Chuyện đáng kinh ngạc khi đại dịch bùng phát lúc Trung Quốc yếu đuối nhất và bài học vô giá cho Covid-19

Thúy |

Đại dịch hạch ở Mãn Châu, Trung Quốc, vào đầu thế kỷ trước đã được ngăn chặn khi thế giới chưa có WHO, cho thấy một bài học giá trị đối với công cuộc chống đại dịch Covid-19.

Năm 1911, dịch hạch chết người đã lan qua Trung Quốc và nhăm nhe sẽ trở thành đại dịch. Tại thời điểm đó, không ai chắc chắn về nguồn gốc của dịch bệnh, nhưng có thể nó liên quan đến việc buôn bán động vật hoang dã.

Các hành động như phong tỏa, các biện pháp kiểm dịch, yêu cầu đeo khẩu trang, hạn chế đi lại, hỏa táng nạn nhân và kiểm soát biên giới đã được triển khai để giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm. Tuy nhiên, vẫn có hơn 60.000 người đã tử vong vì dịch bệnh ở vùng hiện nay là đông bắc Trung Quốc. Dịch hạch trở thành một trong những dịch bệnh lớn nhất thế giới vào thời điểm đó.

Khi bệnh dịch cuối cùng cũng được kiểm soát, chính phủ Trung Quốc đã triệu tập Hội nghị về bệnh dịch hạch Quốc tế tại thành phố Thẩm Dương – nằm ở phía bắc Trung Quốc – gần tâm dịch.

Tham dự có các nhà virus học, nhà vi khuẩn học, nhà dịch tễ học và các chuyên gia về bệnh từ nhiều cường quốc trên thế giới – Mỹ, Nhật Bản, Nga, Vương quốc Anh và Pháp.

Mục đích của hội nghị là tìm ra nguyên nhân của sự bùng phát, tìm hiểu các phương pháp ức chế bệnh dịch hiệu quả nhất, khám phá lý do tại sao bệnh lây lan quá rộng và quá nhanh cũng như cân nhắc những biện pháp có thể thực hiện để ngăn chặn một làn sóng thứ hai.

Theo CNN, khi thế giới ngày nay đang phải đối mặt với đại dịch làm lộ rõ sự thiếu hợp tác toàn cầu và nỗ lực đa phương từ phía các nhà lãnh đạo thì những phương diện hợp tác của hội nghị năm 1911 ở miền đông bắc Trung Quốc rất đáng được xem lại.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bị đổ lỗi, virus corona (SARS-Cov-2) bị các nước quy chụp trách nhiệm cho đối phương, các quốc gia lớn giận dữ với nhau và cạnh tranh, trong khi các nước nghèo hơn phải tự bảo vệ lấy mình.

So với năm 1911, thế giới đang phân cực và chia rẽ.

Marmot và bệnh dịch hạch

Đại dịch hạch Mãn Châu năm 1910 mang tính tàn phá nghiêm trọng.

Từ mùa thu năm 1910 cho đến khi dịch bệnh cuối cùng được kiểm soát vào năm sau, ước tính nó đã cướp đi sinh mạng của khoảng 63.000 người. Dịch đã chiếm được sự quan tâm của quốc tế khi nó tấn công vào thành phố Cáp Nhĩ Tân, thuộc tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, ngày nay. Cáp Nhĩ Tân lúc đó là một phần của Mãn Châu, một khu vực rộng lớn, có ý nghĩa về nông nghiệp, dân cư thưa thớt, nằm trên các tuyến đường lớn nối Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Phần lớn lãnh thổ thuộc quyền thống trị của Trung Quốc, Nhật Bản kiểm soát khu vực cảng xung quanh Đại Liên, và Nga kiểm soát khu vực đường sắt của Mãn Châu.

Cáp Nhĩ Tân là một thành phố mang tính quốc tế, là ngôi nhà của rất nhiều người Nga làm việc cho Tuyến đường sắt Đông Trung Quốc (CER), nơi kết nối Đường sắt xuyên Siberia đến thành phố cảng Đại Liên do Nhật kiểm soát. Đây cũng là thành phố của một cộng đồng lớn người Nhật, Mỹ và châu Âu tham gia vào hoạt động giao thương có kết nối tới tuyến đường sắt này.

Trong đó bao gồm việc buôn bán lông thú, và căn bệnh dịch hạch này nhiều khả năng nhất đã đến từ hoạt động đó.

Chuyện đáng kinh ngạc khi đại dịch bùng phát lúc Trung Quốc yếu đuối nhất và bài học vô giá cho Covid-19 - Ảnh 1.

