"Khi tôi còn bé, có 1 người anh rể lấy chị họ tôi. Cứ mỗi cuối tuần, anh chị hay ghé nhà tôi chơi, việc đầu tiên anh nhìn thấy tôi là chạy đến ôm ấp, hôn môi và sờ vào ngực, vào tất cả những bộ phận trên người tôi mà anh có thể sờ.
Tôi sợ hãi và nói lại với mẹ. Mẹ bảo tôi vớ vẩn, nói tào lao, vì anh có thương có quý thì mới như vậy. Tôi im lặng.
Vài lần sau anh đến và tiếp tục như vậy, tôi không thể kháng cự được, nói thì mẹ không tin và điều duy nhất tôi có thể làm sau đó là trốn. Tôi trốn khi nghe tiếng xe anh đến nhà, và trốn mất biệt khi anh đến chơi dù là 5' hay một buổi.
Sau này tôi đi học xa, thì đứa cháu gái tôi (con của một bà chị họ) lại là nạn nhân của ông anh rể quý hóa. Tôi nghe mà căm phẫm và đau lòng. Con bé lại như tôi, im lặng và chạy trốn. Những năm tháng của 7 - 10 tuổi, tôi chắc rằng bạn không thể nào nhớ hết được mình đã trải qua những gì.
Tôi cũng vậy, tôi không nhớ hết mình đã đi học làm sao, mình đã chơi những trò gì, mình đi những đâu, nhưng tôi cực kì nhớ, nhớ từng khoảng khắc, từng hình ảnh, nét mặt mà những kẻ ấu dâm đã làm với tôi".
"Em bị 1 thằng già ở hàng thuê truyện nó sờ vào chân thôi, mà tới giờ vẫn còn nằm mơ thấy. Trong mơ, thằng già bảo mình là: Chắc mày phải làm gì thì mới thế chứ… Mặc dù ngoài đời chả bao giờ em mắc chứng đổ lỗi cho nạn nhân chứ đừng nói là chính mình, thế mà hóa ra trong tiềm thức sâu xa mình vẫn nghĩ là mình có lỗi".
"Trường tôi có thầy H dạy thể dục nổi tiếng hay sàm sỡ học sinh nữ, đến nỗi có biệt danh riêng. Học sinh biết, phụ huynh biết, thầy cô biết, nhưng tấy cả đều có chung một thái độ, đó là: mặc kệ.
Lần đó, giờ thể dục ngoài sân, thầy hướng dẫn động tác bằng cách ôm eo, nắn ngực, sờ mông các bạn nữ. Mặt thầy lúc nào cũng tỏ vẻ phởn phơ và khoái chí. Còn các bạn nam thì không được hướng dẫn như thế, chỉ cần nhìn theo thầy và tập theo thôi.
Đến lượt tôi, thầy tiếp tục như với các bạn nữ khác. Tôi phản ứng bằng cách bỏ học đi vào lớp. Rồi dùng phấn viết lên bảng: thầy H dê xồm. Thầy đi vào lớp nhìn thấy tôi như vậy liền tức tối lên văn phòng BGH gọi mẹ tôi xuống nói chuyện (lúc đó mẹ tôi đang là phó hiệu trưởng của trường).
Kết quả là mẹ tôi phải xin lỗi thầy, tôi phải xin lỗi thầy và phải làm bản kiểm điểm. Đã thế, khi về ngang nhà tôi, thầy còn vào mách ba tôi, và tôi lại ăn 1 trận đòn thừa sống thiếu chết vì tội xúc phạm thầy giáo. Còn tất cả những cảm xúc, suy nghĩ, tổn thương của tôi, mảy may không một ai hỏi han, không một ai chia sẻ".
Đó chỉ là những mẩu tâm sự ngắn trong rất nhiều chia sẻ của những phụ nữ trưởng thành, khi nhớ về việc mình đã bị sàm sỡ, bị xâm hại, bị tấn công tình dục như thế nào. Họ, có người bị tấn công khi còn rất nhỏ, có người khi đã ở tuổi ý thức được bản thân, và có một điều có thật mà họ nói đến, đó là những sang chấn, tổn thương sẽ ám ảnh họ dài lâu, thậm chí cả đời.
Hơn 20 năm trôi qua, họ vẫn nhớ như in từng chi tiết, vẫn rùng mình khi nhớ lại. Những vết hằn ấy, hay dấu vết của những cái "nựng", nói theo ngôn ngữ của người đàn ông tấn công bé gái ở thang máy chung cư Sài Gòn, không thể bào mòn theo thời gian.
Mới đây, cộng đồng mạng, trong đó có nữ nhiếp ảnh gia Maika Elan đã chia sẻ mạnh mẽ những hình ảnh trong chiến dịch "Some touches never leave" (Có những vết chạm mãi hằn sâu) mà tổ chức phi chính phủ của Đức có tên Innocence in Danger cùng với công ty quảng cáo Publicis Pixelpark thực hiện.
Những bức ảnh trong chiến dịch được công bố vào năm 2016, nhưng đến bây giờ, nó vẫn mang ý nghĩa thời sự và được cộng đồng mạng Việt chia sẻ mạnh mẽ, như một cách bày tỏ sự quan tâm, quan điểm của mình sau một loạt vụ việc tấn công tình dục phụ nữ và trẻ em thời gian gần đây.
Những bức ảnh đã gây ấn tượng mạnh cho người xem bởi những hình ảnh dấu bàn tay in hằn trên cơ thể các em nhỏ, như một lời cảnh báo đến các phụ huynh và các nhà chức trách trên toàn thế giới, góp phần nâng cao nhận thức của người dân cũng như bảo vệ trẻ em trước các hành vi xâm hại tình dục hay bạo lực.
Nhiều poster ý nghĩa tương tự cũng được chia sẻ lại, cùng với sự lên tiếng của cộng đồng, đặc biệt là những người làm cha mẹ. Nhiều phụ nữ đã trưởng thành viết trên mạng xã hội, rẳng họ từng là nạn nhân, nhưng bởi sự im lặng, thờ ơ, thậm chí phán xét ngược của những người xung quanh, mà họ đôi khi cho rằng mình mới là người có lỗi và không có quyền lên tiếng.
Có những người thậm chí bị xâm hại mà không ý thức được điều đó, cho đến khi trưởng thành, bởi không được ai dạy để biết mình bị sao và phải làm sao.
Một print ad sáng tạo của Unicef bảo vệ quyền trẻ em với thông điệp "Nếu chính bạn không chống lại việc xâm phạm quyền trẻ em, vậy thì ai?". Kết hợp với hình ảnh, thông điệp thể hiện đầy sức mạnh, nhắm trúng tới cộng đồng nhưng không hề bạo lực.
Một poster chiến dịch của Thái Lan với nội dung, khi đã bị xâm hại, nỗi đau, sự ghê tởm và ám ảnh với những cái chạm đó có thể đeo bám nạn nhân cả đời.
Đó là chuyện của quá khứ, và những vết hằn ghê tởm ấy vẫn còn ám họ, đó là việc không thể thay đổi. Nhưng có một việc mà chúng ta có thể làm, ngay hôm nay, đó là đừng im lặng nữa.
Đừng sợ phải lên tiếng, đừng sợ đấu tranh cho lẽ phải, cho một cộng đồng sạch sẽ và an toàn mà con cái chúng ta sẽ lớn lên, những người phụ nữ xung quanh ta sẽ sống. Nếu chúng ta không lên tiếng bảo vệ họ, không đấu tranh vì họ, ai sẽ làm? Nếu chúng ta không nói hôm nay, thì đợi đến bao giờ?
"Pedophilia. You might not see it, but it could be happening" chính là thông điệp print ad từ Brazil muốn truyền đạt tới cộng đồng. Có những điều bạn không nhìn thấy những nó vẫn xảy ra hàng ngày, xung quanh bạn và đe dọa chính những đứa con của bạn.