Đập Tam Hiệp, một dự án thủy điện khổng lồ trên sông Dương Tử. Ảnh: AFP
Đập thủy điện Bạch Hạc Than. Ảnh: Global Times
Theo trang Bloomberg, từ những năm 1950, giới chức Trung Quốc đã đặt mục tiêu “chinh phục tự nhiên” bằng cách kiểm soát dòng chảy các con sông. Khi đó, nước này đã tiến hành xây dựng hàng loạt dự án đập lớn và nhỏ với tốc độ nhanh chóng để sản sinh ra điện, kiểm soát lũ lụt, cung cấp nước tưới cho đồng ruộng và nước sinh hoạt cho các thành phố. Tuy nhiên, chính sách này đang gây ra những tác động nghiêm trọng.
Nhiều công trình thủy điện tại Trung Quốc có quy mô quá nhỏ để sản xuất ra đủ lượng điện năng “có ý nghĩa”. Một số khác trở nên dư thừa khi các con sông chảy qua bị cạn nước, hồ chứa bị bồi lấp hoặc do việc xây dựng thủy điện cao hơn trên thượng nguồn.
Ông Wang Yongchen, sáng lập viên tổ chức phi chính phủ GEV có trụ sở tại Bắc Kinh, hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ sông ngòi, cho biết: “Trong một thời gian dài, mọi người nghĩ rằng thật lãng phí khi cứ để sông chảy qua trước mặt mà không làm gì”.
Ở vùng ngoại ô phía tây của Bắc Kinh, một trong những dự án thủy điện đầu tiên nổi tiếng nhất của quốc gia này sắp biến thành một địa điểm du lịch. Được xây dựng vào năm 1956, dự án 6.000 KW ở Thạch Cảnh Sơn, trung tâm công nghiệp cũ của Bắc Kinh, là trạm thủy điện tự động lớn đầu tiên được thiết kế và xây dựng độc lập. Đập thuỷ điện này được xây dựng trên một con kênh chuyển dòng của sông Vĩnh Định, nguồn nước uống chính của thủ đô cho đến khi trở nên nên quá ô nhiễm vào những năm 1990.
Tuy nhiên, dự án này dần ngừng phát điện, do hạn hán ngày càng trầm trọng ở phía bắc đất nước và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng đối ở các thị trấn và làng mạc ở thượng nguồn. Theo truyền thông địa phương, hơn 80 dự án thủy lợi đã được xây dựng chỉ riêng ở khu vực Bắc Kinh. Vào những năm 2010, con sông này cạn kiệt đã cạn kiệt nước trung bình 316 ngày/năm.
“Thời tiết ở Bắc Kinh đã thay đổi,” ông Jin Chengjian, 60 tuổi, người dân huyện Shijingshan cho biết. “Khi còn nhỏ, tôi thường bơi ở con kênh gần nhà ga. Bây giờ, nước ngày càng ít đi, càng ngày càng bẩn ”.
Tại làng Weizishui, cách 90 phút lái xe về phía thượng nguồn, một con đập bê tông cao 68m được hoàn thành vào năm 1980 để ngăn lũ. Phải mất sáu năm để hoàn thành nhưng chưa một lần hoạt động.
Quy mô của các công trình xây đập ở Trung Quốc là rất lớn. Tính đến cuối năm 2017, sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc, có đến hơn 24.000 trạm thủy điện trải dài ở 10 tỉnh thành. Ít nhất 930 trong số đó được xây dựng mà không có sự đánh giá cần thiết về tác động tới môi trường.
Trên khắp Trung Quốc, nhiều công trình đập thủy điện cũ kỹ đang gây ra mối nguy hiểm nhất định, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc, có 3.515 hồ chứa tại nước này đã vỡ từ năm 1951 tới 2011. Trong đó, con đập Bản Kiều nổi tiếng ở tỉnh Hà Nam, cùng với 61 đập khác, đã bị vỡ sau 6 giờ xả lũ vào tháng 8/1975, khiến 240.000 người thiệt mạng.
