Chính sách cải cách và mở cửa không chỉ làm cho nền kinh tế phát triển nhanh chóng mà còn là "chất xúc tác" giúp những người bình thường trở nên "phi thường" – những người dám xông pha hầu như đều gặt hái nhiều thành tựu đáng tự hào, thậm chí trở thành siêu phú hào. Và tỷ phú Vương Văn Ngân là một minh chứng sống cho điều đó.
Theo thống kê của tạp chí Forbes năm 2022, khối tài sản ròng của Vương Văn Ngân trị giá 16.6 tỷ USD, đứng thứ 25 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc. Công ty của ông cũng có mặt trong bảng xếp hạng danh giá Fortune 500. Thế nhưng, ít người biết rằng vào thời điểm khó khăn nhất, ông chỉ có vỏn vẹn 10 NDT.
Bên cạnh đó, người trong giới còn truyền tai nhau câu nói làm nên thương hiệu của "Vua đồ đồng": "Điều đáng sợ nhất của một đời người chính là không dám mạo hiểm. Bởi người phi thường mới có thể làm nên những điều phi thường, đạt được thành tựu phi thường".
Chấp nhận gian khổ để vươn mình nuôi chí lớn
Cuộc sống khó khăn không hề làm Vương Văn Ngân nản chí mà là động lực để ông có được thành công sau này. Ảnh:Pinterest
Vương Văn Ngân sinh năm 1968 trong một ngôi làng nhỏ ở An Huy, Trung Quốc. Nhà ông 3 đời đều là nông dân. Vì gia cảnh nghèo khó nên mỗi ngày đi học về, công việc đầu tiên của ông không phải là học tập mà là đi cắt cỏ và cho lợn ăn, cuối tuần còn giúp cha mẹ canh tác.
Trong ấn tượng về kí ức tuổi thơ của ông, chỉ có nuôi lợn mới có thể đóng đủ tiền học phí lúc bấy giờ. Vốn sẵn gia đình làm nông, ngay từ khi còn trẻ Vương Văn Ngân đã rất thạo công việc đồng áng, hiểu biết về các giống cây trồng nhưng chính bản thân chàng trai ấy nhận thức được rằng nếu không chịu khó học hành thì mãi mãi chỉ là nông dân quèn.
Do đó, nhờ chăm chỉ học tập, ông thi đỗ vào Đại học Nam Kinh năm 1989. Sau khi tốt nghiệp, Vương Văn Ngân được phân công đến công ty hóa dầu Cao Kiều tại Thượng Hải, mỗi tháng hưởng lương 400 NDT. Ở thời điểm đó, con số này cao gấp 2 lần mức lương trung bình của người bình thường.
Thế nhưng, ông cũng chỉ làm trong một thời gian. Bởi Vương Văn Ngân vẫn luôn nuôi chí lớn và không muốn trở thành kẻ tầm thường. Do đó, vào năm 1992 (sau khi làm việc ở Thượng Hải 2 năm), Văn Ngân quyết định bỏ việc đến thành phố Thâm Quyến để lập nghiệp, trong tay chỉ có vỏn vẹn 400 NDT.
Hành trình đến Thâm Quyến hết sức trắc trở. Ông phải mất nửa tháng mới đến được đó. Khi đến nơi, trong túi Vương Văn Ngân chỉ còn lại vỏn vẹn 10 NDT. Trong người không còn tiền, buổi tối, ông phải ngủ tạm trong ống xi măng bỏ hoang, gầm cầu; còn ban ngày, vừa đi nhặt ve chai vừa kiếm việc làm ròng rã trong 1 tháng trời.
Tưởng rằng có thể đổi đời tại đặc khu kinh tế phát triển nhất đất nước nhưng hiện thực đã khiến Văn Ngân thức tỉnh vì chả ai muốn nhận ông vào làm việc. Ông suy nghĩ trong một thời gian dài và cuối cùng cũng tìm ra vấn đề: văn bằng của mình là quá cao. Vì thế, ông dứt khoát cất bằng đại học và dùng bằng tốt nghiệp phổ thông để xin vào làm công nhân bốc vác tại công ty chuyên sản xuất phích cắm điện.
Tại đây, ông đã phát huy lợi thế trí nhớ siêu thường của mình. Ông nhớ tất cả số mã của hàng nghìn vật liệu, cũng như vị trí của từng loại hàng hóa và số lượng hàng tồn kho. Do làm việc chăm chỉ, ông được thăng chức làm quản lý kho, rồi lên thành tổng giám đốc kiểm soát nguyên vật liệu của nhà máy. Quá trình thăng tiến của ông chỉ diễn ra trong vòng 1 năm.
Sau đó, Vương Văn Ngân được Hitachi săn đón với mức lương 1 triệu NDT/năm, kèm theo đó là 2% hoa hồng. Làm tại Hitachi 1 năm, ông đã tích lũy được 20 triệu NDT làm vốn cho tương lai.
Năm 1995, Vương Văn Ngân thành lập nhà máy sản xuất dây điện đầu tiên. Với kinh nghiệm phong phú, ông nhanh chóng đưa công ty trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành. Thế nhưng một thời gian sau, thị trường xảy ra biến động, khiến cho sự nghiệp của ông lao đao.
Kinh doanh độc lạ, "vua đồ đồng" bị coi là "kẻ điên"
Những người tiếp xúc với Vương Văn Ngân đều đánh giá ông là một "kẻ điên". Để có được thành công như ngày hôm nay, người đàn ông này đã phải đánh cược với số phận 3 lần.
Lần đầu tiên là vào năm 1997 khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bùng nổ, vô số công ty tuyên bố phá sản kéo theo doanh thu bấp bênh. Trước tình hình kinh tế như thế, ai ai cũng sợ mất vốn liếng, mà ông lại bắt đầu đặt cược lớn, đi ngược dòng và chuẩn bị thời cơ thu lợi. Ông mua một số lượng lớn thiết bị với giá rẻ như cho.
Khi nền kinh tế phục hồi và nhu cầu ở nước ngoài dần tăng lên, ông đã giành được nhiều đơn hàng và trở thành nhà sản xuất dây điện lớn nhất ở Thâm Quyến. Kế đó, ông thành lập Tập đoàn Zhengwei International, chính thức khởi động các dự án như gia công cáp, nhựa và đồng. Việc này cũng khiến cho Vương Văn Ngân trở thành ông trùm trong ngành đồng.
Vụ "cá cược" thứ hai xảy ra vào năm 2003 khi dịch SARS càn quét Trung Quốc ảnh hưởng lớn tới môi trường kinh tế nội địa, giá quặng đồng lao dốc không phanh. Trước sự ngỡ ngàng của hàng triệu người, "Vua đồ đồng" mạnh tay chi 2,8 tỷ giành lấy dự án sản xuất dây thép và dây đồng. Thực tế đã chứng minh Tỷ phú họ Vương đã đúng một lần nữa. Nhờ dự án lần này mà việc kinh doanh của ông không những không biến động theo giá nguyên vật liệu mà còn gia tăng sức mạnh của Tập đoàn Zhengwei.
Năm 2008 cũng là năm khủng hoảng tài chính thế giới, Vương Văn Ngân đánh cược lần thứ ba. Ông nhanh chóng thực hiện một số hoạt động khai thác, mua vào một lượng lớn đồng chờ đợi đến khi cuộc khủng hoảng kết thúc, giá đồng tăng trở lại và tất nhiên kiếm được bộn tiền.
Ba vụ cá cược lớn này đã mang lại rất nhiều vốn và nguồn lực cho Tập đoàn Zhengwei. trên cơ sở này, tỷ phú đồ đồng đã không ngừng mở rộng, tạo ra một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh và vững chắc, đặt nền móng cho phát triển sau này của công ty. Tài sản của Tập đoàn Zhengwei cũng tăng từ 11 tỷ NDT năm 2008 lên 128 tỷ NDT và chính thức trở thành top 500 thế giới vào năm 2012.
Nếu như "canh bạc" đầu tiên là sự kết hợp giữa lòng dũng cảm và may mắn thì "canh bạc" thứ hai là sự nắm bắt chính xác thị trường và các chính sách, "canh bạc lớn" thứ ba là sự phát triển nội tại xuất phát từ logic và các quy luật vận hành của nền kinh tế thế giới. Những lần đặt cược của "vua đồng" có vẻ điên rồ nhưng thực chất đằng sau đó ẩn chứa một ý chí kiên cường và quyết tâm chiến thắng.
Bên cạnh đó, một trong những bí quyết khác giúp tỷ phú họ Vương thành công chính là tư duy kinh doanh. Ông luôn cho rằng, phải biến sản phẩm của mình thành "độc dược", để khách hàng không thể nào từ bỏ hàng hóa của mình. Có như vậy, việc kinh doanh mới ổn định, vững chắc.
Ngoài ra, cách quản lý doanh nghiệp của Vương Văn Ngân cũng rất lạ lùng. Ông chỉ điều hành 10 phó chủ tịch của các công ty, phó chủ tịch sẽ quản lí mấy chục tổng giám đốc, tổng giám đốc sẽ quản lí mấy trăm giám đốc, sau đó giám đốc sẽ phụ trách công nhân và các bộ phận liên quan. Thỉnh thoảng tỷ phú sẽ ngồi máy bay tư nhân, đi tới các nhà máy xem xét tình hình, để phát hiện ra vấn đề kịp thời.
Sau những cố gắng, nỗ lực và tư duy kinh doanh độc đáo, Vương Văn Ngân đã đạt được thành tựu đáng nể. Năm 2013, theo Fortune Global, công ty của ông lọt top 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu với thu nhập là 322,5 tỷ NDT trong năm 2016.
Vương Văn Ngân cũng có thú vui như bao tỷ phú khác, ông rất thích chơi cây cảnh. Tại nhà máy Tongling rộng hơn 400ha, ông trồng hai cây thông Podocarpus được mua với giá hàng triệu đô, trước cửa nhà bày biện rất nhiều chậu cây quý.
Trong văn phòng của Vương Văn Ngân đều là đồ làm từ gỗ. Một cái ghế trong văn phòng ông cũng có giá trị lên tới mấy chục triệu NDT, đồ trong văn phòng có tổng giá trị hàng tỷ NDT. Đối với ông, nơi làm việc cần phải khiến bản thân thoải mái, như vậy mới phát huy được tối đa hiệu suất làm việc.
Theo Zhihu và Toutiao