Cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân bí mật của Israel

Q.Phú- Q.Hiếu |

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Israel có tên gọi chính thức là Ciria Le Mekhecar Garini (CMG), được dịch từ tiếng Evrit (ngôn ngữ Do Thái) nghĩa là "Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân".

Tuy cơ sở tối mật này có trụ sở ẩn trong lòng sa mạc Negev, nhưng thế giới quen gọi gắn với địa danh Dimona gần đó hơn. Đây chính là lò sản xuất nhiều dạng vũ khí nguyên tử của "tiểu siêu cường" Israel.

15 năm tù cho người nào hé môi về công việc mình làm trong Dimona

Hàng ngày vào 7 giờ sáng, một đoàn xe chở khách hiệu Volvo nửa xanh nửa trắng lại nối đuôi nhau trên xa lộ băng qua sa mạc Negev.

Độ 9 dặm (15km) sau khi rời khỏi thành phố Dimona, đoàn xe rẽ sang phải xuôi theo một con lộ khác. Chạy thêm khoảng nửa dặm nữa thì đến trạm kiểm soát đầu tiên. Những người lính vũ trang đến tận răng kiểm tra thẻ ra vào của mọi người. Đoàn xe đi tiếp 2 dặm nữa lại có biển "Stop!", lần này gặp sự kiểm soát gắt gao hơn của lực lượng an ninh.

Cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân bí mật của Israel - Ảnh 1.

Công trường xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại sa mạc Negev.

Trước mặt là tuyến hàng rào có gắn điện cao thế trải dài tít tắp, nhằm bảo vệ địa điểm bí mật nhất của nhà nước Israel. Phần cát bên trong hàng rào luôn được san phẳng, để lính thủy đánh bộ tuần phòng bằng trực thăng dễ dàng nhận ra dấu chân của những kẻ vi phạm "vùng cấm".

Trên các đỉnh đồi xung quanh đều có đài quan sát của lực lượng đặc nhiệm, tên lửa phòng không có quyền bắn hạ bất cứ phương tiện nào "bay lạc" vào khoảng không cấm bay bên trên - như đã từng xảy ra với một máy bay của Hãng Hàng không dân dụng Ayit Aviation của Israel trong năm 1967.

Khu vực Dimona thuộc quyền kiểm soát của CMG chính là lò sản xuất nhiều dạng vũ khí nguyên tử của "tiểu siêu cường" Israel. Phong cảnh bao trùm là những hàng cọ và những khối bê tông.

Đoạn quốc lộ nối Beerseba với Sodom là lối duy nhất đi sát qua vùng này mà không cần phải có thẻ ra vào. Các bức ảnh nhạt nhòa được "chộp" từ trên những chiếc xe đang phóng như bay bởi khu vực này bị "cấm dừng" bằng những chiếc máy ảnh may mắn thoát khỏi tầm mắt của lính gác và lực lượng tuần tra, là những pô ảnh tư liệu hiếm hoi và đắt giá.

Đoàn xe Volvo đi theo lộ trình này 3 lần/ngày để chở số nhân viên đông đảo tới 2.700 người lần lượt đi đổi ca. Yếu tố cơ mật đòi hỏi mọi người không được hé môi về những công đoạn mình làm - ngay cả với các đồng nghiệp khác lâu năm trong Dimona cũng vậy. Ai vi phạm sẽ bị xử 15 năm tù cấm cố.

Xuống xe, họ tỏa về các Mahona (theo tiếng Evrit nghĩa là đơn vị sản xuất độc lập). Có cả thảy 10 đơn vị như vậy.

Mahona-I chính là lò phản ứng làm giàu nguyên liệu hạch tâm. Mahona-IV là nơi đóng gói các chất thải để đem chôn ngoài sa mạc. Nhưng chỉ có một nhóm nhỏ độ 150 người là có "giấy phép đặc biệt" đi qua những lần cửa mang tính bí ẩn lớn nhất ở Dimona: Mahona-II.

Thoạt nhìn bên ngoài, đó là một ngôi nhà 2 tầng bình thường làm nhà kho và văn phòng.

Nhưng có 2 yếu tố phần nào "tiết lộ sự thật" bên trong: tường và trần của ngôi nhà được đổ bê tông cực dày nhằm chống lại mọi cuộc ném bom, và tháp thang máy - chứng tỏ có những tầng sâu ẩn dưới lòng đất.

Suốt 3 thập niên, tòa nhà "bình dị" này đã che mắt được sự nhòm ngó của vệ tinh do thám, cũng như giới thanh tra quốc tế về năng lượng hạt nhân. Còn bên trên, nó nằm trong một tổng thể liên hoàn mà người Israel cố tình xếp đặt: trạm thí nghiệm nguyên tử.

Từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, các cơ quan tình báo, các nhà khoa học, cũng như giới phóng viên tâm huyết dày công đi tìm "chân tướng bên trong nhưng họ vấp phải yếu tố "bí hiểm" chính: đâu là chỗ để biến các thí nghiệm nguyên tử thuần túy vì mục đích hòa bình thành kỹ nghệ chế tạo vũ khí hạch tâm?

"Mahona-II đã trả lời rõ! Những bức tường giả nơi tầng 1 giấu kín các buồng thang máy chuyên dụng dành cho những tầng sâu.

Có tất cả đến… 6 tầng ngầm dưới mặt đất. Chúng được thiết kế hoàn hảo nhằm hoàn tất mọi công đoạn liên quan đến đầu nổ hạt nhân", đó là lời kể của Mordechai Vanunu, người đã 9 năm làm tại Mahona-II trong vai trò kỹ thuật viên nguyên tử, với phóng viên tờ tuần báo The Sunday Times phát hành ở London (Anh) vào đầu năm 1986 (về sau, M. Vanunu bị nhân viên Cơ quan Tình báo Mossad của Israel sang châu Âu bắt cóc dẫn về xử 18 năm tù vì tội phản quốc).

CMG được người Pháp xây dựng bí mật trong giai đoạn từ năm 1957 đến 1964. Ở Dimona, các kỹ sư Pháp giúp Israel xây dựng một lò phản ứng hạt nhân và nhà máy tái xử lý bí mật có khả năng phân tích plutonium từ nhiên liệu lò phản ứng đã sử dụng.

Pháp thật sự đã mở lối cho Israel phát triển chương trình vũ khí hạt nhân qua sự giúp đỡ rất nhiệt tình với đội ngũ chuyên gia và công nhân đông đảo.

Vào cuối thập niên 50 thế kỷ trước, có đến 2.500 công dân Pháp sống ở Dimona, họ biến nơi đây thành một thành phố quốc tế thật sự với nhiều trường trung học Pháp, những con đường đầy rẫy những chiếc ôtô Renault lưu thông và toàn bộ những hoạt động được giữ bí mật tuyệt đối.

Nhà báo điều tra người Mỹ Seymour Hersh viết trong cuốn sách "The Samson Option": "Lực lượng công nhân người Pháp ở Dimona bị cấm viết thư trực tiếp về cho người thân và bạn bè ở quê nhà và những nơi khác mà phải gửi thư đến một hộp thư bưu điện nào đó của một quốc gia thuộc Mỹ Latinh".

Ban đầu Israel khăng khăng đấy chỉ là một… nhà máy dệt. Nhưng vào cuối năm 1960, khi máy bay không thám U-2 của Mỹ chụp được quang cảnh "nhà máy", Tel Aviv liền hứa là sẽ chỉ "nhắm trung tâm vào mục đích dân sự thuần túy" mà thôi(!).

Còn Tổng thống Pháp đương nhiệm lúc ấy là Charles De Gaulle lại lên tiếng khẳng định: Pháp không hề cung cấp kỹ thuật để một ngày nào đó biến Dimona thành lò sản xuất vũ khí nguyên tử được.

Thật ra, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã nắm rõ đây chính là nơi người Do Thái làm giàu chất pluton - nguyên liệu cấu thành bom nguyên tử theo kỹ thuật của Pháp. Cộng với những bức ảnh chụp trộm bí mật mà kỹ thuật viên M. Vanunu công bố với thế giới, không cho phép người ta coi Israel như là "chú lùn Pygmy" trong lĩnh vực vũ khí hạch tâm được nữa.

Israel có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân?

Năm 2002, một nguồn tin Iran tiết lộ về cơ sở làm giàu uranium quy mô lớn ở Natanz. Đến năm 2009, tình báo Mỹ phát hiện một cơ sở khác nằm sâu trong lòng đất ở Fordow. Bài viết của tác giả Walter Pincus đăng trên tờ Washington Post đã tiết lộ về con đường sở hữu vũ khí hạt nhân của Israel.

Theo đó, trong thập niên 1950 - 1960, chính phủ Israel liên tục che giấu khi Mỹ yêu cầu cung cấp thông tin về các chương trình phát triển vũ khí của nước này.

Cụ thể, Israel đã xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân ở thành phố Dimona, nhưng họ nói với Bộ Ngoại giao Mỹ rằng đó là một nhà máy dệt và một cơ sở nghiên cứu luyện kim. Năm 1963, trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục với Tổng thống John F. Kennedy, ông Shimon Peres lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao cam kết rằng, Israel sẽ không công bố vũ khí hạt nhân với khu vực Trung Đông.

Lúc đó, Tổng thống Kennedy rất quan tâm đến chương trình hạt nhân của Israel, ông yêu cầu nước này cho phép các thanh tra viên của Mỹ vào cơ sở ở Dimona. Israel đã đồng ý nhưng đề nghị chuyến viếng thăm sẽ không dẫn đến… những lời cáo buộc gây bất lợi cho Israel.

