Con cá mới dạt bờ này cho thấy nước Úc quả đúng là toàn những sinh vật khổng lồ

J.D |

Một con cá to còn hơn cơ thể của người trưởng thành mới dạt vào bờ sông tại Nam Úc. Đó là loài vật gì?

Nước Úc từ lâu đã nổi danh trên thế giới là một nơi có hệ sinh thái khá dị thường. Những loài vật của quốc gia này, nếu không có độc tính mạnh nhất nhì Trái đất, thì cũng phải có hình thể ngoại cỡ so với phần còn lại.

Cứ nhìn vào con cá mới "lạc trôi" vào bờ sông Murray tại Nam Úc vừa qua là đủ hiểu ngay.

Con cá mới dạt bờ này cho thấy nước Úc quả đúng là toàn những sinh vật khổng lồ - Ảnh 1.

Bức hình trên do Linette Grzelak - một người dân địa phương - đăng tải trên Facebook vài ngày qua. Nó nhanh chóng nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng, bởi con cá trong hình có cơ thể quá sức to lớn và kỳ dị. Nó thuộc về loài cá có cái tên vô cùng rực rỡ: Cá mặt trời. 

Tiếc là con cá dạt vào bờ đã tử nạn, nhưng theo các nhà sinh học, cá mặt trời dù to hơn cả người trưởng thành nhưng không hề gây hại. Răng của chúng chụm lại thành một cái mỏ nhọn, chỉ đủ để ăn sứa và phù du trôi nổi trên đại dương thôi.

Điều đáng chú ý là biển nước Úc là nơi tọa lạc của 3 loài cá mặt trời khác nhau, và xác con cá mới dạt bờ thuộc vào dạng hiếm nhất.

"Khi quan sát, tôi nhận ra đây là loài hiếm gặp nhất trong 3 loài tại các vùng nước phía Nam úc," - Ralph Foster, chuyên gia hải dương học chia sẻ.

"Cả thế giới gọi nó là cá mặt trời, nhưng nó còn tên khác ít thông dụng hơn là Mola mola."

Cá mặt trời thực chất xuất hiện ở gần như khắp mọi nơi trên thế giới, cả ở châu Á lẫn châu Mỹ, dù môi trường sống ưa thích của chúng chỉ là các vùng nước ấm thuộc khu vực nhiệt đới. Tuy nhiên, chúng thường chỉ sống xa bờ, nên nếu bắt gặp một con thì phải nói là bạn cực kỳ may mắn đấy.

Con cá mới dạt bờ này cho thấy nước Úc quả đúng là toàn những sinh vật khổng lồ - Ảnh 2.

"Con cá được người bạn của tôi tìm thấy hôm trước. Tôi đã nghĩ nó là giả cơ," - Grzelak chia sẻ.

Cũng trong tháng 3/2019, người dân tại bờ biển Santa Barbara (California, Mỹ) cũng bắt gặp một con cá mặt trời dạt bờ, dù nó thuộc phân loài khác (M. tecta). Nó dài tới 2,1m, và khiến giới khoa học cảm thấy khó hiểu bởi trước đó chúng thường chỉ sống ở phía Nam Bán Cầu thôi.

"Con cá ấy khiến chúng ta phải thay đổi suy nghĩ về chúng," - Michelle Starr, cây viết tại Science Alert cho biết.

Tham khảo: Science Alert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại