Cơ sở huấn luyện lực lượng an ninh đặc nhiệm Đức

Trần Hồng |

Ngôi trường được thành lập cách đây hơn nửa thế kỷ, vào năm 1962 sau vụ ám sát hụt ông Konrad Adenauer (1876-1967) vị Thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức, tọa lạc giữa vùng ngoại vi Sankt-Augustin Hangelar thuộc Bonn (thủ đô tạm thời của Tây Đức khi ấy).

Trong một ngôi làng hẻo lánh dân cư thưa thớt với vài ngã tư nhỏ, 2 chiếc Damler mang bảng số Berlin từ từ tiến dọc con phố chính và dừng lại trước cửa một ngôi nhà kề khúc ngoặt.

Khi một người đàn ông thấp béo với bộ âu phục sẫm màu bước từ chiếc xe thứ nhất xuống, bỗng có tiếng súng nổ. Người phụ nữ mặc áo choàng nâu cùng người đàn ông vận áo len ẩn trong bụi rậm bắn xối xả vào những người trên xe… Một trong những người tháp tùng liền nằm đè lên người đàn ông mập…

"Dừng lại!" - thầy giáo hô lớn. Ông tỏ ý không hài lòng, bởi các vệ sĩ của người đàn ông kia đã phản ứng chậm tới cả 2 giây - quãng thời gian đủ để một tên khủng bố chuyên nghiệp hạ sát "vị bộ trưởng mập" đó.

"Hãy để ông ta nằm xuống, che chắn và bắn lại, rồi tìm cách… chuồn cùng đương sự càng nhanh càng tốt. Đó là thủ pháp đơn giản đầu tiên mà giới vệ sĩ đặc nhiệm cần phải biết", thầy giáo giảng giải.

Kế tiếp là các bài tập rắc rối khác nhằm bảo toàn cho người được bảo vệ. Họ tập đi tập lại tới mức thuần thục; bởi khi kẻ khủng bố nhấn cò súng, sự may mắn chỉ đến trong vòng vài giây đồng hồ. Người vệ sĩ phải hạ được đối thủ ngay từ loạt đạn bắn trả tức thì…

Trên đây là một cảnh diễn tập hàng ngày của các học viên thuộc Trường An ninh Đặc nhiệm, nằm trong biên chế của lực lượng An ninh Liên bang Đức (FKS).

Ngôi trường được thành lập cách đây hơn nửa thế kỷ, vào năm 1962 sau vụ ám sát hụt ông Konrad Adenauer (1876-1967) vị Thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức, tọa lạc giữa vùng ngoại vi Sankt-Augustin Hangelar thuộc Bonn (thủ đô tạm thời của Tây Đức khi ấy).

Thầy giáo - một chuyên viên dày dạn của FKS - cằn nhằn đám học viên: "Các anh đã quá lúng túng, rất chậm chạp trước khi đẩy được "bộ trưởng" ngã xuống… Nếu chuyện này xảy ra trong thực tế, thật khó mà vẹn toàn sinh mạng của vị yếu nhân được!".

Đồng thời trợ lý chính cho thầy giáo, Trung tá An ninh Otto Schmidt nêu dẫn chứng: "Ví như trong lần trấn áp một tên khủng bố định sát hại Thủ hiến bang Lower Saxony mới đây, vệ sĩ Christian Schroeder kịp tiêu diệt hắn trong vòng chưa đầy một giây".

Mọi học viên trong trường đều có bí số riêng. Chủ đề bao trùm các bài tập là tạo khả năng "tự tồn tại". Đại tá dự bị Willi Schoppen, Giám đốc và là giảng viên chính, cho biết:

"Có thể các học viên - những "vệ sĩ - thiên thần" tương lai không phải thực thi thường xuyên các bài tập khó khăn ấy ngoài đời; nhưng nếu như có "sự cố" bất chợt, họ phải tìm ra ngay phương án tối ưu nhất để bảo vệ các yếu nhân. Bởi kẻ khủng bố bao giờ cũng nổ súng vào những thời điểm khó ngờ nhất; nếu họ phạm sai sót, hậu quả khôn lường ắt sẽ đến!".

Nếu xe chở chính khách bị tấn công, người tài xế - vệ sĩ trước tiên là phải nhấn hết ga qua khỏi vùng nguy hiểm. Phải tìm ra phương thức "chuồn" an toàn nhất và đó là một bài tập khó. Họ tập điều khiển những cỗ xe bọc thép nặng nề phóng với vận tốc 200km/giờ, có thể quay ngoắt 180 độ ở những khúc đường hẹp chỉ rộng chừng 3,5m…

Nhiều người tập cả tháng ròng mới chinh phục được thứ "nghệ thuật cầm vô-lăng" ấy. Trong thực tế vào những lúc hỗn độn, người thiếu kinh nghiệm thường nhầm lẫn giữa bàn đạp chân phanh và bàn nhấn ga - như vậy là thất bại rồi!".

Lịch sử của Trường An ninh Đặc nhiệm gắn liền với vụ khủng bố đầy tai tiếng nhắm vào Thủ tướng K. Adenauer, vụ này cũng là một thành công lớn của công tác an ninh trong lĩnh vực bảo vệ các yếu nhân của Đức. Đạn đã bắn xuyên cửa sổ của chiếc xe có lắp kính chống đạn chở Adenauer, trúng giữa trán người ngồi hàng ghế sau nơi vị đứng đầu nội các vẫn ngồi…

Nhưng té ra đó là một người nộm bằng bìa carton, còn yếu nhân K. Adenauer vẫn bình an vô sự. Nên nhớ cố Thủ tướng K. Adenauer vốn là người hết sức cẩn trọng, đội vệ sĩ bảo vệ ông cũng vậy: luôn thay đổi lộ trình, kiểu xe, cũng như vị trí ngồi của nhà lãnh đạo Chính phủ Đức giữa đoàn xe tháp tùng đông đảo.

Ngược lại, có nhiều chính khách lại phản đối "bức tường thịt" vệ sĩ. Họ coi đó là "rào cản của nền dân chủ", khiến các yếu nhân "không tiếp xúc được với công chúng như một người bình thường(!).

Như trường hợp với Tổng thống Đức Gustav Heinemann (1899-1976) là một ví dụ điển hình. Ông này luôn ca cẩm là "phát điên lên bởi sự hiện diện đông như… ruồi bu của đám vệ sĩ".

Cho tới một lần, khi một công dân Tây Berlin đã nhảy xổ ra trước mặt vị Tổng thống rồi cho ông một… cái tát trời giáng. Lực lượng vệ sĩ đang buộc phải "cách ly" xa chỗ vị nguyên thủ quốc gia chỉ kịp hoàn hồn với câu hỏi: "Có đau lắm không, thưa ngài Tổng thống?".

Hung thủ đương nhiên bị tóm tại trận; nhưng âu cũng là bài học về thứ "dân chủ quá trớn" cho các yếu nhân, từ đó ông G. Heinemann mới chịu hậu thuẫn mạnh mẽ cho ngôi trường thuộc FKS - chuyên nhiệm với việc đào tạo giới vệ sĩ bảo đảm an ninh cho các chính khách Đức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại