Covid-19 đáng sợ và chết chóc đến khủng khiếp nhưng tại sao nhiều người vẫn từ chối đeo khẩu trang? Mọi chuyện đều có lý do

J.D |

Một dịch bệnh trăm năm có 1, có lẽ ai cũng thấy rằng Covid-19 nguy hiểm đến mức nào. Nhưng tại sao vẫn có người chủ quan?

Covid-19 đến nay đã được đánh giá là một trong những đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử, thứ dịch bệnh "trăm năm có 1" khi đã lây nhiễm cho gần 13,6 triệu người và khiến hơn 586.000 ca tử vong.

Để khống chế dịch bệnh, nhiều quốc gia đã buộc phải tiến hành phong tỏa. Nhưng phong tỏa thì không thể kéo dài mãi được, vì sự đánh đổi về kinh tế là quá lớn. 

Nhiều nước hiện tại đã thi hành nới lỏng phong tỏa sau khi dần kiểm soát được dịch bệnh, dù vẫn phải duy trì giãn cách xã hội và yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang.

Covid-19 đáng sợ và chết chóc đến khủng khiếp nhưng tại sao nhiều người vẫn từ chối đeo khẩu trang? Mọi chuyện đều có lý do - Ảnh 1.

Nhưng dẫu sự chết chóc là có thật, vẫn tồn tại những người không quan tâm đến các quy trình giảm thiểu rủi ro. 

Như tại Mỹ, dịch bệnh vẫn đang hoành hành, nhưng có những người chẳng hề để ý đến việc phải giữ khoảng cách ở nơi công cộng, và khẩu trang cũng gần như chẳng bao giờ đeo.

Tại sao vậy? Chẳng lẽ họ không ý thức được rằng Covid-19 nguy hiểm đến mức nào? Thực ra mọi chuyện đều có lý do của nó, theo nghiên cứu mới được công bố trên Kỷ yếu của Viện khoa học hàn lâm Quốc gia.

Cụ thể, nghiên cứu tiến hành đánh giá giai đoạn đầu của đại dịch tại Mỹ, thời điểm ngày 13/3 - 25/3/2020 sau khi mới công bố dịch bệnh. 

Người tham gia được yêu cầu trả lời một bản khảo sát, đánh giá tâm trạng, mức độ lo lắng, và khả năng tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. 

Họ cũng được đánh giá về trình độ học vấn và sự hiểu biết về các quy định này. 

Kết quả cho thấy, việc bạn quyết định tuân theo quy tắc giãn cách hay không phụ thuộc vào chuyện trí nhớ làm việc của bạn hoạt động được đến mức nào.

Covid-19 đáng sợ và chết chóc đến khủng khiếp nhưng tại sao nhiều người vẫn từ chối đeo khẩu trang? Mọi chuyện đều có lý do - Ảnh 2.

Bộ nhớ làm việc là một quy trình hoạt động của não bộ, cho phép giữ lại các thông tin trong một khoảng thời gian ngắn để não bộ xử lý. 

Những người có trí nhớ làm việc ở mức thấp có xu hướng tuân thủ quy định thấp hơn, và cũng không ý thức được lợi ích của các quy tắc giãn cách là như thế nào.

"Bộ nhớ làm việc càng lớn, các quy tắc càng dễ được tuân thủ," - trích lời Weiwei Zhang, phó giáo sư tâm lý học tại ĐH California, Riverside (Mỹ). 

Mối liên hệ này vẫn đúng kể cả khi xét đến các yếu tố khác như mức độ lo lắng, tính cách, trình độ học vấn và thu nhập.

"Chúng tôi nhận thấy việc tuân thủ giãn cách xã hội phụ thuộc vào việc đánh giá những thứ được và mất của nó, và điều này do bộ nhớ làm việc chịu trách nhiệm," - Zhang cho biết. 

"Quá trình quyết định có tuân thủ hay không sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn với những người có bộ nhớ làm việc lớn."

Theo các chuyên gia, nhà chức trách cần đưa yếu tố này vào danh sách cần cân nhắc trước khi ra quy định, để tránh khiến bộ nhớ của nhiều người trở nên quá tải. 

"Chúng ta cần phải tìm cách để tránh cho não bộ phải đưa ra những quyết định ép buộc. Để làm được, cần phải giúp họ nhận ra mặt lợi và hại của việc giãn cách, thay vì đưa ra một quy định đơn giản."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại