Tôi xin lỗi
Nhìn lại những gì đã qua, Shen Wufu cho rằng mình đã nhiễm virus trong vòng vài giờ tại Vũ Hán - thành phố khởi phát dịch bệnh đầu tiên tại Trung Quốc.
Anh kỹ sư 32 tuổi dừng lại ở Vũ Hán trong thời gian rất ngắn vào ngày 18/1 để dự một cuộc hội thảo, sau đó đi về thăm nhà ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thời điểm ấy là 2 tuần sau khi Trung Quốc công bố căn bệnh viêm phổi bí ẩn tại Vũ Hán, và 11 ngày sau khi xác nhận một chủng virus corona mới.
Shen Wufu
Shen đã nghe về loại virus mới thông qua các phương tiện truyền thông, nhưng mọi thứ với anh có vẻ không mấy nghiêm trọng. Ở Vũ Hán ngày hôm đó, mọi thứ vẫn diễn ra hết sức bình thường. Mọi người vẫn làm những gì mình cần làm, chẳng ai hay biết có một loại virus chết người đang lan tỏa giữa cộng đồng. 5 ngày sau, chính quyền địa phương phát lệnh phong tỏa toàn bộ thành phố, "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
"Khi đó chẳng ai đeo khẩu trang cả," - Shen nhớ lại. "Không ai nhận ra rằng có một đại dịch đang âm thầm xảy ra."
Cái kết của Shen may mắn là có hậu. Với hơn 40.000 ca nhiễm tại Trung Quốc hồi tháng 2/2020, anh nằm trong số 3281 người phục hồi và được xuất viện. Tuy nhiên, lời kể của Shen cho thấy khả năng lây lan của virus corona giữa người với người là điều chắc chắn. Anh đã khiến 40 người tiếp xúc với mình qua những chuyến đi buộc phải cách ly trong các bệnh viện địa phương.
"Tôi thực sự đã cảm thấy xấu hổ vì khiến bao người gặp rắc rối," - Shen chia sẻ hồi tháng 2. "Tôi thực sự xin lỗi."
Bố ơi, con giết bố rồi...
Paul Stewart ban đầu chỉ nghĩ mình bị cảm lạnh. Vào tuần thứ 3 của tháng 3, Paul phát hiện mình bị đau họng, hơi sốt, ho, toàn thân đau nhức và ớn lạnh. Virus corona khi đó mới chỉ bắt đầu lây lan tại bang Illinois, khiến trường học và nhiều công ty đóng cửa, bao gồm cả phòng khám tại hạt DuPage, nơi ông đang làm công việc kỹ thuật viên phục hồi.
Với Paul lúc đó, việc bản thân nhiễm Covid-19 chưa bao giờ xuất hiện trong đầu, kể cả khi một vài đồng nghiệp đã dương tính. Triệu chứng của Paul cũng rất nhẹ - nó đến rồi đi, chỉ vài ngày sau ông đã cảm thấy đủ khỏe để đi chạy bộ.
Thế rồi, cha ông cũng bắt đầu ho.
Stewart - 55 tuổi, sau 2 lần ly hôn đã chuyển về sống với cha mẹ. Ông cho rằng cha mình - ông Robert Stewart, một cựu chiến binh, cựu cầu thủ bóng chày, đã sống sót sau khi điều trị ung thư - đã vô tình lây bệnh cảm của mình. Nhưng căn bệnh nhanh chóng đánh quỵ Robert, khiến ông mất đi vị giác và tấn công phổi ông một cách tàn tệ.
Bình minh ngày 2/4, Paul thức dậy, chứng kiến một cơn ho đáng sợ của cha. Ông đưa cha đến phòng tắm, và tại đây ông Robert ngất đi. Paul vội gọi 911 - số máy khẩn cấp tại Mỹ. Một nhân viên xuất hiện trong trang phục bảo hộ kín từ đầu đến chân, cho biết ông Robert cần phải nhập viện gấp. Ông gật đầu chấp thuận. Trước khi bước ra khỏi cửa, chân chưa kịp xỏ giày, ông dừng lại và quay sang con trai.
"Bố yêu con," - Robert nói.
"Con cũng yêu bố. Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi," - Paul trả lời.
Tại Bệnh viện Central DuPage, kết quả xét nghiệm cho thấy ông Robert đã nhiễm virus corona. Thông tin này khiến Paul nhận ra rằng mình cũng đã nhiễm bệnh. Và với việc tình trạng của bố ngày càng xấu đi, Paul bắt đầu tự dằn vặt, đổ lỗi cho chính mình.
Nỗi ám ảnh của Paul thực chất cũng là vấn đề chung của rất nhiều người Mỹ. Họ tin rằng trong thời điểm virus corona đang âm thầm lây lan, bản thân đã vô tình lây nhiễm cho những người mình yêu thương nhất. Dù khi đó cách lây lan của virus vẫn chưa rõ ràng, nhiều người đã tự đổ lỗi cho bản thân, nghi hoặc về những quyết định mình đã làm vào thời điểm đại dịch còn quá ít thông tin, xét nghiệm chưa có đủ, cũng như các quy định về giãn cách và khẩu trang chưa được công bố.
Những người nhiễm bệnh nhưng có triệu chứng nhẹ (thậm chí là không có triệu chứng) trở thành một con đường lây lan quá dễ dàng, vì họ không biết cách để tránh lây bệnh cho người khác, đặc biệt là những ai có tiền sử bệnh nền - vốn là các đối tượng gặp rủi ro lớn nhất.
Và Paul tin rằng, đó là những gì đã xảy ra giữa anh và bố mình.
"Liệu tôi có thể cẩn thận hơn với thứ tôi nghĩ là cảm lạnh thôi không?" - Paul chia sẻ trong một buổi phỏng vấn. "Nếu nghĩ được giống như tôi bây giờ, bạn sẽ không khiến người khác nhiễm bệnh. Nhưng khi đó không có đủ thông tin, và tôi gặp rắc rối với nó."
Paul đã không được làm xét nghiệm virus corona. Ông đã yêu cầu được xét nghiệm, nhưng vì triệu chứng không nặng nên không được tiếp cận. Mẹ ông và bạn gái cũng chỉ có triệu chứng nhẹ thôi.
Robert thì khác. Tại bệnh viện, phổi của ông bắt đầu suy kiệt. Các bác sĩ thừa nhận rằng họ chẳng thể làm gì hơn để ngăn thứ virus quái ác tàn phá cơ thể ông. Việc điều trị chuyển sang công đoạn giảm nhẹ, để ông cảm thấy thoải mái và không còn đau đớn.
Không có ai được phép vào thăm, nhưng Paul và cha được phép trò chuyện qua điện thoại và đôi khi là FaceTime. Robert trông có vẻ rất bình thản. Paul chưa từng phải nghe một lời trách cứ hay nghi ngại nào từ cha, về việc làm sao ông lại nhiễm hay khả năng chính con trai đã lây bệnh cho mình. Paul nói với cha rằng ông tin rằng mình chính là nguồn cơn.
"Con xin lỗi bố," - Paul nói như vậy.
Ngày 9/4, sau khi Robert nhập viện 1 tuần, họ có một cuộc trò chuyện cuối cùng. Paul cảm ơn cha về tất cả, hứa sẽ chăm sóc cho mẹ hết khả năng của mình.
"Cảm ơn con trai. Con đã là một người con tuyệt vời, và mình sẽ gặp lại nhau một ngày nào đó trên thiên đàng," - Robert đáp lại.
Chiều hôm đó, bệnh viện gọi tới nói rằng Paul có thể đến thăm cha vào sáng hôm sau. Nhưng chẳng được bao lâu, chị gái ông đã gọi lại. Ông Robert đã qua đời.
"Anh đã giết cha rồi," - Paul thổn thức nói với bạn gái. "Anh đã lây bệnh cho cha."
Dù bạn gái và gia đình đều nói rằng ông không nên đổ lỗi cho bản thân, Paul vẫn không thể buông bỏ cảm giác ấy. "Một cảm giác rất kỳ lạ, kiểu bạn không thể cảm thấy bình an vậy. Bạn sẽ không thể nghỉ ngơi với cảm giác tội lỗi ấy."