Cử 3 tàu sân bay tới Thái Bình Dương, Mỹ quyết đảo ngược lời nói 'một chiều' từ Trung Quốc?

Minh Đức |

Trung Quốc tức giận trước sự hiện diện của 3 tàu sân bay Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương.

CNN đăng tải, việc lần đầu tiên trong vòng vài năm trở lại đây Mỹ triển khai 3 tàu sân bay có trọng lượng 100.000 tấn tới Thái Bình Dương đã vấp phải phản ứng cấp tốc từ phía Trung Quốc. Truyền thông chính thống Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh sẽ không lùi bước và quyết bảo vệ tới cùng các lợi ích trong khu vực.

Theo thông cáo của Hải quân Mỹ, tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đều đang tuần tra ở phía tây Thái Bình Dương trong khi tàu USS Nimitz ở phía đông.

Với mỗi tàu chở theo hơn 60 phi cơ chiến đấu, đây được đánh giá là lần triển khai lớn nhất các tàu máy bay của Mỹ tại Thái Bình Dương kể từ năm 2017 – thời điểm căng thẳng với Triều Tiên xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng lên tới đỉnh điểm.

Sự hiện diện của các tàu sân bay Mỹ được hãng tin AP đưa tin lần đầu vào hôm thứ 6 (13/6).

"Các tàu sân bay và nhóm tàu tấn công chủ lực (CSG) rõ ràng là những biểu tượng to lớn của sức mạnh hải quân Mỹ. Tôi rất phấn khích khi chúng tôi có 3 tàu [sân bay] ở thời điểm hiện tại", Phó Đô đốc Stephen Koehler, giám đốc tác chiến thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương tại Hawaii nói với AP.

Trong khi đó, tờ báo Trung Quốc Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh Li Jie nhận định: "Với việc phô diễn những tàu sân bay này, Mỹ đang cố gắng chứng tỏ với toàn bộ khu vực, thậm chí là thế giới rằng họ vẫn là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất khi tiến vào Biển Đông và đe dọa quân đội Trung Quốc".

Được trang web chính thức của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đăng tải lại, bài báo cũng nhấn mạnh những ưu điểm quân đội Trung Quốc, đồng thời khẳng định Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách tiến hành tập trận nhằm thể hiện sức mạnh của mình.

"Trung Quốc sở hữu các vũ khí tiêu diệt tàu sân bay như tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D và DF-26", bài báo viết.

Mâu thuẫn với câu chuyện của Trung Quốc?

Động thái trên đồng nghĩa với việc 3 trên 7 tàu sân bay của hải quân Mỹ hiện đang có mặt tại Thái Bình Dương. 4 tàu còn lại đang được bảo dưỡng trong xưởng.

Theo ông Collin Koh - học giả cấp cao từ Viện Nghiên cứu Phòng thủ và Chiến lược tại Singapore, Trung Quốc có những phản ứng mạnh mẽ bởi vì sự hiện diện của các tàu sân bay mâu thuẫn với hình ảnh mà Bắc Kinh đang cố khắc họa: sức mạnh của Hải quân Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch virus corona mới.

"Nó trái ngược với câu chuyện Trung Quốc muốn đưa ra là Mỹ hiện chịu nhiều áp lực tại Thái Bình Dương", ông Koh nói.

Thực tế, tàu USS Theodore Roosevelt bắt đầu quay trở lại biển vào ngày 4/6 sau nhiều tuần nằm tại cảng ở đảo Guam. Hồi tháng 3, dịch bệnh bùng phát trên tàu với hơn 1.000 trong tổng số gần 4.900 thuyền viên có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

"Chúng tôi đã để USS Theodore Roosevelt ra khơi như một biểu tượng của hy vọng và cảm hứng, và là một công cụ của quyền lực quốc gia bởi vì chúng tôi là USS Theodore Roosevelt", Chỉ huy tàu, Thuyền trưởng Carlos Sardiello tuyên bố.

Còn tàu USS Ronald Reagan hoạt động lại vào cuối tháng 5 sau khi các thành viên trên tàu phải tuân thủ các lệnh hạn chế di chuyển tại một cảng tại Nhật Bản, nhằm đảm bảo con tàu có thể quay trở lại biển mà không mang theo bất kỳ ca nhiễm virus nào. Nó cũng được trang bị thêm hơn 1.000 tấn quân nhu – "đủ sức mạnh chiến đấu đến nỗi con tàu bị chìm thêm 12,7 cm xuống dưới mực nước biển", một thông cáo của Hải quân Mỹ viết.

Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc

Việc Hải quân Mỹ triển khai 3 tàu sân bay tại Thái Bình Dương diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh liên quan tới Biển Đông và Đài Loan – đang không ngừng gia tăng.

Tuần trước, một máy bay vận chuyển C-40 của Hải quân Mỹ - tương đương với máy bay Boeing 737, đã bay qua Đài Loan trên đường tới Thái Lan. Hải quân Mỹ cho hay, đây là một chuyến bay hậu cần theo lịch trình. Chiếc máy bay Mỹ vòng qua không phận Đài Loan theo hướng dẫn của kiểm soát không lưu hòn đảo. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đe dọa sẵn sàng dùng vũ lực để hiện thực hóa điều đó nếu cần thiết.

Bắc Kinh gọi chuyến bay trên là "một hành động phi pháp và khiêu khích nghiêm trọng".

"Chuyến bay phá hoại chủ quyền, an ninh và lợi thế phát triển của Trung Quốc, cũng như vi phạm luật pháp và các quy định cơ bản điều tiết quan hệ quốc tế", Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Zhu Fenglian từ Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc nói.

Ngày 4/6, Hải quân Mỹ cử một tàu khu trục tên lửa dẫn đường đi qua Eo biển Đài Loan – vùng biển chia cắt giữa hòn đảo và Đại lục Trung Quốc. Và trong năm nay, các tàu chiến Mỹ cũng nhiều lần tiến hành các hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông. Các máy bay ném bom B-1 và phi cơ trinh sát của Mỹ cũng đã có nhiều hoạt động trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại