Quy định "luật sư phải tố cáo thân chủ" xung đột với nhiều điều luật khác

Nguyễn Tuân |

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đang là dự án luật gây tranh cãi nhất tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV tính đến thời điểm này, trong đó có Điều 19 về không tố giác tội phạm.

Điều 19 quy định người bào chữa cho bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 BLHS.

Bình luận về điều này, PGS -TS. Võ Trí Hảo – Phó Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra một loạt vấn đề.

Theo ông, Ban soạn thảo đã không nhận thức đầy đủ về nhà nước pháp quyền cũng như không nhận thức đầy đủ về nhân quyền không thể bị tước đoạt bởi lợi ích hay ý muốn của số đông.

“Hình dung chiếc xe bus bị mất phanh trong khi xuống đèo Hải Vân. Bên phải là biển, bên trái là quán nước chè của cụ già 80 tuổi.

Không thể vì lợi ích của số đông (50 thanh niên trên xe bus) pháp luật lại cho phép lái xe tông chết cụ già, tránh cho xe rơi xuống biển.

Việc giữ cho xe không rơi xuống biển là việc của lái xe, không thể đẩy nghĩa vụ đó sang cho cụ già hành hành nghề bán nước chè bên đường,” PGS-TS. Võ Trí Hảo lấy ví dụ.

Ví dụ tương tự cũng đã được Michael Sandel, tác giả cuốn “Justice, what’s the right thing to do” (Phía trái đúng sai) bàn luận trong cuốn sách này.

Đó là khi người điều khiển chiếc xe điện đứt phanh lao nhanh trên đường ray mà không thể dừng. Trong khi phía trước có 5 công nhân đang làm việc trên đường ray, bên phải có 1 công nhân đang làm việc trên đường tay.

Nếu bẻ lái sang phải sẽ cứu được mạng sống của 5 công nhân nhưng lại tước đi mạng sống của 1 công nhân.

PGS-TS. Võ Trí Hảo cho rằng khi không nhận thức đầy đủ về bản chất hành pháp của chức năng công tố của Viện Kiểm sát, ban soạn thảo đã thảo ra một điều luật tước đi vũ khí của "luật sư gỡ tội" để công việc của "luật sư buộc tội" được nhàn nhã, khách hàng của "luật sư buộc tội" là cơ quan hành pháp được an toàn.

Thậm chí, thiếu hiểu biết về vị thế của luật sư gần như đồng nhất với vị thế của bị can, bị cáo, bị đơn, dẫn đến vô hình trung tước đi quyền im lặng của bị cáo, thông qua việc trừng phạt luật sư không tố cáo.

Xây dựng nhà nước pháp quyền mà không dựa vào "nhà nước của dân, do dân, vì dân" và nhà nước pháp quyền ở Điều 2, “quyền con người" ở Điều 14 Hiến pháp 2013 sẽ đưa xã hội đến chỗ bất an. Do đó, PGS-TS. Võ Trí Hảo cho rằng Dự thảo BLHS 2015 tiềm ẩn vi hiến.

Tại Hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự sáng 27/05, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng quy định tại Điều 19 của dự thảo Luật là xung đột với Điều 9 của Luật luật sư trong việc tố giác thân chủ của luật sư.

Trường hợp, luật sư tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời luật sư nữa hay không, xã hội có tẩy chay nghề luật sư, nghề luật sư có điều kiện tồn tại hay không khi niềm tin của khách hàng và xã hội vào nghề luật sư có nguy cơ sẽ mất dần và thui chột.

LS Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh, luật sư không những bảo vệ quyền lợi cho khách hàng mà còn góp phần bảo vệ công lý bảo vệ pháp chế, thông qua việc bào chữa cho thân chủ nhằm tạo lập niềm tin của khách hàng và lan tỏa ra toàn xã hội về công lý, công bằng.

Tuy nhiên với trách nhiệm của công dân, người luật sư khi biết thân chủ của mình chuẩn bị thực hiện tội phạm, ví dụ luật sư thấy thân chủ chuẩn bị thực hiện việc khủng bố hoặc tham gia kế hoạch khủng bố, đặt bom ở đâu đó sẽ gây thiệt hại cho cộng đồng xã hội và Nhà nước thì trong trường hợp đó luật sư phải có trách nhiệm tố giác tội phạm và phải thông báo, xác lập quan hệ rõ ràng với thân chủ.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến - TP. Hà Nội, khoản 3 Điều 19 quy định theo hướng luật sư phải tố giác tội phạm là thân chủ của mình đối với những tội đã thực hiện, tham gia thực hiện quy định này xung đột, mâu thuẫn và không phù hợp với nguyên tắc lập pháp.

Cụ thể, quy định này xung đột với điều 9 Luật luật sư và Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án về người bị buộc tội mà mình bào chữa.

Đồng thời, xét quy trình tố tụng trên thực tế hiện nay thì tính khả thi của Điều 19 cũng không bảo đảm.

Do còn ý kiến khác nhau nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần trao đổi, thảo luận thêm với Liên đoàn luật sư để sớm thống nhất về quy định này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại