Tranh minh họa.
Con người sống ở trên đời, sẽ luôn có nhiều ham muốn, dục vọng: Có ham muốn là tốt, có ham muốn là xấu, có ham muốn thì sâu lại có ham muốn chỉ mờ nhạt. Nhưng cho dù là tốt, xấu, nông, sâu thế nào đi nữa, thì chỉ cần một chút không chú ý, con người sẽ dễ dàng bị ham muốn nuốt chửng.
Cho nên Mạnh Tử đã từng nói: "Dưỡng tâm không gì bằng quả dục (ít dục vọng)". Nghĩa là nếu muốn tu tâm dưỡng tính, thì không cách nào tốt hơn là quả dục, khống chế kiểm soát dục vọng của bản thân.
Người xưa cũng mượn 5 câu nói dưới đây để nhắc nhở mọi người về sự tốt đẹp của "quả dục", tác hại của "đa dục", hi vọng mọi người hãy khắc cốt ghi tâm.
1. Lòng dạ con người, đa dục là hẹp hòi, quả dục là rộng rãi
Khi con người ta nghĩ quá nhiều thứ, bận lòng cái này, suy tính cái kia, sẽ dần dần hình thành tảng đá trong tim, giống như một căn phòng chất đầy những thứ linh tinh, khiến cho con người ta không thể sống một cách tự do thoải mái, giống như bản thân lạc trong thung lũng gồ ghề, không nhìn thấy phương xa, không phân rõ phương hướng.
Cho nên cần phải hiểu cách bỏ đi, học cách buông xuống, mới có thể khiến trong lòng thoải mái, việc làm người cũng mới có thể trở nên hoàn thiện hơn.
2. Tâm hồn của con người, đa dục là vướng bận, quả dục lại thong dong
Nhiều người hiện đại luôn cảm thấy bản thân lòng dạ rối bời, ngưỡng mộ sự thong dong tự tại của người khác.
Thực tế nguyên nhân chính là bởi bản thân có quá nhiều ham muốn. Sức lực thời gian của mỗi người đều có hạn, nếu ham muốn quá nhiều sẽ khiến cho chính mình cả đời cứ mãi luôn tầm thường, dung tục. Vì thế nên cần học cách chọn làm việc này, không làm việc kia, không ngừng giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống.
Người có thể ngồi ngắm mây bay, nhàn nhã nhìn hoa nở hoa tàn, thì chắc chắn không phải là kẻ ăn không ngồi rồi, mà chỉ là họ biết cách phân rõ đâu là nặng, nhẹ, nên gấp gáp hay thong thả, biết bỏ đi những chuyện không cần thiết.
Người như thế, ham muốn trong lòng tự nhiên sẽ ít đi, tâm hồn cũng vì thế mà bình lặng hơn, cuộc sống cũng tự nhiên sẽ phong phú, đầy đủ hơn.
3, Tính toán của con người, đa tâm là nguy hiểm, quả tâm lại bình an
Người xưa đã từng nói: "Hao hết tâm tư tính kế cho là thông minh, đến cuối cùng ngược lại còn tính toán cả mạng mình vào".
Người tính không bằng trời tính, đừng tính toán quá nhiều để rồi cuối cùng mất công sức mà chẳng thu được gì.
Làm người, không làm chuyện trái với lương tâm thì chẳng có gì phải áy náy cả. Đối với người khác, không nên nói lời nịnh nọt, không giở trò thủ đoạn, mà nên dùng lòng tốt, sự chân thành để đối đãi.
4. Chuyện trong lòng, đa tâm thì u sầu, quả tâm thì vui vẻ
Người hiện đại thì luôn nghĩ quá nhiều, nghĩ quá nhiều sẽ khiến bản thân dễ mệt mỏi. Chuyện đã qua không cần phải hối tiếc, vì dù có là đúng hay sai, được hay mất, cũng đều đã là chuyện trong quá khứ, không thể làm lại được, cho nên không cần xoắn xuýt với chuyện trước mắt.
Trên đời vốn chẳng có chuyện gì, chỉ do con người tự nghĩ mà sầu. Người sống trên đời, không cần cứ mãi trăn trở với những chuyện đã qua, mà nên để chính mình vui vẻ nhiều hơn, bớt đi đau khổ.
5. Chí khí của con người, đa dục là yếu đuối, quả dục là cứng cỏi
Đạo gia từng nói "Vô dục tắc cương" (con người chỉ cần không có những dục vọng tầm thường, tự nhiên sẽ đạt đến cảnh giới cao) tại sao lại như vậy? Bởi vì, một người nếu ham muốn quá nhiều, muốn có được cái này, lại muốn có được cái kia, khi làm việc ắt sẽ lo trước lo sau, thiếu dứt khoát, do dự thiếu quyết đoán. Nếu một người không bị lợi ích mê hoặc, thì tự nhiên sẽ chẳng phải lo sợ điều gì cả.
Làm người cần phải có cốt cách, không để bị ham muốn trên đời mê hoặc tâm trí, nếu không sẽ dễ đánh mất nhân cách bản thân. Mà đánh mất bản thân chính là điều bi ai nhất trên đời. Chỉ có cách khống chế ham muốn của chính mình, không để bất kỳ ham muốn nào vượt quá giới hạn, cuộc sống mới tránh được cảnh gặp tai họa vì buông thả ham muốn, con người sẽ rơi vào vực sâu, vạn kiếp bất phục.