Sự tập trung dồn về Trung Quốc
WHO đang ở tuyến đầu giữ vai trò điều phối quan trọng cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Dịch bệnh này sẽ là chủ đề trọng tâm của cuộc họp của Hội đồng y tế Thế giới (WHA), với sự tham dự của tất cả 194 quốc gia thành viên của WHO và các nhà quan sát.
Mọi sự chú ý tập trung vào các quốc gia gồm Mỹ, Australia, Canada, Pháp và Đức khi các nước này đều đã yêu cầu mở một cuộc điều tra trong khuôn khổ của cơ quan y tế toàn cầu về cách ứng phó của Trung Quốc trong đại dịch. Cuộc điều tra này có thể bao gồm việc khởi kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế.
Lãnh đạo của các quốc gia trên tuyên bố rõ họ muốn tiến hành một cuộc điều tra, bao gồm cả việc điều tra nguồn gốc của virus corona chủng mới (SARS-Cov-2). Cuộc điều tra sẽ xem xét việc Trung Quốc ban đầu có che giấu thông tin về dịch hay không và liệu Bắc Kinh có trì hoãn thông báo với thế giới rằng loại virus này có khả năng lây lan giữa người với người hay không.
Bản thân WHO cũng vấp một số ý kiến phê bình vì đã khen ngợi cách ứng phó "minh bạch" của Trung Quốc. Kể từ dịch bệnh khởi phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào cuối năm ngoái, đại dịch COVID-19 đã khiến cho hơn 300.000 người tử vong và hơn 4,5 triệu người nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Mỹ đến nay là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất, trong khi quốc gia đông dân nhất thế giới về cơ bản đã kiểm soát dịch bệnh.
Mỹ và Trung Quốc đang liên tục đổ lỗi cho nhau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu Mỹ phát hiện ra nước này là nơi khởi nguồn dịch bệnh. Trên twitter cá nhân, ông Trump viết rằng cả thế giới đang bị tấn công bởi "dịch bệnh đến từ Trung Quốc" và loại virus chết người này bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Bắc Kinh bác bỏ kịch liệt những cáo buộc trên, tuyên bố ủng hộ những nỗ lực của WHO trong việc điều tra nguồn gốc của dịch COVID-19 và lên án các quốc gia “chính trị hóa” vấn đề y tế này và đã đưa đề xuất một cuộc điều tra mà đã có sẵn giả định về thủ phạm.
Hình ảnh phiên họp thường niên của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), tổ chức ở Geneva, tháng 5/2018 (Ảnh: Xinhua)
Các nước có thể kiện nhau ra ICJ
Theo hiến chương của WHO, cơ quan y tế toàn cầu có thể chuyển các tranh chấp chưa được giải quyết lên Tòa án công lý quốc tế (ICJ) ở The Hague, cơ quan chịu trách nhiệm thực thi pháp luật chính của tổ chức Liên Hợp Quốc. Nhưng các chuyên gia y tế và pháp lý nói rằng điều đó là không thể và ngay cả khi điều đó đã xảy ra, ICJ cũng không thể cưỡng chế việc thực thi phán quyết.
Ông Steven Hoffman, giáo sư về y tế luật và khoa học chính trị toàn cầu tại Phòng thí nghiệm Chiến lược toàn cầu của Đại học York ở Toronto cho biết, "WHO chưa bao giờ đưa một quốc gia ra ICJ và tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra. Nếu có thì vụ kiện này sẽ là điều chưa từng có tiền lệ."
Ông Atul Alexander, trợ lý giáo sư luật tại Đại học Khoa học pháp lý quốc gia Tây Bengal, cho biết sẽ không thể thực thi phán quyết của ICJ vì cần sự đồng ý của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tổ chức mà Trung Quốc là 1 trong 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết.
Lần gần nhất Trung Quốc bị kiện ra tòa quốc tế là vào năm 2016, khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCI) đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách "Đường lưỡi bò" mà Trung Quốc dùng để áp đặt chủ quyền phi lý trên Biển Đông, trong vụ kiện do Philippines làm nguyên đơn. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến nay tuyên bố không thừa nhận phán quyết này.
Ông Hoffman cho biết ngay cả khi vụ kiện về đại dịch COVID-19 tại ICJ thì khó có khả năng phiên tòa sẽ diễn ra, bởi số lượng vụ án tồn đọng lớn và mỗi năm tòa chỉ xử lý 2-4 vụ.
