SCMP: Trung Quốc "thân bất do kỷ", lời hứa ngày lên nắm quyền của ông Tập đã ngoài tầm tay với

Hải Võ |

Trung Quốc nhiều khả năng phải cân nhắc lại mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020, được cho là khoảng 6%, và nhắm đến mức tăng trưởng thấp hơn do tác động của dịch Covid-19, theo SCMP.

Phục hồi kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào thế giới vượt qua Covid-19

Nhận định trên được các nhà kinh tế học và nhà nghiên cứu Trung Quốc đưa ra sau khi Tổng cục thống kê nhà nước Trung Quốc (NBS) công bố tăng trưởng GDP Quý I/2020 của nước này là -6.8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương vào cuối năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đề xuất mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 vào khoảng 6%. Thông thường đề xuất này sẽ được chính thức hóa tại phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc - sự kiện đã bị hoãn lại trong năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chỉ tiêu tăng trưởng "mới" - nếu có - sẽ thấp hơn đáng kể so với con số 6%, bởi Bắc Kinh hiện đang phải tập trung vào ổn định vấn đề tái tạo công ăn việc làm thời kỳ "hậu dịch bệnh", hơn là mở rộng nền kinh tế.

Wang Yiming, cựu phó lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu phát triển, thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, nói rằng tổn thất kinh tế xảy ra ở châu Âu và Mỹ sẽ là nghiêm trọng, và khó có khả năng Trung Quốc tạo ra được đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong khi phần còn lại của thế giới còn chìm trong khủng hoảng.

"Sự phục hồi kinh tế Trung Quốc phụ thuộc lớn vào việc đại dịch [Covid-19] có thể được kiểm soát ở nước ngoài nhanh chóng tới đâu," tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Wang ngày 20/4.

Theo ông này, Trung Quốc tối đa chỉ có thể đạt được mức tăng trưởng GDP 3% trong năm 2020, hoặc già nửa mục tiêu ban đầu, và đó vẫn sẽ là "một thành tựu xuất sắc".

Không còn hy vọng gấp đôi GDP trong 1 thập kỷ

Một số nhà kinh tế học nhấn mạnh, thiết lập chỉ tiêu tăng trưởng mới là điều cần thiết để cung cấp đường hướng hoạt động cho chính quyền các địa phương.

Tuy nhiên, việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP thấp hơn 6% được xem là bước lùi trong lộ trình xây dựng "xã hội khá giả toàn diện" - theo kế hoạch sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm nay, với số liệu biểu tượng là quy mô nền kinh tế Trung Quốc năm 2020 gấp đôi so với năm 2010.

Mục tiêu này đã được ban lãnh đạo mới của Trung Quốc - do ông Tập Cận Bình đứng đầu - cam kết tại Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2012.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng Trung Quốc cần tăng trưởng tối thiểu 5.6% trong năm nay để hiện thực hóa mục tiêu nói trên

Ban lãnh đạo Trung Quốc "xoay trục" khỏi tỉ lệ tăng trưởng?

Do dịch Covid-19 bùng phát, kỳ họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc không thể khai mạc vào đầu tháng 3 như thông lệ, khiến chỉ tiêu tăng trưởng chính thức đến nay vẫn chưa được xác định.

Theo SCMP, nếu kỳ họp bị lùi tới tháng 5 hoặc muộn hơn, thì con số chỉ tiêu sẽ mang ít giá trị "dẫn lối" hơn nhiều đối với chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Các nhà kinh tế độc lập đồng quan điểm rằng sẽ là không thực tế nếu Bắc Kinh theo đuổi mức tăng trưởng 6%, trong khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay chỉ đạt được 1.2%.

Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Standard Chartered Hồng Kông, cho rằng mục tiêu tăng trưởng dự kiến ban đầu của Trung Quốc "là quá cao và có thể gây tổn hại đến uy tín của chính Bắc Kinh".

Một tín hiệu đã được thể hiện sau phiên họp hôm 17/4 của Bộ chính trị Trung Quốc, do ông Tập Cận Bình chủ trì. Phiên họp diễn ra cùng ngày NBS công bố chỉ số tăng trưởng GDP Quý I. Tại phiên họp này, các lãnh đạo Trung Quốc tập trung vào vấn đề công ăn việc làm, cung ứng thực phẩm và ổn định xã hội, trong khi tỉ lệ tăng trưởng kinh tế không được đề cập chút nào. Đây được cho là dấu hiệu Trung Quốc có thể không còn xem mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu.

Zhang Ming, nhà nghiên cứu tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), phát biểu tại diễn đàn của Đại học nhân dân Trung Quốc tổ chức hồi cuối tuần qua, cho rằng tín hiệu đáng chú ý ở hội nghị Bộ chính trị Trung Quốc hôm 17/4 là sự hạ thấp mục tiêu ban đầu về tăng trưởng gấp đôi quy mô nền kinh tế trong vòng 1 thập kỷ.

"Tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến vào khoảng 2 đến 3% trong năm 2020. Như vậy, nếu Bắc Kinh vẫn thiết lập một chỉ tiêu tăng trưởng thì con số thực tế sẽ là ở đâu đó trong khoảng giữa 2 và 3%," Zhang nói.

Li Xunlei, nhà kinh tế trưởng tại Zhongtai Securities và là cố vấn cho chính quyền Thượng Hải, nhận định hồi tuần trước rằng Trung Quốc vẫn nên nhắm đến mục tiêu tăng trưởng 3%, bởi việc từ bỏ hoàn toàn một chỉ số mục tiêu có thể gây bối rối cho người dân và giới chức các địa phương.

SCMP: Trung Quốc thân bất do kỷ, lời hứa ngày lên nắm quyền của ông Tập đã ngoài tầm tay với - Ảnh 2.

Địa phương Trung Quốc vẫn hành động theo mục tiêu xa vời

Bất chấp những dự báo rõ ràng về mức tăng trưởng năm nay, trong khi Quốc hội Trung Quốc chưa thể họp để công bố một thông tin chính xác thì chính quyền các tỉnh thành vẫn đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội dựa trên mục tiêu tăng trưởng "phi chính thức" là 6%.

Chính quyền thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên, hồi tuần trước tuyên bố đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 7.3%, thấp hơn không đáng kể so với tăng trưởng thực tế đạt được năm 2019 (7.7%).

Thành phố giàu nguồn than đá Lâm Phần, thuộc tỉnh Sơn Tây, thậm chí đặt mục tiêu cao hơn so với tăng trưởng năm ngoái (6.1% so với 6%).

Thành phố Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang, thì theo đuổi mức tăng trưởng năm 2020 là 7%, không giảm nhiều so với mức 7.1% của năm 2019.

Bao Đầu, thành phố và là nền kinh tế lớn thứ hai ở khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, tuần trước cũng thông báo kế hoạch tăng trưởng dự kiến "khoảng 6%" trong năm nay, không thay đổi so với năm ngoái, nhằm "thực hiện đúng lời hứa về hoàn thành đúng thời hạn mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện".

Chuyên gia Ding Shuang cho rằng, chính quyền các địa phương Trung Quốc đang tuân thủ những định hướng cũ, bởi họ không thể "cắt giảm chỉ tiêu tăng trưởng nếu không có thông báo chính thức từ chính phủ trung ương".

"Điều này cho thấy tầm quan trọng của một chỉ tiêu tăng trưởng toàn quốc được công bố, nhằm xóa bỏ những bối rối của địa phương," ông Ding nói thêm.

SCMP: Trung Quốc thân bất do kỷ, lời hứa ngày lên nắm quyền của ông Tập đã ngoài tầm tay với - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại