Ổ dịch mới bắt nguồn từ Thiên Phát Địa – khu chợ nông sản bán buôn lớn nhất của thành phố, cung cấp hơn 80% nông sản cho thủ đô và phục vụ hàng nghìn khách hàng mỗi ngày – là một trong những cú sốc cho các chuỗi cung cấp thực phẩm trên toàn cầu. Nó cũng làm dấy lên những so sánh với đợt bùng phát dịch bệnh trước đó tại một chợ thực phẩm ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm ngoái.
Bắc Kinh đã triển khai các nguồn cung thực phẩm khẩn cấp và thành lập các chợ tạm thời để giải quyết tình trạng khan hiếm thực phẩm. Tính tới thứ 2 (22/6), hơn 230 người dân trong thành phố được xác định đã dương tính với COVID-19, trong đó bao gồm cả một số người làm công tại chợ Thiên Phát Địa.
Tại châu Âu, Nam Mỹ và Mỹ, các nhà máy chế biến thịt cũng đã trở thành những điểm nóng lây lan dịch bệnh khiến hang nghìn công nhân bị nhiễm virus, đồng thời "gióng lên hồi chuông cảnh báo" về an toàn thực phẩm.
Tuần trước, một nhà máy đóng gói các sản phẩm thịt tại Đức đã phải đóng cửa sau khi 2/3 trong số 1.000 nhân công bị phát hiện mắc COVID-19. Tại xứ Wales, hơn 50 công nhân dương tính với virus cũng khiến một nhà máy chế biến gia cầm phải ngưng hoạt động. Còn tại Mỹ, trong những tháng vừa qua, hàng chục ca tử vong được xác định là có liên quan tới bùng phát dịch trong các nhà máy chế biến thịt.
Trong khi tỷ lệ người nhiễm virus corona mới chưa có dấu hiệu sụt giảm, giới chuyên gia cảnh báo, việc bảo vệ các công nhân và nguồn cung thực phẩm toàn cầu đòi hỏi một cách tiếp cận quy mô và khẩn cấp - nhằm đảo bảo quyền lợi và sức khỏe cho người lao động, vệ sinh cho các hạ tầng cơ sở và sự hỗ trợ kịp thời từ chính phủ.
"Chừng nào chúng ta còn cung cấp từ trang trại tới bàn ăn, các biện pháp an toàn cần phải được thực hiện bởi vì sẽ có thêm nhiều người, dẫn tới nhiều nguồn lây nhiễm tiềm tàng liên quan trong suốt quá trình", nhà khoa học về thực phẩm và môi trường, đồng thời hiện là giám đốc Tổ chức Phục hồi Thực phẩm thừa tại Vienna, ông Charis Galanakis nhận định. "Các ngành kinh doanh quan hệ với chuỗi cung cấp thực phẩm nên giám sát hoạt động thường ngày của công nhân để giảm thiểu tối đa hoặc hạn chế các nhiều càng tốt những tương tác trực tiếp và gần gũi từ người này với người khác".
Tuy nhiên, trong đại dịch, những công nhân trong ngành thực phẩm phải chịu áp lực làm việc trong điều kiện đặc thù mà các quy định về giãn cách xã hội không được đảm bảo.
Theo ông Marc Bellemare, một giáo sư về kinh tế ứng dụng tại Đại học Minnesota, Mỹ, cho tới thời điểm hiện tại, nhìn chung tình trạng khan hiếm thực phẩm vẫn chưa diễn ra và mức độ tăng giá hàng hóa không quá nghiêm trọng.
"Khuyết điểm của tình trạng trên chính là chi phí nhân lực đi kèm với nó", ông Bellemare giải thích. "Nhiều người liên quan tới các chuỗi cung cấp thực phẩm về phía nhà cung cấp, đặc biệt là các công nhân hoặc là mất việc làm hoặc là bị phơi nhiễm COVID-19 bởi vì họ bị buộc phải làm việc trong những điều kiện dễ lây lan dịch bệnh".
Còn nhà kinh tế học nông nghiệp Holly Wang từ Đại học Purdue, bang Indiana, Mỹ chỉ ra, nguy cơ lây nhiễm thậm chí còn cao hơn cho những người làm việc trong các ngành "có mức độ tự động hóa thấp, bán buôn, bán lẻ và dịch vụ thực phẩm" – điển hình là các nhà máy chế biến thịt tại Mỹ hay chợ Thiên Phát Địa ở Bắc Kinh.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters vào tháng trước, chuyên gia của Liên Hợp Quốc Michael Fakhri nhấn mạnh: "Các chuỗi cung cấp và hệ thống thực phẩm của chúng ta chỉ vững mạnh nếu người lao động mạnh khỏe".
Hồi tháng 5, Tổ chức Thực phẩm và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc đã kêu gọi quyên góp 350 triệu USD cho sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực và giảm thiểu đói nghèo trong dịch bệnh, bao gồm cả "nâng cao nhận thực để người dân giữ cho các chuỗi cung cấp thực phẩm không bị lây nhiễm COVID-19".
Tại Bắc Kinh, ổ dịch Tân Phát Địa đã làm dấy lên những lời kêu gọi thắt chặt kiểm soát an toàn vệ sinh tại các chợ thực phẩm tươi sống.
Học giả cấp cao về y tế toàn cầu Yanzhong Huang từ Hội đồng An ninh Đối ngoại đánh giá, vấn đề không chỉ xuất phát từ các nguy cơ môi trường. Ông đưa ra những so sánh giữa công nhân ngành thực phẩm tại Trung Quốc và Mỹ.
"Tại Mỹ, nhiều công nhân làm việc trong các nhà máy đóng gói thịt và lò mổ thuộc vào nhóm người tầng lớp thấp, và chúng ta cũng nhìn thấy điều tương tự tại Trung Quốc", ông nói. "Phần lớn trong số họ là nông dân và người nhập cư; họ cũng gặp khó khăn khi tiếp cận với chăm sóc y tế và giáo dục khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng".
Theo ông Bellemare, để đảm bảo người lao động được khỏe mạnh – ví dụ như trả tiền cho những người nghỉ việc vì ốm đau hoặc cung cấp môi trường làm việc an toàn - đòi hỏi chi phí cao và cần có sự hỗ trợ từ chính quyền; tuy nhiên, điều này là vô cùng cần thiết.
"Đại dịch không phải là thứ thường xuyên xảy ra, mà là một sự kiện có một không hai cần phải được xử lý ngay. Chúng ta có thể tìm cách chi trả cho nó sau này, một khi nền kinh tế hồi phục", ông đề xuất.
Tại Trung Quốc, những lo ngại về thực phẩm bị lây nhiễm virus hiện là một chủ đề thảo luận lớn. Bà Wang cho rằng, điều này có thể trở thành một động lực quan trọng cho quá trình cải thiện điều kiện của các chợ thực phẩm trong nước.
"Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc coi đối phó với các vấn đề an toàn thực phẩm là một cuộc chiến nghiêm túc", bà nói. "Tôi chắc chắn, những gì đã xảy ra ở các chợ Bắc Kinh và Vũ Hán sẽ dẫn tới nhiều thay đổi về chính sách và quy định".