Rái cá cạn (Tarbagan marmot)

Rái cá cạn (Tarbagan marmot) là một loài gặm nhấm sống chủ yếu trên đồng cỏ và thảo nguyên Mông Cổ và lân cận khu vực Mãn Châu. Những thương nhân buôn bán lông thú từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản từ lâu đã mua lông chồn, rái cá từ các thợ săn địa phương, nhưng chưa bao giờ quan tâm đến bộ lông thô của loài rái cá cạn. Tuy nhiên, những kĩ thuật nhuộm tiên tiến những năm đầu thế kỷ 20 đã khiến bộ lông của loài vật này được lựa chọn nhiều hơn cả do mức giá phải chăng mà chất lượng lông tốt hơn.

Những thương nhân nước ngoài đã yêu cầu hàng ngàn thợ săn du mục mang về cho họ tấm da của marmot – thứ đã tăng giá trị đáng kể trong những năm trước khi dịch bệnh bùng nổ. Những thợ săn địa phương từ lâu đã tránh ăn những con marmot bị bệnh, nhưng họ vẫn có ý định lấy da của chúng, đặc biệt là khi thứ hàng hóa này trở nên có giá trị.

Sự bùng phát ban đầu của dịch hạch không dễ để xác định, nhưng theo ghi chép chính thức của các bác sĩ người Nga ở Mãn Châu Lý, một thị trấn Nội Mông Cổ nằm ở biên giới Trung Quốc –Nga, khu vực xung quanh CER. Các triệu chứng của bệnh rất đáng báo động – sốt đi kèm với xuất huyết (ho ra máu). Ở Mãn Châu Lý, những xác chết nằm la liệt ngoài đường và những toa tàu chở hàng biến thành khu cách ly.

Cũng giống như ngày nay khi virus lây lan nhanh chóng qua các chuyến bay, vào thời điểm đó, đường sắt đã tạo điều kiện cho sự lây lan. Nỗi sợ hãi ở Mãn Châu Lý đã khiến cho nhiều người đã đi tàu tới thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ của Hắc Long Giang, sau đó tới Cáp Nhĩ Tân.

Các trường hợp bệnh dịch hạch thể phổi lan rộng theo các tuyến đường sắt lớn - Thiên Tân, Bắc Kinh và dọc theo đường sắt Bắc Kinh đến Vũ Hán. Ngay cả Thượng Hải, cách Mãn Châu Lý gần 2000 dặm, cũng đã báo cáo trường hợp nhiễm bệnh và suy nghĩ đến việc phong tỏa thành phố để ngăn chặn lây lan. Trong khu ổ chuột đông đúc của Cáp Nhĩ Tân, bệnh dịch đã lây lan nhanh chóng. Tới ngày 08/11/1910, số người tử vong ở Cáp Nhĩ Tân là 5.272 người.

Phản ứng ban đầu

Những phản ứng cho bệnh dịch này rất nhanh chóng mặc cho những hạn chế về giao thương vào đầu thế kỉ 20.

Các trung tâm kiểm dịch đã được thành lập (chủ yếu là từ những toa tàu) dành cho những người có thể tiếp xúc với bệnh dịch (là người nhà của những người đã tử vong hoặc có liên quan đến hoạt động săn bắt, buôn bán lông thú).

Nếu trong quá trình cách ly từ 5-10 ngày không biểu hiện triệu chứng, họ sẽ được đưa ra ngoài với một dây đeo ở cổ tay đánh dấu không nhiễm bệnh. Nhưng nếu có biểu hiện thì có nghĩa toàn bộ toa tàu về cơ bản là “dính đòn”, với tỉ lệ tử vong – gần 100%. Hỏa táng hàng loạt các thi thể đã được thi hành. Việc an táng bị cấm.

Tại Cáp Nhĩ Tân, bác sĩ Wu Lien-teh đã ngăn chặn thành công sự lây lan của đại dịch. Ông là người gốc Hoa, sinh ra ở Malaysia, học tập tại trường Đại học Cambridge.

Chuyện đáng kinh ngạc khi đại dịch bùng phát lúc Trung Quốc yếu đuối nhất và bài học vô giá cho Covid-19 - Ảnh 2.

Bác sĩ Wu Lien-teh, ảnh được chụp trong giai đoạn khoảng 1910-1915 (Nguồn: CNN)

Bác sĩ Wu bắt đầu tiến hành khám nghiệm tử thi cho các nạn nhân và xác định rõ đây là bệnh dịch hạch thể phổi chứ không phải bệnh dịch hạch thể hạch. Ông cũng yêu cầu mọi người đeo khẩu trang.

