Nỗ lực tìm kiếm lợi ích kinh tế
Tạp chí Financial Times (FT) dẫn cảnh báo của Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene rằng dự án xây dựng đường ống khổng lồ của Điện Kremlin nối các mỏ khí đốt phía Tây của Nga với Trung Quốc dự kiến sẽ bị trì hoãn. Động thái này được coi là giáng một đòn mạnh vào kế hoạch nhằm đảm bảo thị trường mới cho khí đốt của Moscow.
Dự án Đường ống Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) là ưu tiên hàng đầu của Moscow trong hơn 1 thập kỷ, sẽ đi qua lãnh thổ Mông Cổ. Hiện nay, dự án càng trở nên quan trọng hơn đối với Nga khi châu Âu hạn chế nhập khẩu khí đốt của Moscow nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine.
Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene năm 2022 đã nói với FT rằng, việc xây dựng đường ống dài 3.550km trong đó có 950km xuyên qua lãnh thổ Mông Cổ sẽ bắt đầu vào năm 2024.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn mới đây vào đầu năm 2024, khi được hỏi rằng liệu các đối tác có tuân thủ thời gian biểu như đã định hay không, ông cho hay, Nga và Trung Quốc vẫn chưa đồng thuận về các chi tiết quan trọng của dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ này.
Ông Oyun-Erdene tiết lộ trong cuộc phỏng vấn: "Hai bên vẫn cần thêm thời gian để nghiên cứu chi tiết hơn về các vấn đề kinh tế," đồng thời, cho biết thêm rằng giá khí đốt toàn cầu ở mức kỷ lục trong 2 năm qua đã khiến các cuộc đàm phán trở nên phức tạp.
"Phía Trung Quốc và Nga vẫn đang tính toán và họ đang nỗ lực tìm kiếm lợi ích kinh tế", ông Oyun-Erdene nói.
Hồi tuần trước, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak viết trên tạp chí Energy Policy (Chính sách năng lượng) rằng lộ trình xây dựng sẽ được chốt sau khi Nga ký thỏa thuận ràng buộc với các đối tác Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có các cuộc gặp trong năm ngoái nhưng trong khi Nga liên tục nhấn mạnh sự sẵn sàng cho dự án Power of Siberia 2 thì Bắc Kinh lại tỏ ra im lặng, FT nhận định.
Kỳ vọng của Nga
Trung Quốc vốn nhận khí đốt từ miền Đông nước Nga thông qua đường ống Power of Siberia 1 - hệ thống ống dẫn bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2019. Đường ống này vận chuyển khoảng 23 bcm (tỷ mét khối) khí đốt vào năm ngoái và dự kiến sẽ đạt công suất tối đa 38bcm vào năm 2025.
Power of Siberia 2 hứa hẹn sẽ mạng thêm 50bcm khí đốt tới Trung Quốc từ các mỏ ở bán đảo Yamai, phía Tây Siberia. Tập đoàn Gazprom đã bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của dự án vào năm 2020 và muốn đường ống này đi vào hoạt động vào năm 2030.
Gazprom hy vọng Trung Quốc có thể thay thế châu Âu, trở thành thị trường xuất khẩu khí đốt lớn nhất của Moscow.
Sergey Vakulenko, cựu giám đốc chiến lược của Gazprom Neft và là thành viên cấp cao tại Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie, cho biết Nga có thể đang tìm kiếm các điều khoản tài chính tốt hơn từ Trung Quốc so với những gì họ đã đạt được trong hợp đồng Power of Siberia 1.
FT cho hay, mặc dù các điều khoản của hợp đồng Power of Siberia 1 không được công khai, nhưng phân tích của ông Vakulenko về dữ liệu thanh toán của chính phủ Trung Quốc cho thấy, Nga đang được trả ít hơn so với các nước cũng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc như Turkmenistan hay Uzbekistan.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bình luận trực tiếp về các cuộc đàm phán, nhưng nói rằng khí đốt tự nhiên là khía cạnh quan trọng trong hợp tác năng lượng Trung Quốc - Nga. Cơ quan này nhấn mạnh với FT: "Cả hai bên đã nhất quán tiến hành hợp tác trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi".
Wei Xiong, nhà phân tích cấp cao của Rystad Energy ở Bắc Kinh, cho biết các ngành công nghiệp địa phương ở Trung Quốc vẫn đang trông chờ vào việc Power of Siberia 2 đi vào hoạt động trong năm 2030 để đáp ứng nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng của nước này.