Có thể Vntrip kiện Agoda chỉ là chiêu PR, nhưng đúng là Agoda, Google, hay Facebook đều đang kiếm bộn tiền trên đất Việt mà chẳng đóng một đồng thuế nào!

Cứ đà này, các startup Việt như Vntrip sẽ mãi là cậu bé nghèo thu lượm từng đồng bạc lẻ, trong khi các doanh nghiệp quốc tế như Agoda đã giàu nay càng giàu hơn.

Hôm qua, Vntrip - một startup chuyên về du lịch của Việt Nam đã có buổi gặp gỡ báo chí với nội dung tố cáo Agoda trốn thuế tại Việt Nam. Một phần, câu chuyện này được giới truyền thông chú ý bởi mối quan hệ giữa 2 bên.

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc phát động khởi kiện, tố cáo Agoda trốn thuế là một chiêu trò PR, bởi Agoda vốn chẳng hề có trụ sở gì tại Việt Nam để Vntrip có thể tiến hành kiện tụng.

Đấy là chưa kể Booking - đối tác của Vntrip và Agoda vốn là 2 công ty cùng một hệ thống với cách hoạt động tương đồng nhau.

Tuy nhiên, cho dù động thái của Vntrip có vì mục đích gì đi chăng nữa, có một điều startup này đã nói đúng: Những DN công nghệ Internet toàn cầu như Agoda, Facebook hay Google đều trang trốn rất nhiều thuế và cả thế giới chưa có cách nào xử lý được. Việt Nam, tất nhiên, cũng không ngoại lệ.

Google, Facebook hay Agoda "trốn thuế" như thế nào?

Về bản chất, Google, Facebook hay Agoda chưa từng thành lập doanh nghiệp hay trụ sở tại Việt Nam. Mặc dù thông qua Google hay Facebook Ads, 2 gã khổng lồ này đã thu được rất nhiều tiền tại thị trường Việt Nam, nhưng cả 2 đều chưa bao giờ nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.

Năm 2015, tổng doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến trên 7.000 tỉ đồng, doanh thu trực tiếp của Facebook và Google chiếm một lượng lớn, và nhưng không một đồng doanh thu nào phải chịu thuế. Với các nguồn thu gián tiếp, Google, Facebook cũng khéo léo đẩy nghĩa vụ thuế cho các đại lý.

Ngay cả khi thông báo có nhân viên tại Việt Nam, nhưng thực chất, các nhân viên này lại ký hợp đồng lao động qua bên thứ ba hoặc với trụ sở của Google, Facebook tại quốc gia khác (thường là Singapore). Và tất nhiên, một lần nữa chúng ta lại chẳng thu được gì.

Nguy hiểm hơn, không chỉ thuế mà toàn bộ dòng tiền mà Agoda, Facebook hay Google thu về sẽ đi trực tiếp ra nước ngoài.

Như tại buổi chia sẻ vừa qua, ông Lê Đắc Lâm - CEO Vntrip cũng đưa ra dẫn chứng cho việc Agoda trốn thuế tại nước ta.

Ông Lâm chỉ rõ, khi khách hàng Việt trả 100 USD tiền phòng cho Agoda, doanh nghiệp này trả lại 80 USD cho khách sạn tại Việt Nam và thu về 20 USD tiền phí.

Số tiền này được chuyển thẳng về công ty Agoda tại Singapore và Việt Nam không thu được đồng thuế nào. Đây là hành động trốn thuế của Agoda.

"Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, thì đến năm 2020, chỉ cần 50% doanh thu đến từ nội địa cũng đủ đóng góp 5,25 tỷ USD tiền phòng cho toàn ngành du lịch và nếu không có chế tài kiểm soát Agoda, Việt Nam có thể thất thoát 10.000 tỷ đồng tiền thuế".

Trên thực tế, việc trốn thuế của các gã khổng lồ công nghệ cũng gây phiền não cho rất nhiều quốc gia hùng mạnh. Chẳng hạn, hồi đầu năm nay, giới chức Pháp đòi truy thu Google 1,6 tỉ euro tiền thuế.

Bản thân các gã khổng lồ công nghệ này cũng "biết thừa" hành vi trốn thuế của mình, khi Google đã đồng ý thỏa thuận nộp cho Anh 160 triệu USD tiền thuế trốn trong 10 năm và cam kết đóng nhiều thuế hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rõ là đến quốc gia phát triển nhất như Anh cũng chỉ truy thu được số tiền thuế rất tượng trưng (và còn phải thỏa thuận mới thu được). Vậy với Việt Nam, liệu chúng ta có thể thu nổi không?

Có thể Vntrip kiện Agoda chỉ là chiêu PR, nhưng đúng là Agoda, Google, hay Facebook đều đang kiếm bộn tiền trên đất Việt mà chẳng đóng một đồng thuế nào! - Ảnh 1.

Rất khó để biết được, và việc trốn thuế chắc chắn sẽ khiến không chỉ Vntrip mà toàn hệ thống DN Việt Nam gặp khó khăn để cạnh tranh

Đơn giản bởi việc không phải đóng thuế giúp DN tránh được lượng chi phí rất lớn. Có thể kể ngay tới thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân (cho người lao động) và tiền bảo hiểm.

Lãnh đạo một công ty công nghệ lớn của Việt Nam từng chia sẻ, một doanh nghiệp khi trả lương cho một nhân sự 2.000 USD/tháng thì bản chất DN đó đã phải chi ra tới 3.000 USD nếu tính cả tiền thuế, tiền bảo hiểm xã hội.

Nếu một công ty trong nước trả lương cho nhân viên cao bằng Google, Facebook hay Agoda Việt Nam, thì thực ra họ phải bỏ ra một số tiền gấp rưỡi những công ty trên.

Tiềm lực đã mạnh mẽ hơn, Google còn phải trả ít tiền hơn để thuê được cùng một nhân sự chất lượng.

Nghịch lý này không chỉ khiến ngân sách thất thu mà còn gây ra tình trạng "chảy máu" chất xám sang các công ty nước ngoài. Điều này rất nguy hiểm, vì trong ngành công nghệ cao, con người là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của cả ngành.

Nhưng lương thưởng, hay chất lượng nhân sự chỉ là một trong những vấn đề mà startup/ doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế.

Khái quát hơn, vấn đề nằm ở chi phí hoạt động. Vì doanh nghiệp có trụ sở hoạt động tại Việt Nam phải đóng thuế đúng luật, chi phí của họ ắt sẽ bị đội lên. Còn như doanh nghiệp ngoại, đã lắm tiền nhiều của, giờ không phải đóng thuế, chi phí hoạt động sẽ thấp hơn.

Vô hình trung, sức cạnh tranh của các startup/ doanh nghiệp Việt Nam sẽ kém hẳn so với doanh nghiệp ngoại.

Xử lý vấn đề này có lẽ rất khó, nhưng đâm đơn kiện để người Việt hiểu hơn về hoạt động chẳng mấy tốt đẹp của các ông lớn công nghệ đa quốc gia cũng không phải là một ý kiến tồi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại