Theo hãng tin Sputnik (Nga), sau khi nếm trải một loạt thất bại trên thị trường châu Âu, Saab - nhà sản xuất vũ khí lớn của Thụy Điển - đang đổ dồn hy vọng vào thị trường châu Á.
Sự gia tăng căng thẳng chính trị tại châu Á được cho là nhân tố thúc đẩy một số quốc gia tăng nhu cầu mua sắm khí tài quân sự, đồng thời có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Vì thế, Saab đang có kế hoạch chào mời các quốc gia châu Á củng cố năng lực quốc phòng với mẫu tàu ngầm thế hệ mới A26.
Mặc dù được xem là "át chủ bài" của Saab nhưng A26 cũng là mẫu tàu đã thất bại trong việc thu hút khách hàng châu Âu.
Khi đề cập tới căng thẳng trong khu vực châu Á, lãnh đạo của Saab chủ yếu nhắc tới các vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Song, theo Sputnik, nhiều quốc gia châu Á khác, đáng chú ý nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, cũng đã bày tỏ mong muốn củng cố lực lượng vũ trang trên bộ và trên biển do xung đột giữa 2 phía.
Ngoài ra, đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Singapore đã dự đoán số lượng tàu ngầm trong khu vực sẽ tăng từ 200-250 tàu trong vòng 8 năm.
Do đó, đối với Saab - một trong những nhà sản xuất tàu ngầm hàng đầu châu Âu - những điều này nghe có vẻ là một "cơ hội vàng".
"Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, trong khi đó, lại có thêm một Trung Quốc ngày càng lộ rõ các tham vọng siêu cường.
Họ (Trung Quốc) thậm chí còn tham gia tập trận chung tại biển Baltic (với Nga) và đang triển khai lực lượng theo cách chưa từng tiến hành trước đây" - kênh truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT dẫn lời ông Gunnar Wieslander - Giám đốc điều hành tại nhà máy đóng tàu Kockums của Saab cho hay.
Căn cứ vào tình hình hiện nay, ông Wieslander cho rằng châu Á là một thị trường "thú vị" đối với Saab. Australia, Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc, Indonesia và thậm chí cả Myanmar - một trong những quốc gia nghèo nhất trong khu vực - đều được Saab liệt vào danh sách những quốc gia đang có nhu cầu mua tàu ngầm.
Với 3 kích cỡ khác nhau, tàu ngầm A26 được dự đoán sẽ thu hút các khách hàng châu Á.
Tàu ngầm A26 được quảng bá là tàu ngầm đặc biệt yên tĩnh, không rung lắc và về cơ bản có khả năng "tàng hình" khi hoạt động dưới lòng biển. Nó được chế tạo theo 3 kích cỡ để phù hợp với khu vực hoạt động và đặc điểm này được dự đoán sẽ thu hút các khách hàng tiềm năng tại châu Á.
Trên lý thuyết, tàu ngầm A26 thậm chí có thể trang bị vũ khí hạt nhân, dù điều đó không nằm trong kế hoạch của Saab.
"Chúng tôi không vũ trang cho tàu ngầm, mà là khách hàng. Trên lý thuyết, khách hàng có thể lắp vũ khí hạt nhân cho mọi thứ, kể cả trên một chiếc xe Volkswagen, tuy nhiên, chúng tôi không có kế hoạch cung cấp tàu ngầm trang bị sẵn năng lực hạt nhân" - ông Wieslander khẳng định.
Dự án A26 được khởi xướng vào đầu những năm 1990, là dự án hợp tác xuyên quốc gia nhằm nâng cấp hạm đội tàu ngầm. Tuy nhiên, chương trình bị hủy bỏ sau khi Đan Mạch rút lui và tập đoàn ThyssenKrupp - chủ sở hữu nhà máy Kockums khi đó nảy sinh mâu thuẫn với chính phủ Thụy Điển.
Hiện nay, Thụy Điển vẫn là quốc gia duy nhất đặt hàng 2 chiếc A25 với mức giá 950 triệu USD. Đầu năm nay, một số nguồn tin cho biết đơn giá của mẫu tàu ngầm xấu số này sẽ bị đẩy cao lên nhiều so với trước nếu không xuất khẩu được chiếc nào ra nước ngoài.