Một bạn đọc ở Đồng Nai phản ánh, anh đang điều khiển xe mô - tô lưu thông trên quốc lộ 5 thì một cảnh sát giao thông tiến ra rồi ra hiệu lệnh dừng xe và yêu cầu đi táp vào lề đường. Sau khi chào, cảnh sát giao thông này đòi xem giấy tờ, xem xong, thì cho biết, anh đã đi quá tốc độ 45/40km.
Không đưa ra hình ảnh hay giấy tờ cụ thể chứng minh lỗi quá tốc độ, cảnh sát này đã yêu cầu anh nộp phạt tại chỗ số tiền 150.000 đồng và ký vào một tờ giấy trắng, không có nội dung.
Không muốn tranh cãi thêm, anh đã làm theo lời người cảnh sát yêu cầu.
Như vậy, việc làm của người cảnh sát giao thông trên có đúng không? Và nếu rơi vào trường hợp trên người dân phải làm gì?
Trả lời:
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật Fanci (Hà Nội) cho rằng, theo quy định tại khoản 2, điều 16, chương V của Thông tư 65/2012/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ đã nêu rõ:
Kiểm soát thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
a) Khi đã ghi nhận được hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của người và phương tiện tham gia giao thông thông qua các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cán bộ thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát và xử lý theo quy định.
Trường hợp người vi phạm yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm thì phải cho xem ngay nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại đó; nếu chưa có ngay hình ảnh, kết quả ghi, thu được thì hướng dẫn họ đến bộ phận xử lý để được xem.
b) Trường hợp chưa dừng ngay được phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định, Tổ trưởng tổ tuần tra, kiểm soát phải báo cáo Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên thực hiện việc thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người vi phạm đến trụ sở Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết.
Khi giải quyết vụ, việc phải cho người vi phạm xem bản ảnh hoặc kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm của họ; lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định.
Đồng thời, tại khoản 2, điều 8, chương II, mục 1 của Nghị định 34/2010/NĐ - CP quy định về hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã chỉ rõ:
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h.
Như vậy, ở đây, người vi phạm có quyền yêu cầu được xem, đồng thời trách nhiệm của người xử lý lỗi vi phạm là phải đưa ra những hình ảnh, bằng chứng chứng minh việc vi phạm của người điều khiển phương tiện.
Bạn đọc có thể gửi các câu hỏi tình huống, thắc mắc về tòa soạn theo email: cudanmang@soha.vn hoặc đóng góp ý kiến ở phần Comment cuối bài.
Trong hồ sơ xử lý tại cơ quan xử lý về giao thông cũng phải rất rõ ràng, có lập biên bản, có ra quyết định xử phạt, ảnh hoặc kết quả ghi, thu về hành vi vi phạm.
Với việc cảnh sát giao thông không đưa ra hình ảnh hay giấy tờ chứng minh lỗi quá tốc độ mà xử phạt tại chỗ 150.000 đồng và yêu cầu, người vi phạm ký vào một tờ giấy trắng, không có nội dung là hoàn toàn sai so với các quy định hiện hành.
Và việc chỉ thông báo sau đó bắt nộp tiền, ký vào giấy trắng, không phải biên bản đồng thời không đưa ra chứng cứ thì hành vi này có thể coi là việc lạm quyền, "lợi dụng công cụ để trục lợi".
Người dân có quyền khiếu nại về việc này lên cơ quan công an cùng cấp hoặc cấp trên để được giải quyết và nếu vẫn không đồng ý thì có quyền khởi kiện ra toà.