Ukraine căng mình phá trận địa Nga
Ukraine đang thiếu vũ khí để bảo vệ các thành phố của nước này do sự sụt giảm hỗ trợ từ Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, nội bộ Kiev đang xuất hiện những mâu thuẫn chính trị, sau việc Tổng thống Zelensky yêu cầu chỉ huy quân đội cấp cao nhất của ông là Valerii Zaluzhny từ chức.
Một số nguồn thạo tin cho biết, ông Zelensky đang tìm kiếm cách tiếp cận táo bạo hơn cho cuộc xung đột sau cuộc phản công thất bại năm 2023 và có một số mâu thuẫn với quan điểm của vị tướng dưới quyền ông.
Khi xung đột bước sang năm thứ 3, các cuộc giao tranh chủ yếu diễn ra trên chiến hào với việc sử sụng phổ biến máy bay không người lái, vì thế các bên khó có cơ hội gây bất ngờ cho đối phương dọc theo mặt trận. Để duy trì thế phòng thủ tích cực, Ukraine sẽ cần được cung cấp thêm đạn pháo và nhiều loại vũ khí khác nhau.
Các quan chức Ukraine từng tuyên bố rằng, họ sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại Nga ngay cả khi không có sự hỗ trợ của các đối tác. Tuy nhiên, một số báo cáo từ mặt trận cho thấy tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn và quân đội Ukraine đôi khi phải nỗ lực rất nhiều để kìm chân Nga. Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết, làn sóng tấn công bằng tên lửa của Nga thời gian gần đây nhằm vào một số thành phố lớn của Ukraine đã gây áp lực nặng nề cho lực lượng phòng không nước này, vốn phụ thuộc chủ yếu vào các loại tên lửa đánh chặn đắt đỏ do phương Tây cung cấp. Hiện, tỷ lệ đánh chặn thành công của Ukraine ở mức thấp hơn nhiều so với trước đây, một phần do Nga đã thay đổi chiến thuật.
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết: “Chúng tôi đều biết những gì cần thiết trên thực địa. Câu hỏi đặt ra là chúng tôi có thể gửi và cho đi những gì”. Một số nhà ngoại giao nó rằng, châu Âu sẽ không thể cung cấp đủ 1 triệu viên đạn mà họ cam kết chuyển giao trước ngày 1/3/204 do việc sản xuất bị trì hoãn và mối lo kho dự trữ cạn kiệt. Cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels trong tuần này có thể thảo luận về những biện pháp nhằm tìm kiếm các nguồn cung cần thiết cho Ukraine, nhưng rất khó đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2023, một nguồn tin ngoại giao lưu ý.
Nhà nghiên cứu Ann Marie Dailey tại Rand Corp. cho rằng, nếu quân đội Ukraine không có đạn pháo để duy trì áp lực, Nga có thể tiếp tục bắn pháo tấn công các vị trí của Ukraine. Thách thức ngày càng lớn hơn khi các chỉ huy quân sự của Ukraine thực hiện kế hoạch trấn giữ chiến tuyến dài gần 1.000km và thăm dò điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga.
Theo các nhà ngoại giao phương Tây, căng thẳng đã gia tăng giữa Tổng thống Zelensky và Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Valerii Zaluzhny khi chiến tuyến bị đình trệ. Tại một cuộc họp ở Kiev ngày 29/1, ông Zelensky đã yêu cầu ông Valery Zaluzhny từ chức nhưng vị tướng này không chấp thuận. Một số thông tin rò rỉ cho thấy dường như có sự ngờ vực giữa hai bên ngay từ những tháng đầu của cuộc xung đột. Tổng thống Zelensky và ông Zaluzhny đã tranh cãi về đạo luật mới liên quan đến nghĩa vụ quân sự, nhằm mục đích bổ sung nhân lực cho quân đội. Căng thẳng trở nên trầm trọng hơn khi ông Zelensky cảnh báo các quan chức quân sự hàng đầu không nên tham gia chính trường.
Michael Kofman, một chuyên gia về Nga và Ukraine tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho rằng, việc sa thải ông Zaluzhny sẽ không được lòng quân đội Ukraine: “Tôi không chắc việc bổ nhiệm một nhân vật mới sẽ giải quyết được bất kỳ câu hỏi lớn nào về quá trình tuyển mộ binh sỹ và chiến lược của Ukraine”.
Tại Washington, gói hỗ trợ trị giá 60 tỷ USD của Nhà Trắng dành cho Ukraine đã bị đình trệ trong nhiều tháng qua do sự phản đối của các thành viên đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn. Chính quyền Biden vẫn nói với Ukraine và các đồng minh rằng họ hy vọng sẽ giành được sự chấp thuận nhưng mối nghi ngờ đã gia tăng khi chiến dịch tranh cử tổng thống bắt đầu. “Nếu không có gói hỗ trợ này, mọi thứ mà Ukraine đạt được và những gì chúng tôi đã giúp họ sẽ bị xóa sổ”, Ngoại trưởng Antony Blinken lưu ý.
Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào hôm nay (1/2) để vượt qua sự phản đối của nước thành viên Hungary nhằm thông qua gói viện trợ trị giá 54 tỷ USD cho Ukraine. Nếu nỗ lực này thất bại, khối sẽ phải tìm cách thông qua khoản viện trợ này mà không có sự đồng ý của Budapest. Một quan chức châu Âu cho biết, EU vẫn đặt mục tiêu phê duyệt khoản viện trợ vào cuối tháng 2/2024.
Cơn khát đạn pháo tăng nhiệt
Theo các nhà ngoại giao phương Tây, ngay cả khi viện trợ của EU được thông qua, lực lượng Ukraine trên chiến trường vâng sẽ cảm nhận được sự thiếu vắng hỗ trợ của Mỹ vào cuối mùa Xuân. Mỹ đã hối thúc Ukraine trình bày rõ ràng hơn về kế hoạch chiến đấu trong năm 2024, do những hạn chế về sự hỗ trợ.
Giới chức Ukraine dự kiến sẽ có sự kết hợp giữa việc gây áp lực dọc theo tiền tuyến với các hoạt động bí mật và những cuộc tấn công tầm xa vào phía sau phòng tuyến của Nga. Ukraine đã sử dụng nhiều loại vũ khí tự chế để tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các tuyến tiếp tế và căn cứ của Nga, đồng thời làm lung lay quyền kiểm soát của Moscow đối với Biển Đen.
Theo một số quan chức phương Tây, chiến thuật phòng thủ dù không mang lại những đột phá ấn tượng cho Ukraine như ở giai đoạn đầu cuộc chiến, nhưng có thể làm suy yếu khả năng chiến đấu của Nga. Hiện Kiev đang xây dựng một số kho dự trữ vũ khí quan trọng trong những tháng gần đây để đảm bảo trang bị cho quân đội. Nhưng điều này vẫn không thể bù đắp cho sự thiếu hụt đạn pháo.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Pevkur, quân đội Ukraine đang bắn trung bình chỉ bằng khoảng 1/3 số đạn pháo mà phía Nga sử dụng. Theo ước tính của Estonia, Moscow đang trên đà nhận được khoảng 4,5 triệu quả đạn pháo từ hoạt động sản xuất và cung cấp từ các đối tác bên ngoài.
Ông Pevkur dự đoán, giao tranh có thể giảm bớt trong một vài tháng tới và nhiều hoạt động tấn công sẽ tiếp tục diễn ra vào tháng 5 và tháng 6 khi mặt đất trở nên khô hơn. Đó cũng là lúc số phận các khoản viện trợ của Mỹ và Liên minh châu Âu dành cho Kiev sẽ rõ ràng. “Nếu đến lúc đó chúng ta không có giải pháp thì chắc chắn Ukraine sẽ vô cùng khó khăn để giữ vững vị trí của mình”, ông Pevkur cảnh báo.