Bạn đọc Nguyễn Hải Nam, ở địa chi mail: hainam...@gmail.com có phản ánh, hôm trước anh đi qua khu vực phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) có thấy cảnh một số công an phường đang tiến hành tạm giữ phương tiện là một chiếc xe đạp của người bán hoa quả cho lên ôtô.
Việc tạm giữ phương tiện này, theo anh Nam phản ánh là không thấy công an lập biên bản hay yêu cầu người vi phạm ở đây ký bất cứ giấy tờ gì như thủ tục vi phạm hành chính vừa thấy.
Như vậy, việc tạm giữ phương tiện của công an phường mà không lập biên bản như vậy có đúng không?
Trả lời:
Trao đổi với PV, Luật sư Trương Quốc Hoè, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, tại Nghị định 46 và 71/2012/NĐ - CP, để đảm bảo an toàn cho giao thông cũng như việc cưỡng chế hành vi vi phạm pháp luật đối với việc tham gia giao thông thì việc công an phường và tổ bảo vệ công an phường được thành lập để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự.
Trong một số trường hợp, để đảm bảo cho việc tham gia giao thông không bị ách tắc, ùn tắc, về nguyên lý công an phường có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tức là đưa cả người và phương tiện vi phạm về phường lập biên bản. Nhưng thường là người vi phạm gặp tình huống đều bỏ chạy nên chỉ đưa được tang vật về phường và lập biên bản tại phường.
Trong trường hợp này, nếu khu vực đấy, UBND thành phố, quận, phường đã cắm những biển văn minh đô thị, không được phép họp chợ, bán hàng rong trong thời gian nào... nhưng người bán hàng vẫn cố tình vi phạm.
Đồng thời, trước khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, công an phường đã phải nhắc nhở, thậm chí nhắc nhở nhiều lần... thì có thể tiến hành áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này.
Tuy nhiên, theo Luật sư Hoè, để tránh tình trạng lạm dụng thì người dân ở đây cần phải biết quyền của mình ở đâu.
Trong trường hợp này để khẳng định hành vi cũng như việc công an phường tạm giữ tang vật có đúng hay không thì, phải có yếu tố:
- Hành vi vi phạm của người vi phạm và thông thường người vi phạm trong trường hợp này thường bỏ trốn vì tránh, sợ các chế tài xử phạt nặng.
- Người làm chứng phải được mời cùng về phường.
Sau đó, khi hội tụ đủ các yếu tố này thì mới tiến hành lập biên bản xử lý và tuỳ vào hành vi vi phạm sẽ có những chế tài xử lý phù hợp.
Luật sư Hoè cũng cho biết thêm, việc công an phường tịch thu, thu giữ phương tiện của người họp chợ trái phép về công an phường có vi phạm pháp luật hay không phải dựa vào hai căn cứ, đó là, nơi mà công an phường thực hiện hành vi cưỡng chế đó có phải là nơi có cảnh báo cấm họp chợ hay không. Và tuyến phố đó có phải là tuyến phố mà UBND có thẩm quyền yêu cầu phải trở thành tuyến phố văn minh, đô thị, cấm họp chợ hay không.
Còn trường hợp công an phường cứ thấy người bán hàng trên đường thì tịch thu tang vật, phương tiện của họ mà khu vực đó được phép họp chợ thì rõ ràng hành vi đó là sai.
Bạn đọc có thể gửi các tình huống thắc mắc về tòa soạn theo email: cudanmang@soha.vn hoặc đóng góp ý kiến ở phần Comment cuối bài.