Cơ chế xử lý tranh chấp
Theo ông Hoffman, Quy định sức khỏe quốc tế (IHR), những quy định được ban hành và thông qua bởi tất cả các thành viên WHO hồi năm 2005, có thể là lời gợi ý về cách thức giải quyết tranh chấp. IHR đề nghị giải quyết các vấn đề liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng các quy định thông qua đàm phán, dàn xếp và hòa giải.
"Nếu các bên nhất trí, tranh chấp cũng có thể đệ trình lên tổng giám đốc WHO hay trọng tài phân xử" - trích IHR.
Nhưng ông Hoffman lưu ý rằng cho đến nay chưa có quốc gia nào đồng ý giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế này.
"Quá trình các quốc gia giải quyết tranh chấp thành công gặp nhiều thách thức. Hàng chục quốc gia đã vi phạm các quy định của IHR trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 và thậm chí kể cả cuộc chiến với virus Ebola," ông Hoffman nói.
"Khi các quốc gia áp đặt các hạn chế thương mại và du lịch lên một quốc gia cụ thể, thì đó đã là một sự vi phạm rõ ràng đối với Điều 43 của IHR. Không có cách hiệu quả để giải quyết khiếu nại giữa các quốc gia. Trung Quốc thực tế đang phải chịu những hạn chế như vậy và về lý thuyết nước này có thể khởi kiện các quốc gia áp đặt hạn chế tại ICJ. Nhưng tôi cũng không nghĩ Bắc Kinh sẽ làm như vậy," ông Hoffman nói.
Các chính trị gia Mỹ đang thử cách khác. Tháng trước, Missouri là bang đầu tiên khởi kiện Trung Quốc. Vụ kiện, được đệ trình lên Tòa án Khu vực Đông Missouri tại Mỹ, cáo buộc việc Bắc Kinh phủ nhận và che giấu thông tin dịch COVID-19 đã gây ra "những thiệt hại lớn về sinh mạng, giảm sút về sức khỏe và tình trạng bất ổn kinh tế".
Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đề xuất dự luật cho phép người Mỹ kiện Trung Quốc bồi thường thiệt hại do dịch bệnh chết người này gây ra.
Các vụ kiện cáo có hại gì cho Trung Quốc?
Theo báo Global Times (Trung Quốc), Bắc Kinh dường như trở nên cảnh giác với sự leo thang trong các biện pháp pháp lý của các nước nên đã cảnh báo những đối tượng đang tìm cách "lợi dụng vụ kiện" rằng nước này đang chuẩn bị "các biện pháp trả đũa".
Nhưng theo Liao Fan, thành viên cao cấp của Viện Luật quốc tế tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, ông không nhận thấy bất kỳ căn cứ pháp lý nào để các nước kiện Trung Quốc về đại dịch COVID-19, ở các tòa án quốc gia hay quốc tế.
"Những động thái khởi kiện Trung Quốc đều được coi là 'một trận chiến pháp lý trong cuộc chiến truyền thông'. Xét trên khía cạnh pháp lý hay thực tế, các tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện cũng thấy rất rõ ràng rằng hầu như không có giá trị pháp lý nào cho các lời kêu gọi 'hồi hương' hay 'trách nhiệm'" - trích bài viết của ông Liao xuất bản tháng trước trên Economic Information Daily, tờ báo do Tân Hoa Xã quản lý.
"Một trận chiến pháp lý thường hướng tới mục tiêu giành chiến thắng. Nhưng những 'trận chiến truyền thông' này đều nhằm đến động cơ chính trị. Chừng nào những cụm từ 'Trung Quốc phải chịu trách nhiệm' hay 'buộc Trung Quốc bồi thường' còn tạo ra sự chú ý trong công luận, và là chủ đề được nhiều người thảo luận, thì những người khiêu khích đã đạt được mục đích của mình," ông Liao nhận định.
Ông Gian Luca Burci, giáo sư về luật quốc tế tại Học viện cao học Geneva, cho biết các vụ kiện quốc gia và các hành động đơn phương của chính phủ Mỹ sẽ tạo ra rủi ro về thanh danh nhiều hơn là về pháp lý đối với Trung Quốc.
Theo ông Burci, "Trong khi rủi ro pháp lý ở mức thấp, rủi ro chính trị và uy tín là điều đáng lo. Những hậu quả tiêu cực từ động thái này rất phức tạp và gây nhiều thiệt hại... Công luận thế giới đang nóng lòng muốn tìm hiểu điều gì đã xảy ra và chúng ta đã mắc sai lầm gì ở Trung Quốc và trên toàn thế giới."