Công chức tố cáo bị xử lý vì 'vạch áo cho người xem lưng'

Hoài Vũ |

ĐBQH nêu thực tế có cán bộ công chức bị xử lý vì 'vạch áo cho người xem lưng', không 'đóng cửa bảo nhau' làm ảnh hưởng đến cơ quan.

Đó là thực tế được ĐB Mai Sỹ Diến - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá đưa ra khi thảo luận Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) chiều 23/11.

Ông Diến cho rằng, vừa qua, một số công chức, viên chức, người dân mạnh dạn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, nhưng tố cáo xong, được xem xét xử lý thì người tố cáo bị họ hàng tẩy chay, công chức, viên chức tố cáo thì xin chuyển công tác; có công chức tố cáo đúng nhưng bị kiểm điểm, xử lý và áp dụng hình thức tăng nặng với lý do biết nội dung vi phạm nhưng trong sinh hoạt hàng tháng không phê bình góp ý cho tổ chức, cá nhân và đồng chí mình theo quy định để sửa chữa, ngăn chặn.

"Điều này bị lợi dụng để xử lý người tố cáo là công chức, viên chức triệt để vì cái tội "vạch áo cho người xem lưng", "trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường", không "đóng cửa bảo nhau" làm ảnh hưởng đến cơ quan, làm tốn tiền công quỹ tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra", ông Diến nêu thực tế và cho rằng những điều này khiến nhiều người không dám thực hiện tố cáo.

Vì vậy, việc quy trách nhiệm của người tố cáo, ông Diến đề nghị điều chỉnh "mềm" hơn để người tố cáo mạnh dạn thực hiện quyền theo pháp luật quy định.

"Bản chất của tố cáo là chỉ ra dấu hiệu vi phạm của tổ chức, cơ quan, cá nhân thực hiện nhiệm vụ, công vụ để cơ quan chức năng xem xét xử lý khắc phục.

Người đi tố cáo phải bỏ công sức, tiền của cá nhân đi theo dõi, giám sát đi tố cáo và có việc đúng, việc không đúng. Đây là việc cần thiết vì giám sát, thanh tra kiểm tra của các cơ quan cũng là để phát hiện dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý, khắc phục" – ông Diến nói.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thì cho rằng, dù Dự thảo Luật đã quy định người bị tố cáo được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi chưa có kết luận của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, nhưng biện pháp này vẫn chưa đủ, bởi thực tiễn đến kỳ bầu cử, kỳ đại hội hay bổ nhiệm cán bộ, do động cơ "không thích thì đạp đổ", nhiều người tố cáo viết đơn thư nặc danh làm hại người ta, đây là thực tế Quốc hội cần cân nhắc bảo vệ.

Khi đã có cơ chế bảo vệ cho người bị tố cáo, Giám đốc Công an Nghệ An cho rằng cần có sự bình đẳng cho cả người tố cáo. Vì xét dưới góc độ xã hội, tố cáo có nhiều điểm tích cực trong đấu tranh chống lại cái xấu, tiêu cực, góp phần không nhỏ vào xây dựng chính quyền Nhà nước.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại