Cô bé 15 tuổi đạp xe, chở cha bị thương vượt đường hơn 1.200 km về quê. Ảnh: Sports India Show.
Hiện cơ quan này đã liên hệ và đề nghị nhận huấn luyện để cô gái có thể trở thành một vận động viên đạp xe chuyên nghiệp.
“Khi chúng tôi biết được câu chuyện cô bé đạp xe, chở theo người cha cùng hành lý và vượt quãng đường 1.200 km trong 7 ngày, chúng tôi cảm thấy đây giống như là một điều kỳ diệu. Điều này cho thấy sức bền của cô bé.
Chúng tôi nghĩ rằng nếu như cô bé có thể lực ổn định như vậy, tại sao chúng tôi lại không trao cho em một cơ hội”, ông Onkar Singh, Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp Ấn Độ chia sẻ với Sputnik.
“Chúng tôi đã nói chuyện và giải thích với cô bé. Cô bé cho biết bản thân vẫn đang tiến hành cách ly và mong muốn được tiếp tục con đường học tập.
Chúng tôi nói với cô bé rằng, hệ thống đào tạo của chúng tôi là toàn diện khi học viên vừa được học chữ, vừa được đào tạo để trở thành một vận động viên đạp xe tranh tài”, ông Singh nói thêm.
Cũng theo ông Singh, Liên đoàn Xe đạp Ấn Độ chiêu mộ các tài năng trên cả nước trong độ tuổi từ 14 - 17, đồng thời tiến hành huấn luyện, giáo dục, tài trợ nơi ăn chốn ở cho những người sẵn sàng tham gia đào tạo và đề cử họ tham gia các giải đấu cấp quốc gia cũng như quốc tế.
Được biết, Jyoti Kumari vốn sống ở thành phố Darbhanga, bang Bihar. Bố cô bé đang làm công nhân tại thành phố Delhi.
Trong một lần làm việc, không may ông bị thương ở chân. Đó cũng là thời điểm Ấn Độ đang xảy ra dịch Covid-19 khiến nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp.
“Tiền sinh hoạt của hai cha con cạn dần. Chủ nhà trọ gây sức ép nếu không trả tiền trọ sẽ đuổi ra ngoài. Vì không có người thân thích ở Delhi nên tôi quyết định cùng con về quê tránh dịch”, người bố nói.
Tuy nhiên, việc từ Delhi về quê nhà Darbhang cũng là một vấn đề lớn. Họ chỉ có trong túi khoảng 600 rupee. Khi nói chuyện với một tài xế lái xe, người này đòi tới 6.000 rupee. Khoản tiền lớn khiến hai bố con không chi trả nổi.
Khi đó, cô bé Kumari đã bảo bố mua cho một chiếc xe đạp với giá 500 rupee để hai cha con cùng về nhà.
“Cháu đạp xe cả ngày lẫn đêm, chỉ dừng lại lúc ăn uống. Hai cha con chủ yếu ăn nhờ tại các trạm cứu trợ. Một số người tốt bụng gặp trên đường họ cũng cho đồ ăn”, Kumari cho biết.
Khi được hỏi cảm giác lúc đạp xe về nhà, Kumari nói: “Cháu không thấy sợ kể cả lúc đạp xe vào ban đêm vì liên tục nhìn thấy hàng trăm người dân đi bộ về quê trên đường.
Mối lo lắng duy nhất của cháu là nếu không may xảy ra tai nạn xảy ra, nhưng cuối cùng thì không sao”.
Quãng đường dài hơn 1.200 km về quê kết thúc. Hai bố con về tới nhà an toàn, còn Kumari được truyền thông xã hội ca ngợi vì sự can đảm của mình.