Có khi nào bạn cảm thấy một mối quan hệ thân thiết đang dần phai nhạt vì bạn không dành thời gian, công sức cho nó?
Có lúc nào bạn tự trách bản thân đã bỏ lỡ những cơ hội đáng quý, làm tổn thương một người quan trọng chỉ vì sự cáu giận nhất thời?
Vùi đầu bận rộn với bộn bề công việc mỗi ngày mỗi giờ, có đủ khiến bạn thực sự thoải mái, hạnh phúc?
SỰ CÂN BẰNG
1. Ảo tưởng của bản thân về sự thiếu cân bằng.
Khi gặp một điều tốt đẹp, chúng ta dễ cho rằng cuộc sống là tất cả những gì liên quan đến điều đó.
Ví dụ như khi tìm được một công việc mơ ước thì chúng ta nghĩ cuộc đời là tất cả mọi thứ xoay quanh công việc này.
Chúng ta nhận thấy các lợi ích của việc tập thể dục, nên cho rằng cuộc sống mà không có thể dục thì hỏng hết. Được nhiều người khen mái tóc mới, ta liền nghĩ đời chả có gì quan trọng hơn kiểu tóc của mình.
Khi mới bắt đầu sự nghiệp, bạn có thể sẽ sẵn sàng bỏ rất nhiều thời gian, sức lực cho công việc đó.
Khi bạn là leader của một nhóm nhỏ, hay là người phụ trách cho một nhiệm vụ được giao, bạn sẽ cảm thấy gánh nặng công việc thật to lớn.
Bạn tập trung vào những nhiệm vụ, gồng mình cố gắng hoàn thành tốt mọi kế hoạch, rồi bỗng một ngày bạn chợt nhận ra thời gian của bản thân như bị “bay biến” đi đâu mất.
Bạn không còn nhớ nổi lần cuối mình ngồi nhâm nhi tách trà tâm sự với lũ bạn thân là khi nào? Bạn quên mất việc phải đi khám định kì cho cơn đau dạ dày vẫn hàng ngày ghé thăm bạn.
Và hơn hết, từ lúc nào không hay, bạn đã bị “cuốn” theo một điều bạn cho là tồn tại duy nhất, làm cho cuộc sống của chính mình không còn sự thoải mái, vui vẻ.
2. Cân bằng là chìa khóa để đạt được lợi ích cao nhất
Hãy nhớ rằng, để có được lợi ích cao nhất, mọi thứ bạn thực hiện trong đời đều phải được cân bằng.
Bởi nếu đi tập thể dục bảy ngày trong tuần, sớm muộn gì bạn cũng bị đuối sức. Nếu làm việc một trăm giờ mỗi tuần, bạn sẽ sớm kiệt quệ.
Nói một cách đơn giản: để đạt được thành quả cao nhất trong cuộc sống, bạn cần thời gian để phục hồi và không gian để phát triển.
Trong môn võ karate, có nhiều người nghĩ rằng nếu họ luyện tập nhanh hơn, lâu dài hơn thì họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Xét theo một khía cạnh nào đó thì họ đúng, bạn phải chăm chỉ thì mới có được thành công. Nhưng họ quên mất một bài học căn bản: Nếu muốn tiến tới thật mạnh mẽ, bạn cần có sự ổn định vững vàng.
Khi còn là một đứa trẻ, bạn không thể tập xe đạp mà không có hai bánh nhỏ hỗ trợ hai bên hoặc một cánh tay nâng đỡ. Bạn cần có sự thăng bằng để tiến về phía trước.
Điều đó áp dụng vào mọi mặt trong đời sống. Sống cân bằng ở đây nghĩa là bạn học cách chủ động sắp xếp mọi điều liên quan đến cuộc sống của bạn một cách hợp lý, hài hòa.
3. Bạn không cần lúc nào cũng phải thúc ép bản thân tìm kiếm sự cân bằng!
Nhưng bạn thấy đấy, sự cân bằng không phải một trạng thái bất biến. Luôn có những lúc bạn phải điều chỉnh giữa bổn phận và đam mê riêng. Sẽ có những lúc bạn bị cuốn theo công việc, vùi mình vào một dòng suy nghĩ.
Nếu bạn mất thăng bằng thì cũng chẳng có gì sai, miễn là bạn có thể kịp nhận ra và quay trở lại. Nhớ cẩn thận đừng để mất thăng bằng quá lâu, đừng để chính bạn biến nó thành điều bình thường, thành thói quen trong cuộc sống.
Một cuộc sống lành mạnh đòi hỏi chúng ta phải biết cân bằng ước muốn thay đổi với việc chấp nhận mình là ai ngay tại thời điểm này.
