Có một cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu liên quan đến chất lỏng quý nhất trên cơ thể người: 60% quốc gia không thể đáp ứng đủ

J.D, |

Gần 120 quốc gia đang phải trải qua cơn khủng hoảng này, và đó chưa phải là số liệu cuối cùng.

Chất lỏng chúng ta nhắc đến ở đây chính là máu!

Khi Karl Landsteiner đưa ra quy tắc nhóm máu và các kháng nguyên, người ta gọi đó là phát kiến vĩ đại nhất kỷ nguyên loài người. Nhờ những quy tắc này, con người đã có thể truyền máu một cách an toàn hơn, từ đó cứu sống vô số bệnh nhân từ sản phụ sinh con, người bị tai nạn, cho đến các trường hợp mắc chứng thiếu máu và bệnh nhân bị ung thư.

Nhưng giờ đây, câu chuyện truyền máu đang bước vào một cơn khủng hoảng với quy mô toàn cầu. Theo như báo cáo mới nhất từ tạp chí The Lancet Haematology, toàn thế giới đang rơi vào tình trạng thiếu hụt máu trầm trọng, với ít nhất 60% các quốc gia đang không có đủ máu để cứu người.

Thông thường, nguồn cung máu được lấy từ những tình nguyện viên khỏe mạnh, sẵn sàng hiến máu khi cần. Tuy nhiên, nguồn này thường không ổn định và khó lòng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. 

Đứng trước tình trạng này, các chuyên gia từ ĐH Washington (Hoa Kỳ) quyết định thực hiện một nghiên cứu liên quan, nhằm xác nhận thực trạng thiếu hụt máu trên phạm vi toàn thế giới và tìm ra giải pháp cho nó.

Bằng cách ước tính số lượng máu cần để điều trị một số loại bệnh trên thế giới, họ kết luận được rằng có đến 61% quốc gia hiện nay không có đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu truyền máu. Trong đó, tại phía trung, đông và tây vùng Hạ Sahara của châu Phi; châu Đại Dương và Nam Á, gần như toàn bộ các quốc gia đều rơi vào tình trạng này (ngoài trừ Úc),

Tổng cộng, có 119/195 quốc gia hiện đang thiếu máu. Trung bình, mỗi quốc gia thiếu khoảng 1849 đơn vị máu trên 100.000 người dân. Đặc biệt, tình trạng này cực kỳ phổ biến ở các nước có thu nhập trung bình và thấp, bất chấp thực tế rằng những quốc gia này có nhu cầu truyền máu thấp hơn so với nước có thu nhập cao.

Có một cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu liên quan đến chất lỏng quý nhất trên cơ thể người: 60% quốc gia không thể đáp ứng đủ - Ảnh 1.

Trên thực tế, các quốc gia giàu có thường đòi hỏi lượng máu nhiều hơn nhằm điều trị cho những ca mắc bệnh tim hoặc chấn thương hoặc tai nạn nghiêm trọng. Còn các nước thu nhập thấp, lượng máu cần truyền để dành cho bệnh lao, bệnh hô hấp, thậm chí là thiếu hụt vi chất như sắt.

Cũng theo các chuyên gia, tổ chức Y tế thế giới WHO hiện tại đang đánh giá quá thấp vấn đề này. WHO hiện đang đặt mục tiêu 10 - 20 người hiến máu trên mỗi 1000 người dân, nhưng sự thực là 195 quốc gia trên thế giới đều phải vượt xa tỉ lệ này mới đáp ứng đủ nhu cầu truyền máu. Như tại Đông Âu, ít nhất cũng phải 40 người hiến trên 1000 người.

Đan Mạch hiện là quốc gia có nguồn cung máu lớn nhất - 14.704 đơn vị/100.000 người. Nhưng với các quốc gia như Ấn Độ, Madagascar, Nam Sudan... cầu đang vượt cung tới ít nhất 75 lần.

Nicholas Roberts - tác giả nghiên cứu cho biết báo cáo này còn nhiều hạn chế, nên có thể họ cũng chưa đánh giá đúng độ nghiêm trọng của câu chuyện này. Dù vậy, Roberts mong rằng nó sẽ mang lại thông tin hữu ích cho các nhà lập pháp và chuyên gia y tế, để sớm có những giải pháp phù hợp hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại