Sau đám cưới, trở về từ tuần trăng mật, Ngân bị mất ngủ mất 1 đêm. Lí do nói ra, thì chỉ vì một câu nói của mẹ chồng : "Hai đứa đưa hết vàng cưới đây mẹ giữ cho!".
Lúc ấy, Ngân chẳng biết phải trả lời mẹ chồng thế nào. Cô đành vâng dạ qua loa rồi tìm lí do bận việc để ra ngoài.
Thú thực, trước khi về nhà chồng, Ngân đã được bạn bè thủ thỉ về chuyện này rồi. Rằng thì, mẹ chồng đòi giữ vàng cũng chớ có đưa.
Đưa là một đi không trở lại đấy. Lúc đưa thì dễ lắm, nhưng khi đòi về thì khó hơn lên trời.
Bản thân Ngân cũng nghĩ, bọn cô đã trưởng thành, còn lập gia đình riêng, vậy hà cớ gì không tự giữ được chút vàng cho bản thân, mà phải nhờ vả người khác.
Ảnh minh họa.
Đêm mất ngủ ấy, Ngân lại đem chuyện tâm sự với vài người thân quen. Tất cả đều nhận được câu trả lời: "Không là không! Đừng có dại! Một khi đưa là xác định mất!".
Trong lòng Ngân cũng không muốn đưa cho mẹ chồng giữ hộ. Nhưng, đấy lại là chữ "nhưng" quái ác. Đâu phải cô muốn làm gì cũng được.
Thứ nhất, mẹ chồng đã mở lời. Cô từ chối thì bà sẽ nghĩ sao? Bà nhất định tự ái vì bị con dâu từ chối, bà còn nghĩ con dâu không tin tưởng mình, sợ mình tham tiền của con cái.
Thứ hai, khi cô dò hỏi ý chồng, chồng cô cũng đáp: "Đưa mẹ giữ hộ cũng được". Anh không bắt ép cô, nhưng hẳn anh sẽ vui khi vợ tin tưởng mẹ mình.
Sau cả đêm thức trắng, Ngân đã đưa ra quyết định: Đưa vàng cho mẹ chồng giữ. Một quyết định chứa đầy sự mạo hiểm, và cần lòng dũng cảm rất lớn, bạn cô bảo vậy đấy.
Ngân đánh cược, một là mất, hai là được lòng chồng và mẹ chồng . Tất nhiên, nếu mẹ chồng không xứng đáng với lòng tin của cô, thì lần sau cô sẽ hành xử khác.
Ấy thế mà, mọi sự lại diễn biến theo cái cách Ngân chẳng đời nào ngờ được. Mấy lần Ngân đi đám cưới, ra tới sân rồi mẹ chồng liền gọi giật lại.
Bà lật đật chạy vào nhà, Ngân khó hiểu chẳng biết bà muốn làm gì. Ngờ đâu mấy phút sau bà mang sợi dây chuyền vàng ra cho Ngân, bảo cô đeo vào đi ăn cỗ cho đẹp, cho bằng bạn bằng bè.
Ngày lễ tết cũng thế, bà luôn mang ra bảo Ngân đeo. "Để mãi nó cũng mốc, thi thoảng mang ra đeo cho mới con ạ!", bà bảo thế. Đeo xong, lúc tháo ra Ngân lại đưa bà cất đi, cứ thế lặp đi lặp lại.
Vừa rồi vợ chồng Ngân có kế hoạch làm ăn, tiền vốn khó khăn, xoay sở đủ kiểu vẫn thiếu. Hai người bàn nhau bán số vàng hồi môn ấy đi.
Nó quý thì quý thật, bán đúng là tiếc, chưa nói trong đó nửa già là vàng hồi môn của bố mẹ, họ hàng nhà Ngân cho.
Nhưng dẫu sao nó cũng là vật chết. Còn làm ăn kinh tế vừa là lo cho cuộc sống hàng ngày, vừa chuẩn bị cho tương lai gia đình, con cái, thật ra có ý nghĩa hơn nhiều.
Chồng Ngân là người mở lời xin lại vàng với mẹ chồng . Nói chuyện với bà xong, anh buồn bã về bảo vợ: "Mẹ bảo không nên bán, không may mắn.
Hơn nữa đó như vật kỉ niệm quý giá, sau này có tiền mua lại cũng không thể so được".
Ngân bực bội trong lòng, không ngờ mẹ chồng lại mang lí do đó ra để từ chối giao lại vàng cho vợ chồng cô.
Thế mà khoảng thời gian trước cô đã dần tin tưởng bà rồi cơ đấy. Nhưng nhìn chồng chẳng có vẻ gì là oán trách mẹ, cô cũng đành im lặng nín nhịn.
Ảnh minh họa.
Ai ngờ đâu mấy hôm sau mẹ chồng gọi hai vợ chồng Ngân ra, đưa cho Ngân một số tiền lớn rồi bảo: "Mẹ vay hộ hai đứa, chỗ bạn mẹ không lãi lời gì đâu.
Còn món vàng kia, nếu không phải vạn bất đắc dĩ thì đừng bán. Mẹ không hiểu chuyện làm ăn, hai đứa tự bảo ban nhau làm rồi trả nợ cho người ta nhé!".
Ngân run run đưa tay nhận số tiền, nước mắt đã rưng rưng. Hóa ra cô đã hiểu lầm mẹ chồng , đã nghĩ xấu cho bà.
Bà cao thượng và chân thành, tốt bụng hơn cô tưởng rất nhiều.
Kể từ việc muốn giữ vàng cho vợ chồng cô tới việc ngăn không cho bọn cô bán đi, tất cả đơn thuần vì bà nghĩ cho con cái, mong con cái những điều tốt đẹp mà thôi.
Trong lòng Ngân ngàn vạn lần xin lỗi mẹ chồng , cô nhất định sẽ sống thật tốt với chồng con, gia đình chồng để báo đáp tấm lòng của bà.