COP27: Thị trường carbon giúp thế giới giảm phát thải

Quang Duy - Anh Nguyên |

Hôm nay (18/11) là ngày cuối cùng trong chương trình nghị sự của Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP27 đang diễn ra tại Ai Cập.

Trong bản dự thảo thỏa thuận về khí hậu được Liên hợp quốc công bố vào ngày 17/11, một nội dung được nhấn mạnh là giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính. Để thực hiện được mục tiêu này, vai trò của một thị trường carbon hoạt động hiệu quả là rất cần thiết.

Đây là chia sẻ của ông Stephane Hallegatte, Cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Ông Hallegatte trực tiếp tham dự các phiên thảo luận tại COP27 và đã chia sẻ thông tin liên quan.

Các loại khí nhà kính như CO 2 và methane là thủ phạm chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Định giá carbon là một công cụ cho phép các cơ sở xả thải carbon quyết định chuyển đổi hoạt động sang công nghệ xanh để giảm lượng phát thải hoặc tiếp tục phát thải carbon và trả tiền cho lượng khí thải đã thải ra. Công cụ định giá carbon còn góp phần bảo vệ môi trường.

Hiện mỗi quốc gia, khu vực lại có cơ chế định giá khác nhau. Châu Âu định giá sàn CO 2 từ 76 USD/ tấn. Nhiều bang ở Mỹ chỉ định giá 30 USD/tấn. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển định giá dưới 25 USD/tấn.

COP27: Thị trường carbon giúp thế giới giảm phát thải - Ảnh 1.

(Ảnh: World Bank)

Ông Stephane Hallegatte nói: "Phát thải carbon liên quan mật thiết đến hoạt động sản xuất công nghiệp, sản xuất điện. Quy mô, cơ cấu nền kinh tế, thu nhập người dân mỗi nước cũng khác nhau nên mức độ đắt rẻ khi định giá phát thải rất khác nhau giữa các nước".

Định giá carbon là một trong những công cụ chính sách hiệu quả nhất để định hướng chi tiêu, thoát khỏi năng lượng gây ô nhiễm và đầu tư vào các giải pháp xanh. Nhiều quốc gia miễn cưỡng áp đặt mức sàn carbon do lo sợ mất khả năng cạnh tranh quốc tế. Chuyên gia World Bank cho rằng thay vì áp đặt giá phổ quát, các nước nên hợp tác để kết nối các thị trường carbon với nhau.

Theo ông Stephane Hallegatte: "Điều nên làm bây giờ là nghiên cứu cơ chế kết nối các thị trường carbon sẵn có lại với nhau, tạo ra một thị trường có tính ổn định cao hơn. Bên cạnh đó nếu một quốc gia tăng giá năng lượng, quốc gia đó cũng cần tăng giá carbon phát thải theo tỷ lệ tương ứng".

Ông Hallegatte khuyến nghị, nguồn thu từ phát thải carbon có thể chi cho chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nhóm người thu nhập thấp trong xã hội, qua đó quá trình chuyển động phát thải ròng không gây ra bất bình đẳng trong sự phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại