Công bố phương án xử lý 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu

Trà Phương |

Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm cuối năm 2016 là hơn 16.000 tỉ đồng.

Chiều ngày 28-4, Bộ Công Thương đã công bố một số thông tin về 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Theo đó, trong số 12 dự án, tới thời điểm hiện nay, có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Vinachem (nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và DAP số 2 - Lào Cai); đóng tàu Dung Quất; Nhà máy thép Việt Trung);

3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam); 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ - PVTex).

Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là hơn 43.000 tỉ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên hơn 63.000 tỉ đồng (tăng 45,65%). Trong đó tổng số vốn vay các ngân hàng trong nước hơn 41.000 tỉ đồng, trong đó vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là 16.800 tỉ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.600 tỉ đồng.

Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm cuối năm 2016 là hơn 16.000 tỉ đồng.Tổng nợ phải trả là 55.000 tỉ đồng.

Hiện Bộ Công Thương đã có báo cáo chi tiết từng dự án gửi Thủ tướng xem xét, trình Bộ Chính trị.

Cụ thể, đối với 4 dự án phân bón, phương án xử lý là tiếp tục tập trung thực hiện xử lý các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các giải pháp liên quan tới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các Dự án.

Sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp (dự kiến sau năm 2018). Riêng dự án Đạm Ninh Bình phải tiến hành xử lý dứt điểm tranh chấp vướng mắc đối với hợp đồng EPC.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn chuyển nhượng/thoái vốn.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện phương án, cần phải thực hiện các công việc tính toán khởi động lại nhà máy; Xử lý dứt điểm các vướng mắc với nhà thầu EPC về hạng mục xử lý nước thải để hoàn thành việc quyết toán Dự án đầu tư xây dựng nhà máy; Thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu sinh học thông qua các cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ (PVOil làm chủ đầu tư), Bộ Công Thương đưa ra 4 phương án, gồm tiếp tục triển khai dự án với nhà thầu Tổng công ty xây lắp dầu khí – PVC; thanh lý hợp đồng với PVC để tìm nhà thầu khác; dừng dự án, phá sản công ty; PV Oil chuyển nhượng, thoái vốn khỏi dự án. Phương án được đề xuất lựa chọn là thoái vốn, chuyển nhượng dự án.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Bộ Công Thương đề xuất phương án PVOil chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi Dự án. Đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO), Bộ đề xuất phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại TISCO.

Đối với Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai, phương án xử lý là tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Dự án với các giải pháp kèm theo như tiến hành đàm phán để sửa đổi lại hợp đồng liên doanh và điều lệ công ty, trên cơ sở đó tiếp tục triển khai hoàn thiện các hạng mục đầu tư và sản xuất kinh doanh của dự án để nâng cao hiệu quả của toàn dự án; Thực hiện các biện pháp cải tiến trong quản trị sản xuất kinh doanh để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư trong thời gian tới.

Đối với Dự án Nhà máy đầu tư sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ (PVTEX), phương án được đề xuất lựa chọn là khởi động lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn theo phương thức Hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất kinh doanh xơ PSF trong 2 năm và sau đó thoái vốn hoặc chuyển nhượng công ty.

Đối với Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), phương án đề xuất lựa chọn là phá sản DQS theo quy định của pháp luật.

Đối với Dự án đầu tư sản xuất bột giấy Phương Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có ý kiến đồng ý về chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của Dự án Nhà máy.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã thực hiện xong bước thuê tư vấn thẩm định giá khởi điểm, phương án bán đấu giá Dự án và đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý để tổ chức bán đấu giá công khai Dự án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại