1. Cụ thể, một bạn đọc có tên là Trần Văn Xuân (Đan Phượng, Hà Nội) phản ánh, vào khoảng giữa tháng 5 vừa qua, anh có điều khiển xe máy đi trên Quốc lộ 32 qua địa phận một huyện của Hà Nội, thì bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe và thông báo lỗi vi phạm tốc độ 52/45km/h
Sau đó, cảnh sát giao thông đã giữ bằng lái và giấy tờ xe của anh, đồng thời viết giấy hẹn 1 tuần sau mang 750.000 đồng lên công an huyện nộp phạt, sau đó lấy lại giấy tờ.
Vậy, việc đi quá tốc độ 7km/h như vậy mà bị CSGT giữ cả bằng lái, giấy tờ xe và phạt 750.000 đồng như vậy là đúng hay sai? Nếu chưa đúng thì tôi phải làm gì trong trường hợp này?
(Ảnh minh họa)
Trả lời:
*/ Căn cứ vào Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 10/11/2012) quy định:
- Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h
- Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h.
- Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h.
Căn cứ vào phản ánh của bạn là điều khiển xe máy chạy quá tốc độ 7km/h thì ứng với mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.
Để có câu trả lời cụ thể hơn nữa, bạn đọc có thể đọc thêm tại đây.
2. Về vấn đề xử phạt xe đỗ trái phép dưới lòng đường, bạn đọc Nguyễn Văn Liên ở địa chỉ mail namphat...@gmail.com phản ánh, ngày 26/5/2013, anh lái xe ra chợ mua ít đồ ăn. Vì cái xe bánh mì để sát ngay trên lề đường nên tấp xe vào lề mua thức ăn. Khi người bán trả lại tiền thừa, anh có xuống xe bước lên lề để lấy tiền, vừa chống xe bước xuống chưa kịp quay lưng lại thì có 2 cảnh sát cơ động phường Tân Thới Hiệp, Q.12, Tp.HCM chạy tới nói cho xem giấy tờ.
Anh hỏi vi phạm lỗi gì thì một cảnh sát cơ động nói là "để xe lòng đường trái quy định pháp luật!". Anh có hỏi lại pháp luật quy định để xe như thế nào mới đúng, thì không được trả lời, đồng thời, cảnh sát cơ động này còn quát, thách thức.
Vậy, trong tình huống của anh như vậy có vi phạm luật giao thông hay không? Cách hành xử của 2 CSCĐ như vậy có đúng không?
Trả lời:
Trước hết, với phản ánh của bạn liên quan đến việc cảnh sát cơ động xử phạt lỗi "để xe lòng đường trái quy định pháp luật". Ở đây, bạn không nói rõ là điều khiển xe gì nhưng, theo như phản ánh là chống xe xuống thì chúng tôi có thể hiểu, bạn đang điều khiển xe gắn máy.
Đồng thời, cũng thông tin để bạn rõ, lực lượng cảnh sát cơ động là lực lượng được biên chế trực thuộc Bộ Công an, các tỉnh, thành phố. Với các quận, huyện, phường, xã không có lực lượng trực thuộc này. Ở đây, như bạn phản ánh là lực lượng cảnh sát cơ động công an thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý hành vi vi phạm của bạn.
Để làm rõ thắc mắc, bạn đọc có thể đọc bài tại đây.
(Ảnh minh họa)
3. Còn liên quan tới thẩm quyền của các lực lượng chức năng, bạn đọc Hoàng Văn Linh (Q.1, Tp Hồ Chí Minh) phản ánh, vào đầu tháng 6 vừa qua, anh bị thanh tra xây dựng xử phạt vi phạm hành chính về giao thông. Trong biên bản có ghi rõ hành vi vi phạm “để xe gắn máy ở hè phố trái quy định”.
Anh Linh cho biết, có vi phạm lỗi ấy và sẵn sàng chịu phạt, tuy nhiên tại sao thanh tra xây dựng lại có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông?
Hơn nữa, trong khi thi hành nhiệm vụ, các thanh tra viên đi trên 1chiếc xe tải và xe máy, đồng thời cũng dựng xe máy vào đúng chỗ anh đã đỗ xe, còn khóa cổ...
Trả lời
Với lỗi của bạn ở đây đã thuộc về lỗi trong lĩnh vực giao thông. Theo thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực giao thông theo các quy định hiện hành thì thuộc về lực lượng cảnh sát nhân dân (cảnh sát giao thông và các lực lượng cảnh sát khác); chủ tịch UBND các cấp và ngoài ra là lực lượng thanh tra giao thông.
Và trong Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng có hiệu lực từ ngày 15/5/2013 cũng đã quy định rõ, không cho phép lực lượng thanh tra xây dựng được phép xử phạt vi phạm giao thông. Như vậy, việc xử phạt của thanh tra xây dựng ở đây là sai.
Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, độc giả có thể đọc thêm tại đây.
4. Bạn đọc Vũ Đức Thu ở địa chỉ mail: vuducthu..@gmail.com phản ánh, anh điều khiển môtô chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm nên bị công an phường yêu cầu dừng xe, kiểm tra giấy tờ và xử phạt.
Theo quy định một người không đội mũ bảo hiểm mức phạt sẽ là 150.000 đồng nhưng ở đây công an phường yêu cầu anh nộp phạt 300.000 đồng.
Họ nói 150.000 đồng là phạt người ngồi sau còn lại 150.000 đồng là xử phạt người điều khiển. Xử phạt như vậy là đúng hay sai?
Tôi không biết căn cứ vào đâu mà họ xử phạt như vậy nên tôi không nộp phạt luôn mà chỉ lấy quyết định và biên bản xử phạt, trong biên bản thì lại ghi tổng phí xử phạt là 150.000 đồng.
Trả lời:
Trước hết, ở đây, bạn đã vi phạm vào quy định của luật giao thông đường bộ trong việc điều khiển phương tiện xe môtô chở người phía sau không đội mũ bảo hiểm.
Về lỗi này, theo quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19/09/2012 của Chính phủ: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm một trong các hành vi sau đây:
Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;
Chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Để làm rõ mức phạt trên là có hợp lý hay không, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin tại đây.