Đến đầu năm 1911, Trung Quốc huy động các bác sĩ và các nhà dịch tễ học từ khắp cả nước tới Cáp Nhĩ Tân. Bác sĩ Wu đã nhìn thấy ngày tới hạn cho việc kiểm soát dịch bệnh. Tết Nguyên Đán chính thức bắt đầu từ ngày 30/01 và ông biết rằng không thể hạn chế đi lại trong dịp về nhà hàng năm của rất rất nhiều người Trung Quốc.

Nếu tỉ lệ lây nhiễm không giảm, đây sẽ trở thành một đại dịch toàn quốc.

Những phản ứng đôi khi là rất khắc nghiệt – bất kỳ nhà trọ nào có phát hiện lây nhiễm sẽ đều bị đốt. Nhưng nhìn chung, các biện pháp chống bệnh dịch hạch của Wu đã có hiệu quả. Những hành động như cách ly, phong tỏa, hạn chế đi lại và đeo khẩu trang đều đã được áp dụng và tỷ lệ lây nhiễm ở Cáp Nhĩ Tân đã giảm vào cuối tháng 1.

Tuy nhiên, bệnh dịch đã lan rộng dọc tuyến đường sắt. Đến đầu tháng 1/1911, Thẩm Dương đã có hơn 2.571 người chết. Sau đó, việc kiểm dịch và hạn chế đi lại ở Thẩm Dương bắt đầu có hiệu lực, tỷ lệ lây nhiễm giảm. Nhưng một số thị trấn gần thành phố cảng Đại Liên bắt đầu báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh.

Tại Đại Liên, các cuộc xét nghiệm hàng loạt dành cho hành khách trên tàu và thuyền đã được tiến hành, các chuyến tàu sau đó đã bị dừng hoạt động và các chuyến phà từ Đại Liên được lệnh ở nguyên tại cảng. Điều này để chắc chắn rằng dịch hạch không thể đến Đại Liên.

Mặc dù các trường hợp nhiễm bệnh tiếp tục xuất hiện trên khắp Mãn Châu và Cáp Nhĩ Tân, bác sĩ Wu tuyên bố dịch này sẽ kết thúc vào cuối tháng 1/1911 sau vụ hỏa táng thi thể cuối cùng. Và đó là thời điểm để triệu tập một hội nghị quốc tế với mục đích tìm hiểu lý do tại sao ổ dịch lại nghiêm trọng và lan rộng như vậy, đồng thời tìm ra biện pháp chống dịch hiệu quả nhất.


Chuyện đáng kinh ngạc khi đại dịch bùng phát lúc Trung Quốc yếu đuối nhất và bài học vô giá cho Covid-19 - Ảnh 3.

Minh họa Reaper (thần chết) trên đại dịch ở Mãn Châu được xuất bản trên Tạp chí Le Petit, ở Pháp, vào năm 1911 (Ảnh: CNN)

Hội nghị ở Thẩm Dương

Giáo sư William C Summers đến từ Yale lưu ý trong nghiên cứu năm 2012 về Đại dịch hạch Mãn Châu rằng: “Đến cuối tháng 1/1911, động lực cho việc tập hợp những chuyên gia đến Trung Quốc là rất lớn.”

Việc tổ chức một hội nghị như vậy có thể mang lại rủi ro cho Trung Quốc.

Trung Quốc có một tuyến đường sắt do Nga kiểm soát, chạy qua một vùng rộng lớn của lãnh thổ, Nhật Bản yên vị ở Đại Liên và kiểm soát cảng biển phía bắc lớn của Trung Quốc, các cường quốc châu Âu và Mỹ thì áp đặt những hiệp ước cảng lên đất nước này. Giai đoạn 1910-1911, Trung Quốc ở vào cuối thời kỳ phong kiến triều Thanh và bị các nước lớn "xâu xé" bởi hàng loạt điều ước bất bình đẳng.

Tuy vậy, hội nghị vẫn được diễn ra, điều này đã giúp Trung Quốc tránh được những chỉ trích sau dịch bệnh. Tất cả những người tham dự đều ưu tiên khoa học, không áp đặt bất cứ lệnh kiểm soát nào về mặt chính trị.

Hội nghị được tổ chức vào ngày 3/4/1911 tại Thẩm Dương với sự góp mặt của các chuyên gia ở các học viện nổi tiếng từ khắp các nước như Ý, Mexico, Đức, Hà Lan, Áo.

Nội dung chính của hội nghị là loại bỏ những tin đồn và những lý giải không theo khoa học và tìm ra nguồn gốc khoa học của dịch bệnh là đến từ vi khuẩn. Đó là những thảo luận về độc tố vi khuẩn, các chủng biến thể,... Cũng có những thảo luận về các phương thức lây nhiễm như ho và các lý thuyết sai lầm như sự lây lan của các trực khuẩn qua thức ăn. Thậm chí các nhà khoa học còn thảo luận về những trường hợp hiện nay được gọi là người không triệu chứng hoặc là bệnh nhân siêu lây nhiễm.

