Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết chính quyền thành phố Panjin của Trung Quốc mới đây đã chính thức tiếp quản Liaoning Bora Enterprise, 1 nhà máy lọc dầu tư nhân đang gặp khó khăn. Liaoning Bora cũng đang bị điều tra về thuế, nhiều khả năng sẽ phải nhận án phạt nặng, thậm chí có thể sẽ phá sản.
Từ tháng này một nhóm quan chức địa phương đã được bổ nhiệm để điều hành công ty. Bora đang nỗ lực tái cấu trúc và ngăn chặn kịch bản sụp đổ trong lúc đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về tài chính mà chủ yếu là nợ thuế.
Thành phố ven biển Panjin mới đây đã trở thành điểm quan trọng trong chiến dịch trấn áp các công ty lọc dầu tư nhân của chính phủ Trung Quốc. Vài công ty đặt trụ sở ở Panjin đã bị buộc tội trốn, nợ thuế và vi phạm luật bảo vệ môi trường.
Từ năm 2015, Trung Quốc chủ trương phát triển các nhà máy lọc dầu tư nhân (nhóm này còn được biết đến với tên gọi teapot), mở cửa cho họ nhập dầu thô và cạnh tranh trực tiếp và giành giật thị phần với các tập đoàn dầu mỏ quốc gia khổng lồ. Sự trỗi dậy của nhóm teapot chính là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy làn sóng Trung Quốc gia tăng nhập khẩu dầu thô mạnh mẽ trong những năm sau đó.
Tuy nhiên tháng 4 vừa qua, chính phủ Trung Quốc lại thay đổi chính sách hoàn toàn. Các teapot bắt đầu bị điều tra vì nghi ngờ có hành vi trốn thuế và vi phạm luật môi trường. Hạn ngạch nhập khẩu dầu thô cũng bị cắt giảm.
Bora chính là một trong những công ty lọc dầu tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc với công suất hơn 20 triệu tấn mỗi năm. Nếu Bora sụp đổ, đây sẽ là một rủi ro tài chính rất lớn đối với thành phố Panjin và sẽ dẫn đến làn sóng một lượng lớn lao động bị sa thải. Tính đến cuối tháng 6, Bora có tài sản vào khoảng 92 tỷ nhân dân tệ (tương đương 14 tỷ USD), nợ 66 tỷ nhân dân tệ.
Ban điều hành lâm thời sẽ giúp Bora tìm kiếm nhà đầu tư và đảm bảo duy trì hoạt động cũng như bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tháng trước Bora đã đồng ý bán cổ phần tại mảng hóa dầu cho 1 công ty khác.
Các teapot chủ yếu tập trung ở các tỉnh ven biển phía Đông như Liêu Ninh và Sơn Đông. Họ đóng góp tới 25% tổng công suất lọc hóa dầu của Trung Quốc, trong đó rất nhiều nhà máy được vận hành bởi những công ty tư nhân giờ đã mở rộng sang cả các ngành như dệt may và nhựa.
Những năm gần đây, ngành lọc dầu – vốn được quản lý lỏng lẻo – lại trở thành tâm điểm chú ý vì có nhiều hành vi trái luật như sử dụng các lỗ hổng thuế để tăng lợi nhuận. Do đó Chính phủ Trung Quốc đã ráo riết siết chặt quản lý ngành này và đưa ra một loạt luật lệ mới.
Giới đầu tư quốc tế và các nhà cung ứng dầu mỏ đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến để đánh giá các biện pháp can thiệp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc.
Do các nhà máy thu hẹp hoạt động vì chiến dịch thanh lọc mà Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện, sản lượng lọc dầu của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng trở lại đây. Tháng trước sản lượng xử lý dầu thô hàng ngày giảm xuống mức dưới 14 thùng, thấp nhất kể từ tháng 5/2020.