Bạn đọc Dương Hương phản ánh, hôm trước khi tôi rẽ từ đường Nguyễn Chí Thanh vào đường Đê La Thành thì bị một cảnh sát giao thông tuýt còi và hỏi giấy tờ xe, hôm đó tôi có giấy đăng ký xe nhưng quên không mang giấy phép lái xe, anh cảnh sát bảo tôi cho xe lên lề đường.
Rồi anh cảnh sát khác thông báo với tôi là tôi đã đi sai làn đường, lỗi này bị phạt 600.000 đồng, cộng thêm không có giấy phép lái xe phạt 730.000 đồng. Tổng cộng 2 lỗi trên là: 1.330.000 đồng
Xin hỏi mức phạt đó có đúng không?
Trả lời:
Liên quan đến vấn đề bạn hỏi, chúng tôi trả lời như sau:
Trước hết, theo quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
*/ Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
Trong trường hợp này, bạn đã vi phạm lỗi đi sai làn đường ở khu vực nội đô Hà Nội nên mức phạt tăng lên từ 600.000 - 800.000 đồng.
Như vậy, việc cảnh sát giao thông xử phạt bạn 600.000 đồng với lỗi đi sai làn đường là đúng với quy định hiện hành.
*/ Đồng thời với đó, ở đây, bạn phản ánh, bạn quên không mang giấy phép lái xe. Theo quy định tại Điểm c Khoản 2, Khoản 5, Điểm b Khoản 7 Điều 24 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP thì: Người điều khiển xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng; không có Giấy phép lái xe bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000; không có Giấy phép lái xe đối với xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Ngoài ra, đối với trường hợp người điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe sẽ bị tạm giữ phương tiện đến 10 ngày theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 54 Nghị định 71/2012/NĐ-CP.
Nếu đúng bạn quên không mang giấy phép lái xe như trình bày thì bạn chỉ bị xử phạt tiền từ 80.000 - 120.000 đồng.
Việc cảnh sát giao thông xử phạt bạn lỗi không có giấy phép lái xe là đúng. Bởi tại Điều 6 Thông tư 11/2013/TT-BCA ngày 1/3/2013 có quy định: "Tại thời điểm kiểm soát, người điều khiển phương tiện không xuất trình được Giấy đăng ký xe; Giấy phép lái xe; bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, mà người đó trình bày là có nhưng không mang theo thì lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không có giấy tờ theo quy định; tạm giữ phương tiện theo quy định”.
Nhưng mức tiền phạt 730.000 đồng này là không đúng theo quy định mức phạt lỗi này tại Nghị định 71 là từ 800.000 - 1.200.000 đồng và đồng thời, tạm giữ xe 10 ngày. Về việc này bạn có thể hỏi lại cảnh sát giao thông và nếu không được trả lời đúng, bạn có quyền khiếu nại về vấn đề này.
Vì vậy, trong trường hợp này, để đảm bảo đúng là bạn có giấy phép lái xe và để quên ở nhà chứ không phải không có, bạn nên gọi ngay cho người thân mang tới địa điểm bị kiểm tra, phát hiện vi phạm trước khi cảnh sát giao thông lập biên bản.
Nếu trước khi lập biên bản mà bạn xuất trình được giấy phép lái xe thì không phải chịu phạt ở lỗi liên quan đến giấy phép lái xe này.
Còn nếu không mang được giấy phép lái xe tới thì cũng tại điều 6 Thông 11/2013/TT-BCA ngày 1/3/2013 đã quy định rõ: Trong thời hạn hẹn giải quyết, trường hợp người có thẩm quyền chưa ra quyết định xử phạt, người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định: thì cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính phải tạm giữ giấy tờ đó, ghi vào mặt sau biên bản vi phạm hành chính (bản lưu) về thời gian xuất trình được giấy tờ; ký, ghi rõ họ, tên; báo cáo người có thẩm quyền trả lại phương tiện bị tạm giữ cho người vi phạm; ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ.
Trong thời hạn hẹn giải quyết, trường hợp người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt về hành vi không có giấy tờ theo quy định, người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định, thì cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính phải tạm giữ giấy tờ đó, ghi vào mặt sau biên bản vi phạm hành chính (bản lưu) về thời gian xuất trình được giấy tờ; ký, ghi rõ họ, tên; báo cáo với người có thẩm quyền để hủy quyết định xử phạt về hành vi không có giấy tờ theo quy định, trả lại phương tiện bị tạm giữ cho người vi phạm; ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ.
Hết thời hạn hẹn giải quyết, người vi phạm mới xuất trình được giấy tờ theo quy định, thì phải chấp hành quyết định xử phạt về hành vi vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính.
Bạn đọc có thể gửi các tình huống thắc mắc về tòa soạn theo email: cudanmang@soha.vn hoặc đóng góp ý kiến ở phần Comment cuối bài.