Các đợt mưa lũ nghiêm trọng trong thời gian qua cũng làm dấy lên câu hỏi về tính hiệu quả của những con đập thủy điện cũ kỹ ở Trung Quốc. Đầu năm nay, mưa lớn đã làm vỡ 2 con đập ở Nội Mông. Tại Hà Nam hồi tháng trước, mưa lũ làm trên 300 người chết trong khi giới chức cảnh báo đập Yihelan có thể “vỡ bất cứ lúc nào”.
Các đập lớn và hồ chứa cũng ngày càng hủy hoại môi trường. Chúng làm thay đổi dòng chảy của các con sông, phá huỷ môi trường sống và làm gián đoạn quá trình di cư và sinh sản của cá. Kể từ khi đập Tam Hiệp hùng vĩ được hoàn thành trên sông Dương Tử vào năm 2006 sau hai thập kỷ xây dựng, một số hồ ở hạ lưu cũng đã bị thu hẹp đáng kể hoặc biến mất.
Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục xây dựng các dự án thủy điện quy mô lớn, bao gồm dự án thuỷ điện Bạch Hạc Than có công suất 16 GW. Tuy nhiên, chính phủ cho biết họ muốn dừng việc phát triển các thủy điện quy mô nhỏ hơn. Năm 2016, Trung Quốc cho biết sẽ “kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng các trạm thủy điện nhỏ để bảo vệ môi trường”. Năm 2018, sau Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm núi Tần Lĩnh và sông Dương Tử, ông đã kêu gọi hoạt động bảo vệ môi trường hiệu quả hơn. Một chiến dịch cấp quốc gia đã được phát động ngay sau đó nhằm loại bỏ và nâng cấp 40.000 đập thủy điện nhỏ.
Ông Ma Jun, Giám đốc Viện Các vấn đề Công cộng và Môi trường cho biết: “Các con sông đang bị khai thác quá mức sau nhiều thập kỷ xây dựng mà không có quy hoạch rõ ràng”.
Mặt khác, những ý kiến ủng hộ thủy điện lại cho rằng Trung Quốc cần nhiều thủy điện hơn, chứ không phải là ít đi, để giúp quốc gia này bớt phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Ông Zhang Boting, Phó tổng thư ký Hiệp hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc, cho rằng nước này cần phải bỏ các dự án điện than trước, chứ không phải là dự án thủy điện có thể giúp Trung Quốc đạt mục tiêu "trung hòa carbon".
Một vấn đề khác là ai sẽ chi ngân sách để loại bỏ các dự án thuỷ điện không cần thiết này. Đóng cửa một nhà máy thủy điện là một chuyện, nhưng việc phá bỏ một con đập là điều không hề dễ dàng, đặc biệt những công trình này là một dự án kỹ thuật lớn, có kết cấu bê tông phức tạp và tiềm ẩn mối nguy hiểm nhất định.
Huyện Chu Chí, tỉnh Thiểm Tây, phía bắc Trung Quốc, đã nợ một công ty thầu phá bỏ 3 trạm thuỷ điện hơn 100 triệu nhân dân tệ . Tuy nhiên, doanh thu của huyện này trong nửa đầu năm 2020 chỉ có 135 triệu nhân dân tệ. Huyện vẫn còn 26 nhà máy thuỷ điện cần phá bỏ. Ở nhiều nơi, do chi phí phá dỡ đắt đỏ, giới chức chỉ có thể quyết định phá dỡ các tuabin thuỷ điện và các con đập vẫn tồn tại.
“Trung Quốc được hưởng lợi rất nhiều từ các dự án bảo tồn nước trong nhiều thập kỷ. Nhưng có lẽ, đã đến lúc họ phải trả lại bằng việc phục hồi môi trường”, nhà môi trường học Ma nói.