Quân đội Myanmar hứng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế vì mạnh tay với người biểu tình hòa bình (Ảnh: Getty)
Các nhà hoạt động đã kêu gọi một cuộc đình công lịch sử tiếp nối các cuộc tuần hành đầy bạo lực trong khoảng thời gian cuối tuần trước – trong đó cảnh sát đã nổ súng vào người biểu tình ở thành phố lớn thứ hai Myanmar, Mandalay, khiến ít nhất 2 người chết.
Những bức ảnh được các nhiếp ảnh gia Myanmar và mạng xã hội đăng tải trong hôm đầu tuần này cho thấy những đám đông người tụ họp trên các tuyến phố ở Yangon, Mandalay, thủ đô Naypyidaw và nhiều thị trấn, thành phố khác trên khắp cả nước.
Trong một tuyên bố đáng sợ đưa ra vào tối ngày 21/2, quân đội Myanmar nói rằng họ có thể sử dụng vũ lực đối với người biểu tình.
"Có dấu hiệu cho thấy người biểu tình có xu hướng bạo động và vô chính phủ vào ngày 22/2. Người biểu tình giờ đang kích động người dân, đặc biệt là thanh niên và người trẻ tuổi, đi theo con đường xung đột mà có thể khiến họ thiệt mạng" – Hội đồng Quản lý Nhà nước, tên chính thức của chính quyền quân sự đang kiểm soát Myanmar, nói trên đài MRTV.
Một đoạn video trên mạng xã hội cho thấy hàng rào dây thép gai được giăng khắp các tuyến đường tới một số đại sứ quán ở thành phố lớn nhất, Yangon, điểm tập trung của các cuộc biểu tình gần đây. Nhiều xe chuyên dụng của cảnh sát và quân đội tuần tra dọc các tuyến phố.
Những người biểu tình đã kêu gọi tất cả văn phòng và cửa hàng đóng cửa trong hôm đầu tuần này, trong khi các nhà hoạt động hối thúc người dân tham gia cuộc biểu tình có tên "Five Twos" (5 con số 2, ám chỉ ngày 22/2/2021).
Các cuộc biểu tình cuối tuần
Trong suốt hơn 2 tuần lễ, hàng nghìn người dân ở các làng mạc, thị trấn và thành phố trên khắp Myanmar đã tham gia tuần hành hòa bình hoặc các phong trào dân sự phi bạo lực để phản đối việc quân đội tiếp quản đất nước, kêu gọi các tướng lĩnh trao trả quyền lực và trả tự do cho lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng các quan chức dân cử.
Chính quyền quân sự đã cố gắng ngăn chặn các cuộc biểu tình bằng cách ban lệnh cấm tụ tập trên 5 người và lệnh giới nghiêm ở một số khu vực nhất định, thậm chí cắt Internet vào ban đêm. Họ cũng điều binh sĩ tới các thành phố lớn.
Vụ đàn áp bạo lực khiến 2 người biểu tình thiệt mạng ở Mandalay cũng không ngăn được người dân tham gia biểu tình trong hôm 21/2.
Ở Yangon, người biểu tình đi bộ tới Đại sứ Quán Mỹ, giơ cao biểu ngữ "Hãy giúp Myanmar". Ở Myitkyina, thủ phủ của bang Kachin, người biểu tình lái xe gắn máy tuần hành cùng những tấm biểu ngữ lớn.
Và ở thủ đô Naypyidaw, đám đông lớn đã tụ tập để tham gia tang lễ của một người phụ nữ trẻ bị thiệt mạng trong hôm thứ Sáu tuần trước vì bị bắn vào đầu lúc tham gia biểu tình. Mya Thweh Thweh Khine, người bị bắn chết ngay trước khi sang tuổi 20, trở thành nạn nhân thiệt mạng đầu tiên của phong trào biểu tình dân chủ Myanmar.
Bộ Ngoại giao Myanmar nói trong một tuyên bố đưa ra tối hôm Chủ nhật rằng họ "đang kiềm chế hết mức có thể và hạn chế tối đa sử dụng vũ lực" khi đối phó với người biểu tình. Họ cũng nói rằng những tuyên bố và phát ngôn bởi một số quốc gia là "không khác gì can thiệp vào vấn đề nội bộ của Myanmar".
Cộng đồng quốc tế lên án
Một số quốc gia trên thế giới đã lên án cuộc đảo chính và hành động bạo lực nhằm vào người biểu tình ở Myanmar.
Ngày 20/2, Singapore cảnh báo sẽ "có những hậu quả nghiêm trọng" đối với Myanmar nếu như tình hình tiếp tục căng thẳng. Singapore, nhà đầu tư lớn nhất ở Myanmar trong năm tài khóa 2019-2020, nói rằng việc cảnh sát Myanmar sử dụng vũ khí sát thương nhằm vào thường dân tay không tấc sắt là hành vi "không thể tha thứ".
Người phụ trách các vấn đề đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hôm 20/2 cũng kêu gọi quân đội Myanmar và "tất cả các lực lượng an ninh ở Myanmar lập tức ngừng ngay hành động bạo lực đối với thường dân".
Đặc phái viên LHQ về vấn đề nhân quyền ở Myanmar, Tom Andrews, viết trên Twitter rằng ông cảm thấy "kinh hãi khi chứng kiến tổn thất về nhân mạng" khi quân đội "gia tăng hành động tàn bạo ở Myanmar".
"Từ vòi rồng cho tới đạn cao su, đạn hơi cay và giờ là binh sĩ xả đạn vào người biểu tình hòa bình. Sự điên rồ này cần phải chấm dứt ngay!" – ông nói.