Chủ đề chính của hội nghị là ngăn chặn bệnh dịch. Những biện pháp nào là có hiệu quả nhất? Chắc chắn là cách ly khẩn cấp và áp dụng các hạn chế về đi lại. Thêm vào đó, việc xây dựng nhanh chóng các khu cách ly trong bệnh viện với mục đích cách ly những người nhiễm bệnh hoặc có khả năng nhiễm bệnh, không cho lây lan sang những bệnh nhân bình thường khác của bệnh viện.

Hội nghị kết thúc vào ngày 28/4/1911, với lời phát biểu bế mạc của bác sĩ Wu. Và cuối cùng thì, các nước như Nga, Nhật Bản hay các cường quốc châu Âu đã không lấy hội nghị làm cơ hội áp đặt chính trị lên Trung Quốc.

Các kết luận và phương án của hội nghị hoàn toàn liên quan đến khoa học tới bệnh dịch hạch, sự cần thiết của việc cải thiện vệ sinh, các quy định về kiểm dịch và nguyên nhân tự nhiên của dịch bệnh – từ loài rái cá cạn.

Kết thúc hội nghị, Bác sĩ Wu Lien-teh phát biểu: “Mọi nỗ lực cần được thực hiện để đảm bảo cho sự giáo dục y tế có hiệu quả ở Trung Quốc.”

Phản ứng toàn cầu năm 1911 và bài học cho Covid-19

Năm 1911, thế giới chưa có WHO, do vậy, việc đối phó với dịch bệnh là công việc của một vài quốc gia.

Thế nhưng tại hội nghị ở Thẩm Dương, không có chính trị gia nào, chỉ có các nhà khoa học – những người đã nhìn thấy độ cần thiết của sự chung tay quốc tế và của một tổ chức y tế toàn cầu.

Nhu cầu này sau đó cũng xuất hiện sau Thế chiến thứ I, với sự ra đời của Hội Quốc Liên (League of Nation) trong Hội nghị Hòa bình ở Paris năm 1919.

Liên minh này đã thông qua Cục Y tế, đảm nhận một số vấn đề liên quan đến sức khỏe như bệnh phong, sốt rét, sốt vàng da,... cũng như đã hỗ trợ ngăn chặn thành công dịch sốt phát ban ở Nga, các dịch tả và thương hàn ở Trung Quốc giữa thời chiến.

Sau Thế chiến thứ II, Hội Quốc Liên trở thành Liên Hợp Quốc (UN) và thành lập WHO.

Đại dịch hạch Mãn Châu đến cuối cùng đã không lan truyền tới phần còn lại của Trung Quốc, Mông Cổ hay Nga. Hành động đóng cảng Đại Liên đã ngăn chặn dịch bệnh di chuyển ra khỏi Mãn Châu và tiến sang các nơi khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và nhiều nơi khác ở châu Á. Nếu như lây lan, nó có thể sang tới châu Âu, Mỹ và lan ra toàn thế giới. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Nhà sử học William C Summers, giáo sư tại Đại học Yale (Mỹ) nói rằng, sự ngăn chặn thành công virus chính là bởi sự hợp tác trong phản ứng.

“Sự kết hợp của kiến thức đúng, đúng người, đúng nguồn lực không phải lúc nào cũng sẵn có trong những thách thức toàn cầu về đối phó với bệnh dịch.”

Các biện pháp được thực hiện ngày nay trên khắp thế giới – xây dựng những khu cách ly đặc biệt trong bệnh viện, yêu cầu đeo khẩu trang, hạn chế đi lại, nâng cao vệ sinh, đóng cửa sân bay, sự xuất hiện của đội ngũ y tế tận tâm,... tất cả dường như đang mô phỏng lại những gì đã được thực hiện 110 năm về trước ở vùng đông bắc Trung Quốc.

Thế nhưng các quốc gia lớn hiện nay – Mỹ, Trung Quốc, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Nhật Bản – dường như ít quan tâm đến việc cùng nhau hợp tác và triển vọng của bất kỳ hội nghị chính trị nào có lẽ còn xa vời.

Năm 1911, các chuyên gia về bệnh tật hàng đầu thế giới đã “háo hức” sang dự hội thảo ở Trung Quốc. CNN bình luận, có lẽ một hội nghị mở như thế là điều cần được thực hiện sau đại dịch: một cuộc gặp gỡ chỉ của các nhà khoa học để chia sẻ và thảo luận về Covid-19.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại