Quan hệ với Nga ngày càng nồng ấm, thái độ của Triều Tiên với Trung Quốc có gì khác?

Hữu Hiển |

Chủ tịch Triều TIên Kim Jong Un vừa gửi lời chúc đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với ngôn từ được cho là có phần "tiết chế".

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA hôm 22/9 đưa tin, Chủ tịch Kim Jong Un chúc "người dân Trung Quốc thành công hơn nữa trong việc xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại", trong thông điệp đáp lời chúc mừng nhân kỷ niệm 76 năm Quốc khánh Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó.

Quan hệ Triều Tiên và Trung Quốc thay đổi thế nào khi Nga ngày càng thân thiết? - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫy tay chào người dân trên một con phố ở Bình Nhưỡng trong chuyến thăm Triều Tiên vào tháng 6/2019 của ông Tập. Ảnh: KCNA

Dịch vụ chuyên biệt NK Pro có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc) đánh giá, thông điệp dài 190 từ này không dùng nhiều ngôn từ hoa mỹ, vốn thường xuyên xuất hiện trong các cuộc trao đổi qua lại giữa lãnh đạo Trung-Triều, nhưng đã giảm đáng kể trong năm nay.

NK Pro lưu ý rằng, KCNA từng 3 lần đề cập đến các cuộc trao đổi qua lại giữa hai ông Tập và Kim trong năm nay, so với 10 lần vào năm 2023.

Người sáng lập NK Pro Chad O'Carroll đã viết trong bản phân tích rằng, các từ ngữ dùng để mô tả về mối quan hệ song phương "ít hào hứng hơn". Ngôn ngữ tiết chế hơn trong các thông điệp năm nay so với năm 2023 "cho thấy khoảng cách rõ rệt trong mối quan hệ cá nhân từng nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo".

NK Pro cho biết, Triều Tiên thường sử dụng phép so sánh rằng mối quan hệ của họ với Trung Quốc gần gũi như "môi với răng". Các phương tiện truyền thông chính thức của Triều Tiên cũng thường nói về "lòng tin sâu sắc và tình cảm thân thiện đối với người dân Trung Quốc anh em".

Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất của Triều Tiên trong phần lớn thời gian sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cung cấp viện trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tăng cường trao đổi với Nga trong năm nay. Mỹ và các đồng minh cho rằng điều này dẫn đến hoạt động chuyển giao vũ khí gia tăng, với việc Bình Nhưỡng gửi hàng triệu quả đạn pháo và tên lửa đạn đạo tới Nga để hỗ trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine. Đổi lại, Nga đã gửi viện trợ hỗ trợ nền kinh tế Triều Tiên và giúp Triều Tiền thúc đẩy các chương trình phát triển vũ khí.

Bình Nhưỡng và Moscow bác bỏ các cáo buộc kể trên.

Chỉ riêng đạn pháo mà Triều Tiên cung cấp cho Nga có thể trị giá lên tới hàng tỷ USD, và viện trợ từ Nga có thể là động lực lớn nhất cho nền kinh tế Triều Tiên kể từ khi ông Kim lên nắm quyền.

Vào giữa tháng này, Nga đã cử Thư ký Hội đồng An ninh Sergei Shoigu đến Bình Nhưỡng để đối thoại với ông Kim. Sau đó, Triều Tiên cũng cử Bộ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui đến Nga trong chuyến công du nước ngoài hiếm hoi, và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.

Quan hệ Triều Tiên và Trung Quốc thay đổi thế nào khi Nga ngày càng thân thiết? - Ảnh 2.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu vào ngày 13/9/2024. Ảnh: KCNA

Hồi tháng 6, ông Kim đã tiếp đón Tổng thống Putin trong chuyến thăm Bình Nhưỡng đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga sau hơn 20 năm. Tại đó, hai bên đã đạt được thỏa thuận hỗ trợ lẫn nhau nếu bị tấn công. Chủ tịch Triều Tiên cũng cam kết "ủng hộ vô điều kiện" Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.

Hãng tin Reuters mới đây dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân sự Ukraine (GUR) Kyrylo Budanov nói, viện trợ quân sự của Triều Tiên cho Nga khiến Ukraine lo ngại hơn so với những hỗ trợ mà các đồng minh khác của Nga đã cung cấp.

"Họ (Triều Tiên) cung cấp một lượng lớn đạn pháo, điều này rất quan trọng đối với Nga", ông Budanov nói hôm 14/9, cho rằng những đợt giao hàng như vậy làm gia tăng các cuộc giao tranh trên chiến trường, khi cuộc xung đột tại Ukraine đã bước sang năm thứ ba.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại