Danh tướng khiến Gia Cát Lượng kiêng dè nhất, chiến công hiển hách nhưng cuối cùng bị Tư Mã Ý đẩy vào chỗ chết

Khánh An |

Nhân vật này là ai?

Gia Cát Lượng luôn được các quân chủ coi trọng, bởi ông không chỉ là một người có tài mà còn có một lòng trung thành tuyệt đối, có thể gánh vác đất nước trên vai và tiến về phía trước, lại không tham lam quyền lực, cũng không quá coi trọng lợi ích của bản thân.

Chỉ tiếc là đến cuối cùng, ông đã qua đời vì quá lao tâm khổ tứ cho chiến dịch Bắc phạt. Chính sự cúc cung tận tụy đến chết mới thôi này đã khiến Gia Cát Lượng nhận được sự tôn trọng và sùng bái của hậu thế.  

Trong các tiểu thuyết, Gia Cát Lượng đã trở thành một biểu tượng của trí tuệ mà ít ai có thể sánh bằng. Tuy nhiên vào cuối thời Tam Quốc, một đối thủ của Gia Cát Lượng cũng xuất hiện, đó là nhân vật Tư Mã Ý của nhà Tào Ngụy, đây chính là cái kết tất yếu của tiểu thuyết diễn nghĩa. Thế nhưng điều đáng nói là, xét cả trong tiểu thuyết và trong thực tế lịch sử thì người Gia Cát Lượng kiêng dè nhất lại không phải là người được cho là đối thủ của ông.

Vậy người thực sự khiến Gia Cát Lượng phải kiêng dè là ai? Câu trả lời, đó là một đại tướng quân dưới trướng của Tào Tháo -  Trương Cáp.

Tài năng của Trương Cáp

Trương Cáp (167-231) là một trong 5 tướng giỏi của Tào Tháo, nhưng ông lại không thực sự là người có tiếng tăm lừng lẫy nhất. Mọi người thường quen với cái tên Trương Liêu hay Vu Cấm hơn, thậm chí đến Bàng Đức còn nổi tiếng hơn Trương Cáp, bởi đây chính là kết quả mà tiểu thuyết diễn nghĩa diễn giải.   

Danh tướng khiến Gia Cát Lượng kiêng dè nhất, chiến công hiển hách nhưng cuối cùng bị Tư Mã Ý đẩy vào chỗ chết - Ảnh 2.

Hình ảnh nhân vật Trương Cáp trên phim.

Trương Liêu có lẽ không cần nhắc đến, bởi ông có thể khiến Tôn Quyền tâm phục khẩu phục, còn Bàng Đức và Vu Cấm cũng nhờ nhân vật Quan Vũ mà trở nên quen thuộc với mọi người, bởi họ đều bị Quan Vũ đánh bại trong cuộc chiến Tương Dương mà Quan Vũ đã phát động. Một người thì đầu hàng, một người thậm chí còn bị giết.

Còn Trương Cáp ban đầu không phải là tướng quân dưới trướng của Tào Tháo, mà là thuộc hạ của Viên Thiệu – đối thủ lớn nhất của Tào Tháo.

Về điểm này, dưới thời Tam Quốc, đặc biệt là võ tướng dưới trướng của Tào Tháo, phần lớn đều đến từ các đối thủ cạnh tranh, như Trương Liêu ban đầu là thuộc hạ của Lã Bố chính là một điển hình. Rất nhiều tướng lĩnh ở các phe phái khác dưới thời Tam Quốc cũng như vậy.

Tuy nhiên điều này cũng không ảnh hưởng nhiều đến sự vĩ đại của Trương Cáp. Trương Cáp thực sự cho rằng Viên Thiệu khó có thể làm nên chuyện lớn, cuối cùng đã đầu hàng phe Tào Tháo khi Tào Tháo đang đánh úp kho lương thảo của Viên Thiệu.

Kể từ đó, ông bắt đầu cuộc đời binh nghiệp theo Tào Tháo. Đỉnh cao của cuộc đời ông chính là khi Gia Cát Lượng lần đầu đưa quân đi Bắc phạt.

Đối đầu với Gia Cát Lượng trong suốt trận chiến lại không phải là Tư Mã Ý, mà chính là Trương Cáp. Ông đã bao vây Mã Tắc trong thời điểm then chốt của trận Nhai Đình, từ đó mới có thể khiến Gia Cát Lượng phải thất bại. Trong trận chiến này, có thể nhận ra rằng không phải Mã Tắc không có thực lực, mà là do đối thủ là Trương Cáp quá mạnh nên không thể không nhận lấy thất bại.

Danh tướng khiến Gia Cát Lượng kiêng dè nhất, chiến công hiển hách nhưng cuối cùng bị Tư Mã Ý đẩy vào chỗ chết - Ảnh 4.

Tranh vẽ minh họa trận Nhai Đình.

Có thể nói trong trận Nhai Đình, về cơ bản là do sai lầm của Gia Cát Lượng, ngay cả khi Mã Tắc không thay đổi chiến lược tác chiến của Gia Cát Lượng thì khả năng thắng trận này vẫn là rất thấp.

Cho dù đổi người trấn thủ là Triệu Vân đi chăng nữa thì với phe Gia Cát Lượng, kết quả cuối cùng cũng chỉ là bớt đi chút thiệt hại mà thôi. Mặc dù nhiệm vụ của họ không phải là tấn công mà là cầm chân kẻ địch, nhưng đối với một danh tướng như Trương Cáp thì làm sao có thể xem nhẹ được?

Cái chết của Trương Cáp

Cái chết của Trương Cáp thực ra hoàn toàn là do sự tồn tại của ông đã ngăn cản một người, đó chính là Tư Mã Ý.

Trương Cáp trung thành với nhà họ Tào và ảnh hưởng của ông lúc bấy giờ rất lớn, vì vậy Tư Mã Ý một khi muốn bành chướng thế lực, thôn tính Tào Ngụy thì không thể tiếp tục thu nạp ông ta dưới trướng mình, mà chỉ có thể tiêu diệt.

Vì vậy nên trong một trận đánh với quân Thục Hán, khi quân Gia Cát Lượng đang rút về, Tư Mã Ý vẫn để Trương Cáp đuổi theo, mượn tay quân Thục để loại bỏ "tảng đá ngáng đường".

"Nguỵ lược" viết: Quân Lượng lui về, Tư Mã Ý sai Cáp đuổi theo, Cáp nói: "Quân pháp dạy, vây thành tất phải mở lối thoát cho giặc, quân địch chạy chớ nên đuổi theo". Ý không nghe. Cáp bất đắc dĩ, phải tiến binh. Vì quân Thục bố trí mai phục trên núi cao, cung nỏ bắn loạn xạ, Cáp bị trúng tên vào bắp đùi."

Cuối cùng Cáp bị trúng kế của Gia Cát Lượng ở Kiếm Các và bỏ mạng.

Các ghi chép khác cũng ghi lại rằng, Trương Cáp lúc đó là lão tướng nhiều kinh nghiệm nên không đuổi theo Gia Cát Lượng, nhưng Tư Mã Ý hoặc là vì thiếu hiểu biết hoặc là cố ý hại ông để tranh quyền nên ra lệnh cho ông đuổi theo.

Trương Cáp được phong tước Hầu sau khi chết. Qua những chi tiết này, có thể nói chính Tư Mã Ý đã cố tình làm khó Trương Cáp. Theo cách đó, một danh tướng tốt của Tào Ngụy, một người khiến cho cả Gia Cát Lượng cũng phải kiêng dè đã bị Tư Mã Ý hãm hại. Bởi vậy mà sau này khi Tư Mã Ý phát động cuộc đảo chính, không còn ai ra tay giúp đỡ gia tộc nhà họ Tào đến cùng nữa.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại