Sự cố ông Biden lộ "phát ngôn kín": Đối thủ lớn ở Châu Á-Thái Bình Dương buộc Trung Quốc vào thế thủ

Hữu Hiển |

Theo các nhà phân tích Trung Quốc, nhóm Quad đang đóng "vai trò có hại là kích động đối đầu và kích động căng thẳng địa chính trị ở Châu Á - Thái Bình Dương".

Tờ Asia Times (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin, trong tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lần cuối cùng đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ (Quad) lần thứ tư với sự tham dự của Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại tiểu bang Delaware - quê nhà của ông Biden.

Sự cố ông Biden lộ "phát ngôn kín": Đối thủ lớn ở Châu Á-Thái Bình Dương buộc Trung Quốc vào thế thủ - Ảnh 1.

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ (Quad) lần thứ tư diễn ra vào ngày 21/9 có sự tham dự của Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và lãnh đạo nước chủ nhà - Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Ông Biden cáo buộc Trung Quốc hành xử hung hăng

Theo Asia Times, nhà lãnh đạo Mỹ đã tập trung vào việc thể chế hóa hợp tác và các mối đe dọa được cho là do Trung Quốc gây ra. Phát ngôn của ông Biden về Trung Quốc trong cuộc họp kín hôm 21/9 của các lãnh đạo Quad đã vô tình bị lộ tiếng qua micro.

“Trung Quốc tiếp tục hành xử hung hăng, thách thức chúng ta trên khắp khu vực, và điều đó đúng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Nam Trung Quốc, Nam Á và Eo biển Đài Loan”, ông Biden nói với các nhà lãnh đạo Quad khác. 

“Ít nhất là theo quan điểm của chúng tôi, chúng tôi tin rằng [Chủ tịch Trung Quốc] Tập Cận Bình đang tìm cách tập trung vào các thách thức kinh tế trong nước và giảm thiểu sự hỗn loạn trong các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc, và ông ấy cũng đang tìm kiếm cho mình một số không gian ngoại giao, theo quan điểm của tôi, để mạnh mẽ theo đuổi lợi ích của Trung Quốc”, ông Biden phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh.

Theo Asia Times, mặc dù bản tuyên bố chung của các lãnh đạo Quad sau đó có sự tiết chế hơn, nhưng 4 lãnh đạo đã công bố một loạt các sáng kiến mới với trọng tâm ngày càng tăng là phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, an ninh mạng, chất bán dẫn và quan trọng nhất là an ninh hàng hải.

Đặc biệt, Quad công bố các hoạt động chung đầu tiên của lực lượng bảo vệ bờ biển vào năm 2025, bất kể ai sẽ tiếp quản Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tháng 11 và cam kết sẽ tăng cường phối hợp hậu cần quân sự bằng cách mở rộng Quan hệ đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về Nhận thức trong lĩnh vực hàng hải (IPMDA) trước đó.

Dù các lãnh đạo Quad cố gắng mô tả sự kiện này như một cuộc họp toàn diện và mang tính xây dựng hơn, Bắc Kinh đã nhanh chóng chỉ trích các khía cạnh của cuộc họp.

Ấn phẩm nhà nước Trung Quốc Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) đã nỗ lực phủ nhận Quad khi cho rằng nhóm này quá "lỏng lẻo" và không chính thức để tạo ra bất kỳ tác động nào đến cán cân quyền lực toàn cầu và khu vực.

Đồng thời, tờ này cũng đưa tin về các chuyên gia Trung Quốc cáo buộc Quad kích động "đối đầu khối" và áp dụng tư duy theo kiểu Chiến tranh Lạnh gây tổn hại đến an ninh khu vực ở Châu Á.

Trong một cuộc họp báo hồi đầu năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian nói rằng 4 thành viên Quad "gây hoang mang, kích động sự đối kháng và đối đầu, và kìm hãm sự phát triển của các quốc gia khác".

Sự cố ông Biden lộ "phát ngôn kín": Đối thủ lớn ở Châu Á-Thái Bình Dương buộc Trung Quốc vào thế thủ - Ảnh 2.

Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho rằng Quad quá "lỏng lẻo" và không chính thức để tạo ra bất kỳ tác động nào đến cán cân quyền lực toàn cầu và khu vực. Ảnh: Reuters

Quad quan ngại tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông

Theo Asia Times, Trung Quốc dường như đặc biệt tức giận trước sự tập trung ngày càng tăng của Quad vào an ninh hàng hải và những lời chỉ trích gia tăng của nhóm này đối với các động thái của Bắc Kinh ở vùng biển lân cận.

Trong một thông điệp được cho là chỉ trích ngầm nhằm vào Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đã nêu lên "mối quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông".

Đặc biệt, Mỹ và các đồng minh lo ngại về "trạng thái bình thường mới" nguy hiểm khi các vụ đụng độ và suýt đụng độ xảy ra liên tục giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông trong những tháng gần đây.

Asia Times đưa tin, mặc dù không phải là quốc gia có yêu sách trong khu vực cũng như không phải là đồng minh theo hiệp ước của Mỹ, Ấn Độ đã tham gia nhiều hơn vào các tranh chấp hàng hải ở đó bằng cách công khai đứng về phía Philippines và trang bị cho nước này các hệ thống vũ khí hiện đại, bao gồm cả tên lửa siêu thanh BrahMos mạnh mẽ.

Đối với Nhật Bản, nước này có tranh chấp lâu năm với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Quan trọng hơn, Tokyo cũng đang mở rộng hợp tác an ninh với Manila - gần đây nhất là bằng cách ký Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ (RAA) với trọng tâm ngày càng tăng là các tình huống bất ngờ ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Đối với Úc, đây là đồng minh theo hiệp ước của Mỹ với sự hợp tác an ninh chặt chẽ với cả Nhật Bản và Philippines theo Thỏa thuận về Quy chế Lực lượng (SOFA). Cả Nhật Bản và Úc cũng đã tham gia vào các cuộc tuần tra hải quân bốn bên gần đây cùng với Philippines và Mỹ ở Biển Đông.

Nhưng theo Asia Times, tình hình leo thang đặc biệt đáng báo động đối với Mỹ - quốc gia có Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) với Philippines mà nhiều người lo ngại có thể sớm bị thử thách trước Trung Quốc.

Sau nhiều lần suýt đụng độ và đụng độ trực tiếp giữa lực lượng hải quân Trung Quốc và Philippines trong những tháng gần đây, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM) đã lần đầu tiên đề nghị hỗ trợ trực tiếp trong các nhiệm vụ tiếp tế chung với Philippines cho các thực thể đang tranh chấp trên Biển Đông.

Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn theo đuổi nghiêm ngặt các chiến thuật vùng xám phi sát thương, bao gồm cả việc thường xuyên đâm va và phun vòi rồng vào các tàu nhỏ hơn của Philippines. Bất kỳ "cuộc tấn công vũ trang" nào nhằm vào quân đội hoặc tàu thuyền của Philippines đều tự động kích hoạt sự can thiệp quân sự của Mỹ theo hiệp ước phòng thủ chung.

Sự cố ông Biden lộ "phát ngôn kín": Đối thủ lớn ở Châu Á-Thái Bình Dương buộc Trung Quốc vào thế thủ - Ảnh 4.

Khu trục hạm lớp Arleigh Burke có tên lửa dẫn đường USS Rafael Peralta (DDG 115) của Mỹ tiến hành diễn tập tiếp tế thẳng đứng trên biển khi đi qua Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ

Đối thủ thực sự của Trung Quốc

Asia Times đưa tin, theo quan điểm của Bắc Kinh, đối thủ thực sự của họ không phải là các quốc gia có yêu sách nhỏ hơn như Philippines – nước có hạm đội tàu chiến hiện đại nhưng hạn chế, mà là Mỹ và nhóm Quad lớn mạnh hơn.

Trung Quốc tin rằng họ đang phải đối mặt với một chiến lược "kiềm tỏa" do Washington dàn dựng cùng với một mạng lưới các đồng minh hiệp ước khu vực và các đối tác chiến lược, đáng chú ý nhất là Ấn Độ.

Theo các nhà phân tích Trung Quốc, Quad đang đóng "vai trò có hại là kích động đối đầu và kích động căng thẳng địa chính trị ở Châu Á - Thái Bình Dương".

"'Nhắm mục tiêu vào Trung Quốc' không chỉ ở cấp độ chiến lược mà còn liên quan đến các sắp xếp chiến thuật và kế hoạch cụ thể", Ding Duo - Phó giám đốc Viện Luật và Chính sách Hàng hải tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông - nói với tờ Global Times.

Giáo sư Li Haidong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ (CFAU) thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, nói với Global Times rằng nhóm Quad "do Mỹ lãnh đạo và đóng vai trò là một công cụ chiến lược để hậu thuẫn cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu".

Theo Asia Times, ngay cả các quan chức Trung Quốc cũng đưa ra những phát ngôn gay gắt tương tự đối với Quad, phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng ở Bắc Kinh về cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" với phương Tây.

“[Quad] đi ngược lại xu hướng chủ đạo là theo đuổi hòa bình, phát triển, hợp tác và thịnh vượng ở Châu Á - Thái Bình Dương và sẽ không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian phát biểu tại một cuộc họp báo đầu năm nay.

Trung Quốc “kiên quyết phản đối cuộc đối đầu giữa các khối mà họ [Quad] kích động dưới danh nghĩa ‘chống cưỡng ép’, và việc áp đặt các quy tắc nội bộ của họ dưới danh nghĩa duy trì trật tự”, ông Lin tuyên bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại