Cơn khát S-400 của Nga lan rộng bất chấp Mỹ trừng phạt

VÂN ANH |

Ít nhất 13 nước đã bày tỏ quan tâm mua hệ thống phòng không S-400 của Nga thay vì của Mỹ, bất chấp có khả năng bị Washington trừng phạt.

CNBC dẫn một nguồn tin quen thuộc với đánh giá tình báo của Mỹ cho biết, Saudi Arabia, Qatar, Algeria, Morocco, Ai Cập và Iraq đã bàn thảo mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

S-400, hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa di động, là câu trả lời của Điện Kremlin với các hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD và Patriot của Mỹ. THAAD do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất, còn Patriot là sản phẩm của Raytheon.

Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã ký thoả thuận mua S-400 với Nga. Trung Quốc - nước đang vướng vào cuộc chiến thương mại với Mỹ - đang nhận những lô hàng cuối cùng của S-400.

Ấn Độ, nước mua vũ khí hàng đầu của Nga, ký hợp đồng mua S-400 tháng trước. Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của NATO, dự kiến sẽ nhận được S-400 trong năm tới và dự kiến hệ thống này vào hoạt động trong năm 2020.

Các nước mua vũ khí của Nga có thể bị trừng phạt theo Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) mà Tổng thống Donald Trump ký tháng 8.2014.

Hồi tháng 9, Mỹ đã áp trừng phạt với Trung Quốc vì mua chiến đấu cơ và tên lửa của Nga. Tuy nhiên, Mỹ cũng có thể miễn trừng phạt cho một số trường hợp.

Khi được hỏi vì sao các nước tìm cách mua S-400 của Nga thay vì Patriot hay THAAD của Mỹ, một nguồn thạo tin giải thích rằng quân đội nước ngoài không sẵn lòng tuân thủ quy trình mua vũ khí rườm rà của chính phủ Mỹ.

“Nhiều nước trong số này không muốn chờ những rào cản pháp lý của Mỹ. Trong khi đó, điều kiện xuất khẩu S-400 có ít hạn chế hơn, và Kremlin sẵn sàng bỏ qua các giới hạn pháp lý để thúc đẩy bán hệ thống phòng không này. Giống như mua hàng trên kệ vậy” - nguồn tin bổ sung.

Ngoài ra, mặc dù không rõ các nước phải trả bao nhiêu, song vũ khí Nga thường được coi là rẻ hơn vũ khí Mỹ.

Một nguồn tin khác quen thuộc với tình hình nói rằng Mátxcơva có thể cung cấp những hệ thống đầu tiên trong vòng 2 năm sau khi ký hợp đồng - khoảng thời gian mà Mỹ không thể đáp ứng.

S-400 - hệ thống tên lửa tiên tiến sau các phiên bản S-200 và S-300, ra mắt lần đầu tiên vào năm 2007. Nếu so sánh với hệ thống của Mỹ, S-400 của Nga có khả năng bao phủ nhiều mục tiêu hơn, tầm xa hơn và chống lại nhiều mối đe doạ cùng một lúc.

Xét về khả năng, một nguồn tin lưu ý rằng, mặc dù không có loại vũ khí nào hoàn hảo, song S-400 thậm chí có thể làm lu mờ THAAD - viên ngọc phòng thủ tên lửa của Mỹ.

“Không một hệ thống nào của Mỹ có thể phù hợp với khả năng của S-400 bảo vệ vùng không phận rộng lớn ở tầm xa như vậy” - CNBC dẫn lời nguồn tin.

S-400 có thể nhắm mục tiêu ở độ cao và giá trị lớn như máy bay ném bom tàng hình, máy bay, tên lửa hành trình, bom dẫn đường chính xác và một số tên lửa đạn đạo chiến thuật.

Hệ thống do Nga chế tạo cũng có khả năng phòng thủ chống lại một cuộc tấn công của máy bay không người lái giống như phiến quân Houthi đã sử dụng để tiêu diệt tên lửa Patriot của quân đội UAE hồi tháng 2.

“Đó là những khía cạnh địa chính trị thú vị nhất mà S-400 cung cấp” - ông Thomas Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định.

Tuy nhiên, ông Karako nhấn mạnh rằng, mặc dù cơn khát vũ khí Nga ngày càng lan rộng, song S-400 vẫn chưa chứng tỏ khả năng chiến đấu, không giống như hệ thống Patriot của Mỹ.

“Nga dường như đang sử dụng doanh số bán hệ thống phòng không trong khuôn khổ kinh tế chính trị nhiều hơn. Trong một số trường hợp, việc mua S-400 giống như những gì mà người La Mã cổ đại gọi là cống nạp” - ông Karako nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại