Công ty đóng tàu Nga mở văn phòng tại Cam Ranh

Tuấn Hưng |

Hãng TASS dẫn nguồn tin từ Trung tâm kỹ thuật đóng và sửa chữa tàu SSTC ở St.Petersburg (Nga) cho biết sẽ mở văn phòng đại diện tại Cam Ranh, Việt Nam.

Thông tin này được đích thân Giám đốc bộ phận kinh tế đối ngoại của SSTC Alexey Losev cho biết. "SSTC đang được liên kết bằng các mối quan hệ hợp tác lâu dài và tốt đẹp với Việt Nam.

SSTC đã tham gia vào việc phát triển các cơ sở hạ tầng căn cứ tàu ngầm ở miền Trung Việt Nam cùng dự án hợp tác Việt-Nga trong việc xây dựng nhà máy sửa chữa tàu X-52", ông Alexey Losev cho biết.

Công ty đóng tàu Nga mở văn phòng tại Cam Ranh  - Ảnh 1.

Tàu hộ vệ Gepard 3.9 và tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam do Nga sản xuất.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên người đại diện của SSTC đưa ra thông diệp về sự hợp tác này. Hồi tháng 7/2015, cũng vị đại diện này nói với tờ FlotRrom rằng, SSTC đã phác thảo một dự án xây dựng một nhà máy sửa chữa và đóng tàu đặt ở cảng Cam Ranh của Việt Nam.

Theo ông Losev, phía Việt Nam đã tiến hành việc xây dựng dự án, và trong tương lai gần, phía Nga sẽ bắt đầu chuyển giao các máy móc và thiết bị để cần thiết nhà máy có thể hoạt động sửa chữa tàu thuyền dân sự và quân sự.

Hồi năm 2013, truyền thông Nga từng đăng tải thông tin cho rằng Việt Nam sẽ thành lập trung tâm dịch vụ phục vụ tàu thuyền nước ngoài ở Cam Ranh.

Khi đó, Phó Tổng giám đốc Trung tâm sửa chữa tàu Zvezdochka từng cho biết rằng, Việt Nam đã đặt chỉ tiêu sẽ hoàn thành trung tâm sửa chữa tàu mua từ Nga tại Vịnh Cam Ranh vào năm 2015.

Cơ sở này sẽ sửa chữa và bảo dưỡng “toàn bộ tàu nổi và tàu ngầm do Liên Xô và Nga cung cấp (cho Việt Nam)”, Ông Yevgeny Shustikov được hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn lời nói.

Trong những năm qua, Việt Nam đã mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo, 4 tàu tên lửa Gepard và một số tàu tên lửa Molniya và tàu pháo Svetlyak. Quân cảng Cam Ranh là nơi Liên Xô từng đặt căn cứ hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương từ năm 1979.

Tuy nhiên hoạt động của hải quân Nga dần dần bị thu nhỏ cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và năm 2002, trước khi thỏa thuận thuê Cam Ranh hết hiệu lực, Nga đã rút hoàn toàn khỏi nơi đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại