Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Campuchia công bố, lượng dầu diesel và dầu mỏ nhập khẩu của Campuchia đã tăng 11,3% trong 11 tháng đầu năm 2024.
Tân Hoa Xã dẫn báo cáo cho biết giá trị nhập khẩu nhiên liệu diesel và dầu mỏ đạt tổng cộng 2,18 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo cho biết thêm, quốc gia Đông Nam Á này đã chi 1,3 tỷ USD cho nhiên liệu diesel và 876 triệu USD cho dầu mỏ trong 11 tháng đầu năm nay, tăng lần lượt 10% và 13% so với cùng kỳ năm trước.
Campuchia hiện đang hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu diesel và dầu mỏ vì trữ lượng dầu dưới đáy biển của nước này vẫn chưa được khai thác.
Bộ Mỏ và Năng lượng dự báo nhu cầu về các sản phẩm dầu mỏ của Campuchia sẽ tăng lên 4,8 triệu tấn vào năm 2030, tăng từ mức 2,8 triệu tấn vào năm 2020.
Đến 20/12, giá xăng thông thường tại Campuchia là 3.900 riel (0,97 USD) một lít, trong khi giá dầu diesel là 3.750 riel (0,93 USD).
Trong năm 2023, lượng nhập khẩu nhiên liệu diesel và dầu mỏ của Campuchia đã giảm 7,6%, Tân Hoa Xã cũng dẫn báo cáo từ Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đó, c ả năm 2023, tổng giá trị nhập khẩu nhiên liệu diesel và dầu mỏ của Campuchia đạt 2,17 tỷ USD , giảm 7,6% so với mức 2,35 tỷ đô la của năm trước.
Báo cáo cho biết thêm, quốc gia Đông Nam Á này đã chi 1,32 tỷ USD cho nhiên liệu diesel và 850 triệu USD cho dầu mỏ vào năm ngoái, giảm lần lượt 12,2% và 0,26% so với cùng kỳ năm trước.
Campuchia giàu tài nguyên
Theo trang Open Development Cambodia, ở Đông Nam Á, Campuchia là một trong những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên - đá quý, khí đốt, dầu mỏ, phốt phát, mangan, quặng sắt và gỗ.
Từ đầu những năm 2000, nhiều công ty như PTT của Thái Lan, Petro Vietnam và China National Offshore Oil Corp (CNOOC) đã tìm kiếm các trữ lượng dầu có thể có bên trong lãnh thổ Campuchia. Chevron, một công ty dầu mỏ lớn của Hoa Kỳ, đã xác nhận sự hiện diện của dầu ngoài khơi tại Lô A, nằm gần tỉnh Preah Sihanouk (hay Sihanoukville) - miền Nam Campuchia.
Năm 2004, Chevron thông báo đã tìm thấy dầu ở lô trữ lượng ngoài khơi A, tại Vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, việc sản xuất dầu đã không thành hiện thực do Chính phủ Campuchia và Chevron không đạt được thỏa thuận về chia sẻ doanh thu. Điều này cuối cùng dẫn đến việc gã khổng lồ dầu mỏ của Hoa Kỳ từ bỏ dự án và bán cổ phần của mình.
Năm 2014, công ty KrisEnergy có trụ sở tại Singapore đã mua quyền thăm dò dầu từ Chevron và trở thành đơn vị điều hành tại Lô dầu A của Campuchia. Tiềm năng khai thác dầu ngoài khơi trở nên rõ ràng hơn khi Campuchia và KrisEnergy đạt được thỏa thuận về chi tiết sản xuất và tài chính, cho phép KrisEnergy chuẩn bị khai thác dầu từ lô rộng 3.083 km vuông. KrisEnergy đã triển khai Giai đoạn 1A của dự án phát triển Apsara, nơi công ty dự kiến có thể khai thác khoảng 30.000 thùng dầu và khí đốt.
Năm 2019, công ty thăm dò khoáng sản có trụ sở tại Canada Angkor Resources cũng đã nhận được sự chấp thuận từ Chính phủ Hoàng gia Campuchia (RGC) để thăm dò dầu khí.
Theo thỏa thuận, Angkor Resources giành được quyền thăm dò dầu khí tại Lô VIII, một địa điểm trên bờ ở tỉnh Preah Sihanouk có diện tích khoảng 7.300 km2.
Năm 2020, Công ty TNHH Phát triển Năng lượng Tài nguyên Campuchia do Trung Quốc sở hữu đã nhận được giấy phép thăm dò ba năm cho Lô D rộng 5.500 km2 ở Vịnh Thái Lan.
Với sản lượng từ trữ lượng dầu mỏ, Campuchia dự kiến sẽ tăng doanh thu lên hàng trăm triệu USD - tùy thuộc vào khối lượng sản xuất, giá dầu và chi phí khai thác. Aun Pornmoniroth, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính cho biết trữ lượng dầu mỏ Lô A có thể tạo ra thu nhập cho Chính phủ Campuchia, trong suốt vòng đời của dự án, khoảng 500 triệu USD.
Ông Cheap Sour, Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí thuộc Bộ Mỏ và Năng lượng, cho biết sản lượng khai thác tài nguyên dầu có thể đạt tới khoảng 7.500 thùng mỗi ngày từ năm giếng.
Việc thăm dò dầu thành công sẽ cho phép Campuchia xuất khẩu dầu sang các nước khác, duy trì nền tảng tài chính và giảm nhu cầu nhập khẩu dầu.
“Thật không may, sự tham gia của Campuchia vào sản xuất dầu có thể chỉ là sản xuất dầu thô, như Bộ Mỏ và Năng lượng đã chỉ ra, do Campuchia thiếu cơ sở hạ tầng để chế biến dầu”, trang này nhận định.
Mới đây, Chính phủ Thái Lan đã công bố kế hoạch tái khởi động đàm phán với Campuchia về việc thăm dò chung một mỏ dầu khí ngoài khơi, nằm ở vùng biển mà hai nước có tranh chấp từ những năm 1970.
Mỏ này ước tính có khả năng chứa khoảng 10 tcf (283 bcm) khí đốt tự nhiên và 300 mbl dầu thô, với giá trị ước tính khoảng 10.000 tỷ baht (300 tỷ USD).