Các cựu thanh tra Mỹ từng tiết lộ với Báo Guardian của Anh rằng, họ không được phép mang thiết bị hoặc thu thập mẫu vật tại cơ sở hạt nhân của Israel.

Các điệp viên Israel được giao nhiệm vụ tìm mua vật liệu và công nghệ hạt nhân tiên tiến luôn có cách để thâm nhập thành công vào các ngành công nghiệp nhạy cảm nhất thế giới.

Ví dụ, mạng lưới gián điệp thành công nhất của Israel mang tên "Lakam" - từ viết tắt tiếng Do Thái của một tổ chức có tên gọi hiền lành: Cơ quan liên kết khoa học - trong đó bao gồm các nhân vật nổi bật như Arnon Milchan, nhà sản xuất phim Hollywood với các bộ phim nổi tiếng như "Pretty Woman", "LA Confidential" và "12 rears a Slave".

Tháng 12-2013, Arnon Milchan cuối cùng đã chính thức thừa nhận vai trò đáng kể của ông trong hoạt động "thu mua" công nghệ hạt nhân bí mật của Nhà nước Do Thái. Milchan cũng tiết lộ chuyện ông thuyết phục nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Mỹ Arthur Biehl gia nhập bộ phận lãnh đạo của một trong những công ty của ông.

Trong cuốn tiểu sử về Arnon Milchan của hai tác giả - nhà báo Israel - Meir Doron và Joseph Gelman, Milchan được Tổng thống Shimon Peres tuyển mộ cho chương trình chiếm hữu công nghệ hạt nhân bí mật của Nhà nước Do Thái từ năm 1965 khi hai người gặp nhau trong hộp đêm Mandy's ở Tel Aviv.

Milchan được giao nhiệm vụ đánh cắp công nghệ làm giàu uranium, chụp ảnh các bản thiết kế máy ly tâm được một chuyên gia Đức cung cấp sau khi người này nhận được khoản tiền "lót tay" đáng kể.

Israel chính thức thành lập vào năm 1948, bao quanh họ là các quốc gia Arab thù địch. Khối Arab tấn công Israel nhiều lần cho đến giữa những năm 1970. David Ben-Gurion, Thủ tướng đầu tiên của Israel lo ngại rằng nước này sẽ không đủ khả năng để chạy đua vũ khí thông thường với khối Arab.

Ông đã soạn thảo một kế hoạch về việc Israel cần thiết phải tiến hành nghiên cứu và xây dựng kho vũ khí hạt nhân để bảo vệ nhà nước Do Thái. Trong bài phát biểu trước khi từ chức, ông tin rằng "chương trình hạt nhân sẽ là công cụ đảm bảo an toàn tuyệt đối và sự sống còn của Israel".

Hiện nhà nước Do Thái được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xếp hàng thứ 6 (sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc) về khả năng hạt nhân, trên cả Ấn Độ và Pakistan - những "cường quốc nguyên tử" đông dân gấp bội, cùng "kho dự trữ" ít nhất là 100 đơn vị vũ khí nguyên tử, kể cả bom neutron với năng lực sản xuất chừng 10 quả/năm - những trái bom khủng khiếp có sức công phá 20kiloton, ngang với quả bom mà quân Mỹ đã ném xuống thành phố Nagasaki (Nhật Bản) vào đầu tháng 8-1945.

Israel là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không chịu thừa nhận điều đó làm cho việc thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) trở nên khó khăn.

Năm 2015, thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới. Mục tiêu chính của thỏa thuận là ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông - khu vực được đánh giá là bất ổn và nguy hiểm nhất thế giới. Theo National Interest, có rất nhiều bí ẩn về kho vũ khí hạt nhân của Israel, quốc gia này chưa bao giờ nói về chương trình hạt nhân của họ.

Nhưng việc Israel sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được công nhận bởi các nhà phân tích quốc phòng ở Mỹ và một số quốc gia khác. Nhiều nước trên thế giới tin rằng, Israel có kho vũ khí hạt nhân khá lớn nhưng không biết chính xác về con số cụ thể.

Năm 2008, cựu Tổng thống Jimmy Carter ước tính Israel có khoảng 150 đầu đạn hạt nhân. Đến năm 2014, ông Carter đưa ra con số 300 dựa trên tính toán về sự thay đổi kho vũ khí nước này trong giai đoạn 2008 - 2014.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif nói với các phóng viên bên lề Hội nghị P5+1 tại Liên Hiệp Quốc rằng, Israel sở hữu tới 400 đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, tạp chí của các nhà khoa học nguyên tử cho rằng, con số mà ông Zarif đưa ra là quá lớn và không thực tế. Họ lập luận rằng, Israel chế tạo vũ khí để răn đe chứ không phải để sử dụng. Ngoài ra, Tập đoàn Rand (công ty cố vấn cho Lầu Năm Góc) ước tính, Israel có từ 65 đến 85 đầu đạn hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại