Thợ làm bánh mì ở Iceland có thói quen kì lạ lắm, cứ sớm sớm là ôm nồi cầm xẻng ra cồn cát, đào đào xới xới rồi đem chôn cái nồi đấy, tới sáng hôm sau lại ra đào lên rồi ôm về.
Hỏi ra mới té ngửa, hoá ra đấy là cách nướng bánh mì của người dân Iceland!
Chôn...
… và lấp.
Thật là kì lạ đúng không nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về chiếc bánh mì "nhất định phải đem chôn" của người dân Iceland nhé!
Bánh mì "núi lửa" hấp dẫn.
Chiếc bánh ấy có tên "cúng cơm" theo tiếng Iceland là Hverabrauð (khờ-ve-rau-bri-xì), được giới truyền thông Mỹ tặng cho một cái tên rất là nên thơ: Bánh Mì Núi Lửa, hay bánh mì dung nham (nhưng nó không có nhân tan chảy đâu!).
Gọi như vậy là bởi vì cách chế biến có 1-0-2 của loại bánh này liên quan mật thiết đến thổ nhưỡng chằng chịt mạng lưới suối nóng ngầm, với nhiệt lượng được "tài trợ" bởi hơn 130 "vị" núi lửa (đang hoạt động lẫn không hoạt động) của Iceland đấy.
Mặc dù sống chung với kha khá ngọn núi lửa đang "rần rần", người dân Iceland vẫn hết sức tận hưởng tài nguyên trời phú của mình bằng cách sáng tạo ra công thức làm bánh mì không giống ai: "Mượn" nhiệt lượng toả ra từ mạch nước nóng ngầm để làm chín bánh mì!
Trong bộ phim ngắn về bánh mì núi lửa ở Liên Hoan Phim Ẩm Thực New York 2016, thực hiện bởi đạo diễn Alison Grasso, có thể thấy những chiếc bánh mì núi lửa được ra đời trong khung cảnh hệt như những bộ phim viễn tưởng: Nơi những cồn cát gần suối nước nóng có sương khói bay lượn lờ, và những vũng nước trên nền đất thì đang sôi ùng ục.
"Ùng ục!".
Nơi những chiếc bánh mì núi lửa được sinh ra là thế này đây.
Cách làm bánh mì núi lửa không khác với những loại bánh mì lúa mạch đen phổ biến ở châu Âu lắm, bao gồm những nguyên liệu khá bình thường như lúa mạch đen, men, đường, sữa và một ít muối.
Tuy nhiên đặc biệt ở chỗ là phần bột được trộn và ủ xong sẽ được để vào trong một chiếc nồi đậy kín, sau đó thợ làm bánh đem chôn xuống nền đất gần suối nước nóng.
Người thợ làm bánh Viktor Sveinsson trong bộ phim ngắn về bánh mì núi lửa đã cho hay: "Nhiệt độ bình thường trong "lò nướng thiên nhiên" của người dân Iceland có thể lên đến 100 độ C, là một nhiệt độ lý tưởng cho các món ăn nấu chậm như ninh, hầm, hay như chiếc bánh mì núi lửa phải được chôn đến 24 tiếng này".
Ngoài món bánh mì này, người dân còn tận dụng cả "lò nướng thiên nhiên" để nấu những món như thịt cừu hầm.
Ngày xưa kể lại rằng, một thôn xóm như vậy thường có 5 - 6 hộ gia đình sẽ cùng chia nhau sử dụng mạch nước ngầm này cho việc nấu ăn.
Cận cảnh đào“kho báu" của thợ làm bánh.
Nhờ vào việc “xông hơi" dưới nguồn nhiệt ngầm trong đất mà thành phẩm bánh mì núi lửa sau khi ra lò có kết cấu vừa mềm vừa xốp, độ ẩm gần như bánh bông lan vậy.
Chiếc bánh mì kì lạ này đã thành công chinh phục rất nhiều du khách khó tính không chỉ nhờ vào hương vị đậm đà béo ngậy như tan trong miệng mà còn nhờ vào cách chế biến hết sức cầu kì.
Chiếc bánh cũng đã được giới báo chí khắp thế giới không tiếc lời ngợi khen, chủ yếu là vì “điều kì diệu khi mà một món ăn được tạo ra từ sự hợp tác giữa con người và thiên nhiên".
"Thành phẩm" thơm ngất ngây sau 24 tiếng đây!
Bánh vừa xốp vừa mềm và có độ ẩm lý tưởng.ánh vừa xốp vừa mềm và có độ ẩm lý tưởng.
Bánh mì "núi lửa" này nổi tiếng với hàm lượng dinh dưỡng cực cao và là một lựa chọn tuyệt vời để nạp năng lượng cho buổi sáng.
Một trang web du lịch nước ngoài còn từng dí dỏm bảo rằng: "Chỉ với một vài miếng bánh mì này, bạn có lẽ sẽ tự dưng muốn phóng đi leo mấy ngọn núi và lội mấy con sông", bởi nhờ thế thì may ra mới tiêu hết năng lượng và hàm lượng dinh dưỡng có trong chiếc bánh này!
Ngoài ra, người dân Iceland còn đặt cho chiếc bánh này một biệt danh có phần "khủng bố" là… bánh Sấm Sét, bởi vì món bánh này rất hay được người dân Iceland ăn trong lễ hội dành cho thần sấm sét của người Viking (là Thor đấy).
Bánh mì "núi lửa" thường được ăn cùng với một loại bơ đặc biệt của người Iceland, đôi khi sẽ kèm theo cá hồi xông khói, là một món ăn sáng, ăn nhẹ khoái khẩu của người dân nơi đây.
Còn bạn thì sao? Bạn có muốn thử món bánh kì lạ này không? Hãy comment cho chúng tôi biết nhé!
Nguồn: Alison Grasso, Cookingismessy