Trò chơi điện tử là một trong những cách giải stress hiệu quả sau giờ học tập và làm việc căng thẳng. Thông qua những trò chơi này, người chơi cũng học được cách tư duy, phản xạ, xử lý tình huống,... Song nếu lạm dụng game và dành thời gian cho nó quá nhiều trong một ngày sẽ gây ra những hệ quả không ngờ.
Tiểu Nghị (Trung Quốc) năm nay lên 8 tuổi, dù còn nhỏ nhưng em sử dụng rất thành thạo điện thoại và thuần thục các trò chơi. Chẳng mấy chốc em trở thành 1 game thủ chuyên nghiệp. Vì còn ít tuổi nên em thường dùng điện thoại của mẹ để chơi và để nạp tiền cho các trò chơi này, cậu bé cũng dùng luôn 1 app ví điện tử của mẹ cho việc thanh toán.
Một ngày nọ, người mẹ vào ứng dụng để kiểm tra số tiền mình còn dư thì tá hỏa vì số tiền tới 30.000 NDT tức tương đương với khoảng hơn 100 triệu VNĐ đồng đã không cánh mà bay. Vào kiểm tra lịch sử giao dịch, chị phát hoảng khi biết toàn bộ số tiền trên đã được con trai nạp hết vào các game mà mình chơi.
Chị nhanh chóng nói với chồng về chuyện này và họ quyết định hỏi con cho ra nhẽ. Ai ngờ, câu nói của con trai khiến cặp đôi thêm lần nữa phải câm nín. Cậu bé nói: "30.000 tệ là bao nhiêu?"
Lúc này bố mẹ của Tiểu Nghị không biết phải đáp lại thế nào. Họ mới nhận ra rằng, con trai mình dù đã 8 tuổi nhưng khái niệm và kỹ năng sử dụng tiền bạc dường như bằng 0. Em không thể phân biệt được 30.000 tệ có giá trị lớn đến thế nào. Với một gia đình có điều kiện sống ở mức bình thường như của đôi vợ chồng thì số tiền này lại vô cùng quý giá. Ấy thế mà em đã mạnh tay chi trả cho những trò chơi trên điện thoại một cách hồn nhiên.
Qua sự việc này, đôi vợ chồng trẻ cũng kịp nhận ra, thời gian qua mình đã không quan tâm đủ nhiều tới con trai, đã bỏ qua việc dạy em các kỹ năng cần thiết, trong đó có cái kiến thức về tiền bạc. Ngoài ra, đôi vợ chồng cũng hối hận vì để con sa đà với các trò game online quá mức.
Trau dồi kiến thức về tiền bạc cho trẻ có ý nghĩa quan trọng như thế nào? Tất nhiên việc này sẽ giúp con nhận ra giá trị của đồng tiền và biết trân trọng nó, biết sử dụng tiền một cách tiết kiệm, chi tiêu hợp lý và nhất là giúp những đứa trẻ biết rằng mỗi đồng tiền đều được sinh ra từ chính sức lao động, sự vất vả của bố mẹ.
Ngoài ra, để hạn chế con nạp tiền vào game hoặc sử dụng tiền không đúng mục đích trên các ví điện tử, cha mẹ nên bảo mật phần mật khẩu thanh toán hoặc cài đặt các chức năng bảo vệ khác để các em không thể tự tiện truy cập vào.
Thêm nữa, hãy cho con hiểu rằng chính lạm dụng game quá nhiều sẽ không tốt, hãy định hướng cho con biết rằng mình chỉ nên chơi game nếu đảm bảo được hiệu suất công việc và học tập.
Theo Sohu