Ông Tập Cận Bình thị sát liên tục hậu Covid-19
Trong những tuần gần đây, ông Tập Cận Bình liên tục bận rộn với các chuyến thị sát khắp đất nước, nhằm chuyển tải thông điệp rằng người dân cần duy trì cảnh giác trước mối đe dọa Covid-19, đồng thời khích lệ các ngành công nghiệp và thương mại nỗ lực hết sức để phục hồi nền kinh tế.
Dù mục đích các chuyến thị sát dường như không có gì đặc biệt, một số nhà quan sát tin rằng nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đang tận dụng hình ảnh cá nhân để thúc đẩy một góc nhìn mới về Trung Quốc, cũng như củng cố nghị trình của ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chuyến công tác mới nhất của ông Tập là tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, vào ngày 11-12/5 vừa qua, trong đó ông thúc giục giới chức địa phương cảnh giác trước nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai, cũng như nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển trong năm nay.
Một trong những mục tiêu áp lực nhất vào thời điểm này đối với ông Tập là nhiệm vụ đầu tiên trong số 2 "mục tiêu thế kỷ": Đưa Trung Quốc thành một "xã hội khá giả toàn diện" nhằm kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc (1921-2021).
Tân Hoa Xã nêu trong bài xã luận nhân chuyến thị sát Sơn Tây của ông Tập, rằng trong khi nhiệm kể trên đã trở nên khó khăn hơn bởi dịch Covid-19 bùng phát, giới chức Trung Quốc "không nên bỏ phí một phút nào" nữa.
(Ảnh: Xinhua)
Thông điệp về các mục tiêu tăng trưởng
Gabriel Wildau, Phó chủ tịch cấp cao tại hãng cố vấn Teneo Management Cosulting, nói rằng việc chuyển dịch nghị trình từ kiểm soát virus corona (SARS-Cov-2) sang các mục tiêu phát triển "phát đi thông điệp rằng Trung Quốc đã chinh phục được virus và có sự tự tin để tập trung vào các lĩnh vực khác".
Theo Wildau, ông Tập dường như cũng gửi tín hiệu rằng mục tiêu "xã hội sung túc" có thể được định nghĩa thông qua các cách thức định lượng khác ngoài chỉ số GDP. "Như vậy, [Trung Quốc] có thể tuyên bố mục tiêu đã hoàn thành bằng cách dẫn chứng tiến triển trong các lĩnh vực như môi trường hay công nghệ," ông nói.
Chuyến đi Sơn Tây là cuộc thị sát thứ 4 của ông Tập Cận Bình kể từ khi ông đến thành phố tâm dịch Vũ Hán vào tháng 3. Hai địa điểm còn lại là các tỉnh Chiết Giang và Thiểm Tây. Các lãnh đạo khác của Trung Quốc, như Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc (CPPC) Uông Dương và Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) Triệu Lạc Tế, cũng thực hiện các chuyến thị sát đến nhiều phần của đất nước.
Ông Wildau nói, việc tiếp nhận thông tin khả tín là một thách thức đối với các lãnh đạo Trung Quốc - kể cả ông Tập, bởi cố vấn của họ "thường có xu hướng báo cáo góc nhìn 'màu hồng' về tình hình".
"Các chuyến thị sát gần đây của quanh đất nước của ông Tập dường như được thiết kế để thể hiện rằng ông đang 'bắt được mạch' của những khu vực khác nhau và các tầng lớp xã hội khác nhau."
"Tại tỉnh Sơn Tây, có vẻ như ông tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Ông đi vào từng tầng lớp xã hội để cho thấy sự quan tâm [của ban lãnh đạo]."
Chuyến thị sát Sơn Tây diễn ra vào thời điểm chỉ còn gần 2 tuần là kỳ họp "Lưỡng hội" của Trung Quốc sẽ khai mạc - gồm đại hội đại biểu toàn quốc của Quốc hội (NPC) và CPPC.
(Ảnh: Xinhua)
Câu chuyện mới về Trung Quốc
Steve Tsang - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc (SOAS) tại London, nhận định ông Tập Cận Bình đang thông qua các chuyến đi của mình để gửi gắm "câu chuyện mới về Trung Quốc thời kỳ hậu-Covid", trước khi Lưỡng hội diễn ra.
Thông điệp trọng tâm của quan điểm mới là trong khi phần còn lại của thế giới - đặc biệt là các nước phương Tây - còn chật vật để kiềm chế Covid-19, thì "sự kiên định của ban lãnh đạo trung ương [Trung Quốc]" và sự ưu việt của chế độ là những nhân tố đã đưa Trung Quốc ra khỏi khủng hoảng - Tsang nêu.
Đặng Duật Văn, cựu tổng biên tập tờ Thời báo học tập - cơ quan của Trường đảng trung ương Trung Quốc - nói dịch Covid-19 bùng phát đã tạo cơ hội để các lãnh đạo "kiểm tra năng lực quản lý xã hội trong tình huống khẩn cấp".
"Ngoại trừ [giai đoạn] hoang mang ban đầu [do dịch bệnh] thì không có vấn đề gì to lớn," ông Đặng đánh giá. "[Ban lãnh đạo Trung Quốc] đã có thể thực thi tổng động viên quy mô lớn, nhanh chóng cải tạo các nhà máy [để sản xuất vật tư y tế]... và người dân Trung Quốc hầu như đều hợp tác."
Giữa những báo cáo về một ổ dịch mới bùng phát ở thành phố gần biên giới với Nga và Triều Tiên, ông Tập khẳng định trong phiên họp Bộ chính trị Trung Quốc hôm 14/5 rằng nước này sẽ không để mất những thành quả chống dịch khó khăn đạt được.
Yuqing Xing, giám đốc về chính sách kinh tế châu Á tại Viện nghiên cứu chính sách quốc gia ở Tokyo, Nhật Bản, nói rằng nếu Bắc Kinh muốn khởi động nền kinh tế và thực hiện được các mục tiêu, họ cần chấp nhận rủi ro các ổ dịch nhỏ bùng phát và cho phép giới chức địa phương linh hoạt trong thực thi biện pháp hạn chế.
"Cho đến nay, Bắc Kinh không chấp nhận để dịch bùng phát, và một số quan chức địa phương đã bị sa thải do báo cáo lên chỉ 1 hoặc 2 ca nhiễm. Với những điều kiện như thế, giới chức sẽ ưu tiên nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh hơn là cho phép một luồng hoạt động kinh tế tự do hơn," Xing nói.
"Ban lãnh đạo Trung Quốc cần điều chỉnh một sự cân bằng mới trong thời kỳ hậu Covid... bởi virus sẽ tiếp tục tồn tại cùng chúng ta trong nhiều năm."
Hồi cuối tháng 4, báo cáo của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng năm 2020 do hậu quả của Covid-19, bao gồm mục tiêu "xã hội khá giả toàn diện" - với với số liệu biểu tượng là quy mô nền kinh tế Trung Quốc năm 2020 gấp đôi so với năm 2010.
Mục tiêu này đã được ban lãnh đạo mới của Trung Quốc - do ông Tập Cận Bình đứng đầu - cam kết tại Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2012.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng Trung Quốc cần tăng trưởng tối thiểu 5.6% trong năm nay để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, trong khi nhiều tổ chức thế giới, như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay chỉ đạt được khoảng 1.2%.