"Món mới"?
Việc người Nga sử dụng rộng rãi máy bay không người lái (UAV/Drone) cho các hoạt động trinh sát và tấn công trong khu vực Chiến dịch quân sự đặc biệt (SMO) không phải là tin mới và việc đối thủ của họ đang tìm kiếm mọi giải pháp để chống trả cũng vậy.
Gần đây người Ukraine đã tung lên bầu trời một loại khí tài mới với mục tiêu đánh chặn các UAV tầm xa của Nga như UAV cảm tử Geran, UAV trinh sát Orlan - chúng cụ thể là các máy bay hạng nhẹ với hỏa lực chính là vũ khí bộ binh.
Hiện công việc đánh chặn này đang được đảm nhiệm bởi các tiêm kích Ukraine, nhưng những khí tài này có số lượng hạn chế và các tính năng kỹ chiến thuật của chúng có vẻ dư thừa cho nhiệm vụ loại này. Và đó là lúc "sáng kiến" bật ra.
Từ cuối tháng 4/2024, các video thú vị đã xuất hiện trên Internet cho thấy máy bay huấn luyện Yak-52 do Liên Xô sản xuất đã đánh chặn mục tiêu được cho là Orlan-10 của Nga trong khu vực Odessa.
Theo nhiều chuyên gia, chiếc máy bay huấn luyện có thể đã được nâng cấp, với hỏa lực bao gồm súng máy PK để 1 trong các phi công sử dụng. Cũng có thông tin cho biết rằng chiếc Yak-52 đã bắn hạ ít nhất một chiếc Orlan, gián tiếp ngăn cản hoạt động trinh sát của phía Nga.
Tuy nhiên căn cứ vào video, rất có thể mục tiêu là một UAV UJ-22 của... Ukraine và dù đây có phải là một hoạt động thử nghiệm hay không, chiếc máy bay hạng nhẹ đã chứng tỏ năng lực chiến đấu nhất định.
Vào ngày 8/7/2024, một video khác xuất hiện trên Internet cho thấy cảnh một UAV bị máy bay hạng nhẹ vô hiệu hóa và loại máy bay này là Aeroprakt A-22 do Ukraine sản xuất.
Phi công phụ được trang bị súng trường tấn công Malyuk và vừa phải trinh sát, vừa phải khai hỏa vào mục tiêu thông qua một "cửa sổ" ở kính bên.
Đánh giá nhanh về hiện trường, có thể tạm kết luận rằng đây vẫn là một hoạt động thử nghiệm khác hơn là một phi vụ đánh chặn thực tế. Dù sao thì ở Ukraine, khoảng cách giửa thử nghiệm và "thử lửa" là rất gần.
Vẫn nên được Nga "ưu tiên"?
Nhìn từ góc độ kỹ thuật, chiếc Yak-52 vừa "tung hoành" trên bầu trời Odessa là một "máy tập bay" được Liên Xô phát triển vào đầu những năm 1970 và được sản xuất hàng loạt tại nhà máy Aerostar ở Romania.
Yak-52 dài khoảng 7,8 mét với sải cánh là 9,3 mét. Trọng lượng rỗng của máy bay là 1.035 kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 1.315 kg. Động cơ piston M-14P có công suất 360 mã lực đem lại tốc độ và tầm bay lên tới 270 km/h và 465 km.
Tốc độ bay hành trình của máy bay là 110 km/h, trần bay thực tế là 4.000 mét.
Buồng lái được bố trí hai chỗ ngồi song song với 2 bộ điều khiển đầy đủ cho cả 2 phi công.
Aeroprakt A-22 được Ukraine phát triển vào cuối những năm 1990 như một máy bay huấn luyện dân sự đơn giản hoặc máy bay vận tải hạng nhẹ. Tính tới thời điểm hiện tại ít nhất 1.000 chiếc đã được chế tạo.
A-22 dài 6,23 mét, sải cánh 9,55 mét, trọng lượng rỗng 306 kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 450 kg. Một động cơ piston Rotax 912 công suất 100 mã lực được lắp ở phần mũi. Buồng lái của A-22 có thể chứa 2 phi công.
Như đã nói ở trên, Yak-52 được trang bị 1 súng máy PK bắn đạn 7,62×54 mm R có tầm bắn tối đa là 1.000 mét, tốc độ bắn 650 phát/phút và cơ số đạn trên 100 viên.
Ở A-22 là Malyuk, biến thể bullpup của súng trường tấn công AK-74. Nó có tầm bắn tối đa là 1.000 mét, có thể bắn đạn 5,45x39 mm hoặc 5,56x45 mm NATO với tốc độ bắn 650 phát/phút.
Chúng ta hãy cùng nhìn vào ưu điểm. Cụ thể là về chính các loại máy bay hạng nhẹ như Yak-52 và A-22.
Chúng có trần bay thấp, tốc độ không cao nhưng có khả năng cơ động tốt, và về lý thuyết có thể đối phó với các UAV Orlan và Geran có tốc độ không quá 200 - 250 km/h. Về nguồn cung thì loại thứ nhất vẫn có sẵn trong kho còn loại thứ hai vẫn đang được sản xuất.
Nhược điểm thì sao? Đầu tiên là "sáng kiến" loại này là dạng "ngẫu hứng", tức là những người chế tạo không thể chọn những thành phần tối ưu mà chỉ là những thứ có sẵn, đặc biệt là về vũ khí và hệ thống điều khiển vũ khí.
Cả súng máy PK lẫn súng trường tấn công Malyuk đều là vũ khí bộ binh và nghĩa là mọi tính năng đánh chặn đều được thực hiện "bằng cơm". Tức là kết quả tốt hay xấu phụ thuộc hoàn toàn vào việc máy bay sở hữu một xạ thủ được huấn luyện kỹ càng hay không.
Quan trọng hơn, bất chấp những loại khí tài đánh chặn kiểu này đang gia tăng thì số lượng của chúng cũng khó có thể tương ứng với hoạt động quy mô của UAV Nga. Và vì vậy tôi (Ryabov Kirill) cho rằng Yak-52 hoặc A-22 sẽ không thể đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Trong phần bình luận bài viết của ông Ryabov Kirill, một độc giả Nga có biệt danh "Vladimir_2U" đã nhấn mạnh:
"Nói chung là dù may bay có tệ hại tới đâu, sự xuất hiện của chúng trên bầu trời vẫn luôn có lợi cho đối phương. Do vậy, bất kể đối phương có cho loại máy bay nào cất cánh, chúng cũng vẫn luôn là mục tiêu ưu tiên".
Hoài Giang