấn nhiều lần từ 30/8 đến 27/9. Ngày 28/9/2003 Chấn có bản tự thú, sau đó y bị giam giữ, tạm giam và được lấy lời khai liên tục. Nhưng đến ngày 30/10/2003 cơ quan điều tra mới cho thực nghiệm (tức là sau hơn 1 tháng kể từ ngày Chấn tự thú).
Theo chúng tôi việc thực nghiệm được tiến hành quá muộn. Lẽ ra cần cho bị cáo thực nghiệm điều tra sớm hơn vì các tình tiết của vụ án và điều kiện để thực nghiệm đã có đủ. Nếu thực nghiệm sớm hơn thì việc đánh giá sẽ rất khách quan và sẽ có cơ sở để kết tội chính xác lời khai của bị cáo ở phiên tòa về việc tổ chức và tiến hành thực nghiệm.
i.Một lý do khác án sơ thẩm nêu: Bị cáo không đưa ra được những chứng cứ để chứng minh cho hành vi không phạm tội của mình, lời nại của bị cáo tại phiên tòa chỉ nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Chúng tôi thấy lý do trên là không đúng vì Điều 63 BLTTHS quy định: Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không? Ai là người phạm tội... Như vậy, nghĩa vụ chứng minh không thuộc về bị cáo mà trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.
5.Tóm lại, với những tình tiết và cơ sở pháp lý, thực tế nêu trên, chúng tôi thấy quyết định của bản án sơ thẩm: Đối với Nguyễn Thanh Chấn về tội giết chị Nguyễn Thị hoan là chưa có căn cứ vững chắc và chưa có cơ sở thuyết phục. Vì vậy, việc kêu oan của bị cáo cần được Tòa cấp phúc thẩm xem xét, quyết định có căn cứ và chính xác.
Lần thăm chồng này là lần đầu tiên sau 10 năm bà Chiến được cầm tay chồng, đó là lúc ông Chấn sắp được tạm ngừng thi hành án, trở về nhà.
6.Ngoài các vấn đề nêu trên, chúng tôi thấy còn một số tình tiết có liên quan đến vụ án cần được xem xét như:
a.Quan hệ và diễn biến tâm lý của bị cáo trước và sau khi xảy ra vụ án như: sau khi xảy ra vụ án, đêm đó Chấn vẫn ngồi uống nước với anh em ngay trước cửa nhà, không có biểu hiện lo sợ, hoang mang. Chấn còn được người nhà chị Hoan nhờ đi chở quan tài hộ và gọi điện báo tin cho người thân của chị Hoan. Chấn có đến dự đám tang của chị Haon, không có biểu hiện khác thường hoặc ý định bỏ trốn.
b.Về quan hệ xã hội, tình cảm riêng của nạn nhân, theo chị Liên bạn của chị Hoan đã cho biết trước đó ít hôm chị Hoan có tâm sự về đêm cứ có người gọi điện thoại nói chuyện không bình thường và có người mua hàng không trả tiền còn dọa giết...
c.Theo một số nhân chứng có đơn xác nhận ở khu vực nhà chị Hoan chiều và tối ngày 15/8/2003 có một số người đi lại ở khu vực đó có biểu hiện khả nghi. Đáng chú ý là tường thuật của ông Nguyễn Văn Đệ có nêu là có hai thanh niên ở trạm bơm đêm đó vào mua hàng của ông kể lại, có đi qua cửa nhà chị Hoan, có biết diễn biễn sự việc, thấy một người bê người kia lên đập xuống đất... Lúc đó họ nhìn đồng hồ đeo tay khoảng 7h45’.
Chúng tôi thiết nghĩ, những tình tiết nêu trên không phải là căn cứ để buộc tội hay gỡ tội cho bị cáo, nhưng cũng có ý nghĩa để xem xét khi tiến hành điều tra và kết luận vụ án. Nhất là trong trường hợp bị cáo kêu oan như Nguyễn Thanh Chấn.
III.Kết luận và đề nghị.
Từ những phân tích và đánh gái nêu trên với trách nhiệm là luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo theo quy định của pháp luật, chúng tôi đề nghị HĐXX phúc thẩm căn cứ Điều 250, khoản 1, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử sơ thẩm lại, bảo đảm việc xét xử được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt kẻ phạm tội.
Tuy vậy, theo luật sư Thấm, những lập luận có căn cứ của luật sư đưa ra trong phiên xử phúc thẩm này đều bị thẩm phán “bẽ gãy” bằng lối suy diễn thiếu khách quan.
Chẳng hạn như, bản án đã xác định 2 dấu chân hung thủ để lại hiện trường chỉ “gần đúng” so với kích thước chân của ông Chấn nhưng vẫn dùng tình tiết này để buộc tội bị cáo.
Bên cạnh đó, luật sư cho rằng cơ quan điều tra không thu hồi được chiếc chuôi dao tang vật theo như lời khai của Chấn thể hiện việc thu thập chứng cứ là chưa đầy đủ và thiếu vững chắc.
Nhưng quan điểm này đã bị tòa phúc thẩm bác với lập luận được đưa ra tại bản án số 1241/PTHS ngày 27/7/2004: "... mặc dù chiếc chuôi dao bấm không thu hồi được do kẻ phạm tội đã cố ý tiêu hủy hoặc phi tang nhưng phần lưỡi dao bị gãy rời còn để lại hiện trường phù hợp với phần chuôi dao đã mất, vì thế khó đòi hỏi điều gì hơn thế nữa và không thể chủ quan cho rằng "Chứng cứ chưa đầy đủ và thiếu vững chắc...”...
Cũng nhận định về trách nhiệm bồi thường cho ông Chấn sau vụ việc này, luật sư Thấm cũng nhấn mạnh, theo luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội chính là cơ quan phải chịu trách nhiệm bồi thường oan sai cho ông Chấn.
Bên cạnh đó, những người tiến hành tố tụng thuộc viện kiểm sát, công an đã làm oan cho ông Chấn cũng phải chịu trách nhiệm thích đáng trước pháp luật.