Chúng ta cần phải cân bằng giữa trạng thái duy trì và buông lỏng, cân bằng kỷ luật bản thân với sự tự do và tính tự phát.
4. Những cách đơn giản có thể giúp bạn cân bằng cuộc sống:
- Chia sẻ công việc với đồng nghiệp
- Lên lịch cho một buổi vui chơi với gia đình, bạn bè
- Chăm sóc bản thân mình
- Học cách bỏ thói quen do dự, chần chừ
BÌNH TĨNH
1. “Bình tĩnh nào…” và cách những người bình tĩnh có một cuộc sống dễ dàng hơn
“Bình tĩnh nào…” Câu nói này khơi mào cho một sự bùng nổ. Chẳng mấy ai thích nghe người khác bảo mình hãy giữ bình tĩnh, nhất là khi họ bị tác động về mặt cảm xúc.
Những lời này giống như ma thuật, chúng có sức mạnh thổi bùng những ngọn lửa đang âm ỉ thành biển lửa.
Tuy nhiên ngay cả khi bạn không thích nghe người khác nói mình như vậy, việc bạn giữ được bình tĩnh trong những tình huống dễ xúc động cũng đem lại cho bạn nhiều lợi ích lớn.
Và, cũng không có gì ngạc nhiên, khi những lợi ích này được nhận thấy rõ nhất khi có xung đột.
Theo một nghiên cứu của Talentsmart với hơn 1 triệu người, 90% những người có hiệu suất làm việc tốt thường có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt, biết cách giữ bình tĩnh trước áp lực.
Nếu bạn có thể bình tĩnh trong những tình huống bột phát cảm xúc, bạn sẽ ít có nguy cơ hành động thái quá và gây tổn thương không cần thiết cho các mối quan hệ của mình.
Nhưng căng thẳng lại là một loại cảm xúc cần thiết của con người.
Khả năng làm việc của bạn có thể đạt hiệu quả rất cao nếu có xúc tác của yếu tố căng thẳng ở mức độ vừa phải. Nếu sự căng thằng không kéo dài quá lâu, thì nó hoàn toàn vô hại.
2. Cuộc sống cũng cần chút căng thẳng…
Đừng hiểu nhầm: việc bạn xúc động mạnh không có gì sai, vấn đề là các phản ứng của bạn vào lúc đó.
Vì thế, nếu đang nổi giận, bạn có thể chủ động nhận thức cơn giận của mình, để cho nó qua đi, và khi bình tâm bạn sẽ quyết định xem nên phản ứng như thế nào; như thế tốt hơn là phải ứng lại ngay lúc đó để rồi hành động thái quá.
Bạn hãy thừa nhận cảm xúc của mình, hãy tự nhủ:” Mình đang nổi giận.”, và lúc đó hãy chú ý đến các cảm giác của cơ thể xuất hiện kèm theo cơn giận này.
Chỉ bằng cách này thôi cũng đủ làm giảm đi cường độ cảm xúc của bạn.
Và trong khi bình tĩnh thực hiện điều này, bạn sẽ ít có nguy cơ hành động thái quá. Hơn nữa, bạn cũng không cần phải phủ nhận các cảm giác của mình hay nuốt ngược nó vào lòng và dồn nén lại.
Một cái đầu lạnh cũng hữu dụng trong một cơn khủng hoảng, giống như bạn đang lọt vào mắt bão, hoàn toàn không bị những cơn gió dữ dội xung quanh tác động đến.
Ở vị trí này, bạn có thể nhìn thấu đáo vấn đề và có những quyết định tốt hơn. Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng nếu không tỉnh táo, bạn sẽ không sử dụng được đầu óc của mình.
Vậy nên hãy học cách bình tĩnh trước áp lực. Sẽ có nhiều người tính cách của họ khiến họ dễ bình tĩnh hơn những kẻ khác. Nhưng dù sao thì chúng ta đều có thể cải thiện bản thân, bất kể trong tình huống nào.
Hãy nhớ: bạn không nhất thiết phải bị cảm xúc cuốn đi. Không cần phán xét. Hãy cứ thừa nhận và để nó trôi qua.
Thế rồi trong trạng thái bình tĩnh mới đó, hành động của bạn sẽ là hành động thỏa đáng hơn hết. Chứ không chỉ là cơn phản ứng lại.
3. Những cách đơn giản không ngờ khiến bạn bình tĩnh hơn
- Trân trọng những gì mình có
- Sống tích cực hơn
- Học cách hít thở chậm rãi
- Xác định mục tiêu của bản thân
*Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn “Sống sáng suốt”-Dean Cunningham/ Nguyễn Hoàng Yến Phương dịch