Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng, một ICBM mang đầu đạn giả đã được phóng lúc 8h44 sáng theo giờ Bắc Kinh và rơi xuống một khu vực được chỉ định trên vùng biển quốc tế của Thái Bình Dương, nhưng không nêu rõ đường bay hoặc địa điểm rơi xuống của tên lửa.
Theo bộ này, vụ phóng do Lực lượng Tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thực hiện là một phần trong chương trình huấn luyện thường niên của lực lượng này và không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu nào.
"Chính sách hạt nhân của Trung Quốc rất ổn định, nhất quán và có thể dự đoán được", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Zhang Xiaogang phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
"Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước và theo đuổi chiến lược hạt nhân để tự vệ", ông nói.
Ông Zhang cho biết, Trung Quốc không tìm kiếm "cuộc chạy đua vũ trang" và đã "cam kết không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không có vũ khí hạt nhân hoặc các khu vực không có vũ khí".
"Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì năng lực hạt nhân ở mức tối thiểu cần thiết cho an ninh quốc gia", ông nói.
Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đã nhận được "một vài thông báo trước" về cuộc thử nghiệm từ Bắc Kinh, gọi đây là "một bước đi đúng hướng... để ngăn chặn mọi hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm".
CNN đưa tin, vụ phóng hôm 25/9 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc thử nghiệm ICBM trên Thái Bình Dương sau hơn bốn thập kỷ.
Vào năm 1980, Trung Quốc đã thử nghiệm ICBM đầu tiên của mình, DF-5, phóng vào Nam Thái Bình Dương từ Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan ở phía tây bắc Trung Quốc, bay qua khoảng cách hơn 8.000 km.
Theo CNN, Trung Quốc đã âm thầm tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm ICBM kể từ đó, chủ yếu là trên lãnh thổ của mình, với nhiều cuộc phóng tên lửa xuống sa mạc ở vùng cực tây Tân Cương.
Vào tháng 12/2013, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã được hỏi tại một cuộc họp báo thường kỳ về một cuộc thử nghiệm ICBM được phóng từ tàu ngầm ở Biển Bột Hải - một vùng biển nội địa ngoài khơi bờ biển đông bắc Trung Quốc.
"Việc Trung Quốc tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu khoa học trong lãnh thổ của mình theo kế hoạch là điều bình thường", phát ngôn viên trả lời.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc và truyền thông nước này đã công bố rất ít chi tiết về cuộc thử nghiệm hôm 25/9, bao gồm cả loại ICBM được phóng.
Theo CNN, ICBM mới nhất của Trung Quốc, được biết đến là DF-41, ước tính có tầm bắn từ 12.000 đến 15.000 km và có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.
‘Một tín hiệu mạnh mẽ’
Các nhà phân tích nhận định rằng, thông báo hiếm hoi của Trung Quốc về cuộc thử nghiệm này nhằm mục đích cảnh báo Mỹ và các đồng minh của nước này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở các vùng biển xung quanh, từ Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan đến Biển Đông.
Leif-Eric Easley - giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha (Hàn Quốc) - cho biết, cuộc thử nghiệm của Bắc Kinh là một thông điệp gửi đến Washington rằng “can thiệp trực tiếp vào một cuộc xung đột trên Eo biển Đài Loan sẽ khiến nước Mỹ dễ bị tấn công”.
“Đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Á, cuộc thử nghiệm khiêu khích của Trung Quốc, được tiến hành trong các cuộc tập trận quân sự khu vực mở rộng của nước này, chứng minh khả năng chiến đấu trên nhiều mặt trận cùng lúc của nước này”, Easley nói thêm.
Drew Thompson - thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) - cho biết, thời điểm diễn ra cuộc thử nghiệm công khai có lẽ là rất quan trọng.
“Trung Quốc phóng rất nhiều tên lửa. Họ không công bố nhiều. Thật thú vị khi họ lại chọn thời điểm này”, Thompson nói.
CNN đưa tin, cuộc thử nghiệm công khai diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có lập trường quyết đoán hơn trong khu vực.
Trong những tuần qua, Nhật Bản đã phản đối mạnh mẽ các cuộc xâm nhập của máy bay quân sự Trung Quốc và Nga vào không phận của nước này; tàu thuyền Trung Quốc và Philippines đã va chạm nhiều lần gần một điểm nóng nguy hiểm mới; và Đài Loan (Trung Quốc) cho biết Bắc Kinh gần đây đã bắn tên lửa liên tục và tiến hành các cuộc tập trận quân sự khác gần hòn đảo này.
"Đây là một tuyên bố khá gay gắt khi phóng một tên lửa đạn đạo vào Thái Bình Dương vào thời điểm này khi Trung Quốc đang xung đột với nhiều láng giềng", Thompson nói. "Vụ phóng này là một tín hiệu mạnh mẽ nhằm đe dọa tất cả."
Một câu hỏi quan trọng khác là Trung Quốc đã thông báo cho những quốc gia nào trước vụ phóng, Thompson nói.
"Có một chuẩn mực toàn cầu lâu đời là thông báo cho các quốc gia khi một số tên lửa đạn đạo tầm xa được phóng để ngăn ngừa nguy cơ tính toán sai lầm", ông nói. "Trung Quốc không tham gia bất kỳ thỏa thuận nào ngoài thỏa thuận song phương với Nga."
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi trả lời các phóng viên hôm 25/9 rằng, Tokyo không được Bắc Kinh báo trước khi phóng tên lửa, và tên lửa này không bay qua không phận Nhật Bản.
Cảnh sát biển Nhật Bản nói với CNN rằng, Trung Quốc đã cho biết vào ngày 23/9 rằng "rác thải vũ trụ" sẽ rơi vào ba khu vực - hai địa điểm ngoài khơi đảo Luzon của Philippines và một địa điểm khác ở Nam Thái Bình Dương - từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa ngày 25/9.
Theo CNN, trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã thống nhất sẽ thông báo cho nhau về các vụ phóng tên lửa đạn đạo vượt ra ngoài lãnh thổ của họ và đã gia hạn hiệp ước này vào năm 2000.
Năm 2009, Trung Quốc và Nga đã ký một thỏa thuận thông báo cho nhau về các vụ phóng tên lửa đạn đạo sắp xảy ra. Hai bên đã gia hạn thỏa thuận thêm một thập kỷ nữa sau khi nó hết hạn vào năm 2020.
Trung Quốc tăng cường quân sự
CNN đưa tin, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh hạt nhân và cải tổ Lực lượng Tên lửa của PLA - một nhánh tinh nhuệ quản lý kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đang mở rộng nhanh chóng của nước này.
Trong vài năm qua, các bức ảnh vệ tinh đã cho thấy những công trình kiến trúc có vẻ như là hàng trăm hầm chứa ICBM trên các sa mạc của Trung Quốc; và Bộ Quốc phòng Mỹ đang dự đoán sự gia tăng theo cấp số nhân về số lượng đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của Bắc Kinh trong một thập kỷ tới.
Lầu Năm Góc cho biết trong báo cáo thường niên về quân đội Trung Quốc vào năm ngoái rằng, Bắc Kinh đã nắm giữ hơn 500 đầu đạn hạt nhân “sẵn sàng hoạt động” tính đến năm 2023 và có thể sẽ có hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030.