Chiều 20.8, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện UBND huyện Bình Lục (Hà Nam) cho biết, hiện đã có quyết định chính thức đưa cụ bà Trần Thị Lan vào diện hộ nghèo .
Bên cạnh chính sách trợ cấp người cao tuổi, chính quyền cũng sẽ bổ sung để cụ được hưởng thêm trợ cấp người già cô đơn không nơi nương tựa.
Cùng ngày, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đã đến nhà thăm cụ Trần Thị Lan để trao phần quà nhân ái bao gồm: 2 triệu đồng tiền mặt, sữa và một bộ xoong chảo.
Đại diện Hiệp hội cũng cam kết sẽ hỗ trợ cụ Lan 500 nghìn đồng mỗi tháng và mong nhận được sự chung tay, giúp sức của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp cùng xây dựng lại ngôi nhà để việc sinh hoạt của cụ Lan được thuận tiện hơn.
Cụ Lan sống một mình trong ngôi nhà cuối ngõ.
Không giấu được sự vui mừng, ông Đỗ Xuân Xuân Tuấn, người cháu rể họ xa đồng hành trong 3 năm kiến nghị chứng nhận hộ nghèo cho cụ Trần Thị Lan, đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến báo Lao Động.
“Sau bài viết của báo Lao Động, cụ Lan đã được xã hội quan tâm, giúp đỡ. 3 năm trời kiến nghị, có được ngày này chúng tôi rất mừng”, ông Tuấn nói.
Trước đó, báo Lao Động có bài viết: Cụ bà 103 tuổi sống cô độc mòn mỏi chờ... công nhận hộ nghèo vì "không được dân bầu" kể câu chuyện cụ bà Trần Thị Lan trú tại xã An Nội (Bình Lục, Hà Nam) có hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng sau 3 năm kiến nghị vẫn chưa được chính quyền chứng nhận hộ nghèo.
Cụ Lan năm nay bước sang tuổi 103, sống cô độc trong một căn nhà tồi tàn cuối ngõ. Cụ có một người em trai đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một người em gái đã đi đâu biệt tích.
Không còn người thân chăm sóc, cuộc sống cụ phụ thuộc vào 270 nghìn đồng tiền trợ cấp chính sách tuổi già nhưng quá nửa trong số đó phải dành để mua thuốc trị bệnh đau dạ dày kinh niên, số còn lại dùng để mua thực phẩm sống qua ngày.
Những ngày mệt không dậy nấu cơm được, cụ cũng nhịn luôn cho qua bữa.