CSGT đã được xử phạt lỗi đội mũ bảo hiểm kém chất lượng chưa?

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Việc cảnh sát giao thông xử phạt lỗi đội mũ bảo hiểm kém chất lượng có đúng với các quy định hiện hành của pháp luật hay không?

Bạn đọc Kiên Hoàng ở địa chỉ email: kienhoang..@gmail.com phản ánh, ngày 28/4, cảnh sát giao thông Thanh Hóa đã bắt rất nhiều trường hợp đội mũ bảo hiểm thời trang, so với các quy định hiện hành thì như vậy là đúng hay sai?

Trả lời:

Việc xử phạt đối với mũ bảo hiểm kém chất lượng xuất phát từ việc, ngày 28/2, liên Bộ Khoa học và công nghệ, Công thương, Công an, Giao thông - Vận tải ký Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Thông tư qui định các đối tượng này phải đội mũ theo đúng qui định của pháp luật, tức là mũ phải có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm bảo vệ và quai đeo; đã được chứng nhận hợp quy, công bố phù hợp qui chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2: 2008/BKHCN; được gắn dấu hợp qui CR, ghi nhãn hàng hóa theo qui định.

Ngoài ra, mũ của người điều khiển, người ngồi trên xe còn phải cài quai mũ theo đúng qui định: “Kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại. Không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm. Sau khi đội mũ bảo hiểm cần kiểm tra lại bằng cách dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán (hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm) lên rồi kéo ra đằng sau, mũ không được bật ra khỏi đầu”.

Tại khoản 2, điều 10 của Thông tư cũng quy định xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông như sau: “Nếu vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo qui định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trước khi đưa mũ bảo hiểm ra lưu thông trên thị trường phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo qui chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN, được gắn dấu hợp quy CR trên vỏ mũ và ghi nhãn mũ theo qui định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Dấu hợp quy CR phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, được in trực tiếp lên mũ bảo hiểm hoặc được dán lên mũ bảo hiểm bằng chất liệu không thấm nước, không thể tẩy xóa, làm mờ dấu hợp quy CR. Các dấu hiệu, hành vi trái với các quy định này sẽ bị xử lý hành chính.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn trên thì hành vi đội mũ bảo hiểm kém chất lượng chưa bị phạt sau khi thông tư có hiệu lực vào 15/5/2013 tới đây.

Đồng thời, tại Nghị định 34 và Nghị định 71 cũng mới chỉ quy định xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hay đội mũ bảo hiểm không cài quai, chứ chưa có chế tài cụ thể về xử phạt người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Trong các Luật có liên quan cũng chưa cho phép cảnh sát dừng xe người đội mũ bảo hiểm rởm để kiểm tra, xử phạt.

Như vậy, việc ngày 28/4 cảnh sát giao thông Thanh Hoá đã bắt rất nhiều trường hợp đội mũ bảo hiểm thời trang hay mũ bảo hiểm kém chất lượng là sai, không đúng với các quy định của pháp luật hiện hành.

Về việc này, bạn có thể hỏi trực tiếp lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại đó là, việc xử lý như vậy, dựa theo quy định nào của pháp luật?.

Và ở đây, nếu cảnh sát giao thông vẫn cố tình dừng xe và xử lý việc đội mũ kém chất lượng, người dân có thể khiếu nại lên trưởng công an tại đó, hoặc cấp cao hơn để được giải quyết.

Bạn đọc có thể gửi các câu hỏi tình huống, thắc mắc về tòa soạn theo email: cudanmang@soha.vn hoặc đóng góp ý kiến ở phần Comment cuối bài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại